Chủ Nhật, 03/11/2024 01:14 SA
Sinh viên ngành khác được chuyển sang công nghệ thông tin
Chủ Nhật, 26/11/2017 09:13 SA

Áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, sinh viên các ngành khác được chuyển sang học ngành này - Ảnh: MẠNH THÚY

Bộ GD-ĐT vừa có công văn chính thức cho phép các đại học, học viện và các trường đại học (gọi chung là cơ sở đào tạo) áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) trình độ đại học.

 

Theo đó, sinh viên đang học đại học các ngành khác được chuyển sang học CNTT ở các cơ sở có đào tạo trình độ đại học ngành này. Những ngành đào tạo được áp dụng cơ chế đặc thù gồm: Khoa học máy tính, Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, Kỹ thuật phần mềm, Kỹ thuật máy tính, Hệ thống thông tin, Hệ thống thông tin quản lý, Công nghệ kỹ thuật máy tính, CNTT, An toàn thông tin, CNTT ứng dụng trong lĩnh vực kinh tế - xã hội. Sinh viên đang học đại học hết năm thứ 1, 2, 3 các ngành khác nếu có nguyện vọng có thể được chuyển sang học CNTT ở cùng một cơ sở đào tạo hoặc các cơ sở đào tạo khác có đào tạo các ngành này; chỉ tiêu và điều kiện chuyển ngành học do thủ trưởng các cơ sở đào tạo quy định cụ thể theo hướng mở, công khai và đảm bảo các điều kiện đầu vào tối thiểu của chương trình đào tạo.

 

Ngay khi quyết định này được ban hành, nhiều ý kiến cho rằng, việc “thả cửa” cho sinh viên ngành khác chuyển sang học ngành CNTT sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên, song cũng có thể phát sinh những bất cập, không đạt hiệu quả như mong đợi, đặc biệt là sự quá tải về năng lực đào tạo nếu số sinh viên chuyển ngành quá nhiều.

 

TS Trần Lăng, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Phú Yên cho biết: Đối với các trường đại học, việc chuyển từ học ngành này sang ngành khác (cùng tổ hợp môn xét tuyển) hay việc chuyển trường đã có những quy định và được các trường thực hiện trong nhiều năm trước đây. Hiện nay, nếu áp dụng cơ chế đặc thù đối với những ngành thuộc lĩnh vực CNTT theo quan điểm của Bộ GD-ĐT là hướng mở trên cơ sở đảm bảo các điều kiện chất lượng đầu vào tối thiểu của chương trình đào tạo. Việc thực hiện cơ chế như thế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các trường trong việc giải quyết đầu ra, tạo cơ hội cho người học cũng như thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Do vậy, việc áp dụng cơ chế đặc thù sẽ không gây nhiều áp lực hoặc khó khăn đến việc tổ chức và quản lý đào tạo của các trường.

 

Trong khi đó, một số trường đại học khác thì lo lắng, vì cho rằng trước khi tuyển sinh các trường đã tự xác định chỉ tiêu từng ngành dựa trên các điều kiện về đảm bảo năng lực đào tạo: cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy. Do vậy, việc cho phép sinh viên đã trúng tuyển ngành khác chuyển sang học CNTT cần căn cứ trên năng lực đào tạo thực tế của đơn vị. Chẳng hạn tại Trường đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, việc cho phép sinh viên ngành khác chuyển sang học CNTT tại trường này không dễ thực hiện. Việc này nếu diễn ra có thể dẫn đến tình trạng không thỏa mãn điều kiện trúng tuyển đầu vào. Bởi lẽ Khoa học máy tính là ngành có điểm trúng tuyển cao nhất trường này. Nếu cho phép sinh viên ở ngành khác (điểm chuẩn thấp hơn) chuyển sang học ngành này là không phù hợp.

 

Theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, các trường phải xây dựng đề án Áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo CNTT trình độ đại học giai đoạn 2017-2020. Đề án phải xác định rõ mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo; các nội dung hợp tác giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp đối tác và trách nhiệm của mỗi bên; quy định về tuyển sinh và quy định về chuyển ngành, chuyển trường đối với ngành đào tạo áp dụng cơ chế đặc thù; các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, nội dung chương trình và phương thức đào tạo; các giải pháp, minh chứng đảm bảo việc làm cho sinh viên tốt nghiệp. “Nếu các trường thực hiện cơ chế đặc thù theo quy trình chặt chẽ như thế thì sẽ kiểm soát được quy mô đầu vào cũng như đầu ra để tránh áp lực về việc làm đối với sinh viên sau khi tốt nghiệp”, TS Trần Lăng nói.

 

MẠNH THÚY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek