Được tôn vinh là ánh sáng mở đường cho một cuộc cách mạng năng lượng, nhưng giới khoa học mới đây đã chỉ ra chính những chiếc đèn LED lại đang đẩy mạnh tình trạng ô nhiễm ánh sáng toàn cầu, kéo theo những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe con người và động vật.
Nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Science Advances ngày 22/11 phân tích dữ liệu vệ tinh cho thấy những buổi tối trên Trái Đất đang có xu hướng trở nên sáng hơn, với diện tích sử dụng ánh sáng nhân tạo ngoài trời tăng với tốc độ 2,2%/năm trong giai đoạn 2012-2016.
Các chuyên gia nhấn mạnh đây là một vấn đề nghiêm trọng vì ánh sáng vào ban đêm đã được xác định là làm rối loạn đồng hồ sinh học ở người và tăng nguy cơ các bệnh ung thư, tiểu đường cũng như chứng trầm cảm. Ánh sáng vào ban đêm thậm chí có thể giết chết nhiều động vật như đèn thu hút côn trùng hay làm nhiễu loạn khả năng định hướng của chim hay rùa biển.
Chris Kyba, nhà vật lý của Trung tâm Nghiên cứu Địa chất Đức và cũng là chủ nhiệm công trình nghiên cứu, cho rằng vấn đề không nằm ở công nghệ đèn LED, vốn được ưa chuộng nhờ đặc tính tiết kiệm điện.
Phát biểu họp báo về công trình nghiên cứu mới, ông Kyba cho rằng vấn đề là việc con người có xu hướng lạm dụng khi dùng quá nhiều đèn với suy nghĩ họ đang sử dụng công nghệ tiết kiệm. Các nhà khoa học gọi đây là "hiệu ứng đảo ngược”.
Theo một nghiên cứu năm 2010 công bố trên tạp chí Ecological Economics, những buổi tối quá sáng không chỉ ảnh hưởng tới môi trường tự nhiên mà còn gây thiệt hại gần 7 tỉ USD hàng năm do "tác động tiêu cực đối với đời sống hoang dã, sức khỏe, ngành thiên văn và lãng phí năng lượng”.
Travis Longcore, chuyên gia của Đại học Nam California, cho rằng kết luận của nghiên cứu mới "không có gì bất ngờ" đối với những người đã bỏ nhiều năm theo đuổi vấn đề này. Chuyên gia này cho rằng con số 2,2% mà nghiên cứu đưa ra là "không bền vững”.
Các giải pháp được đề xuất bao gồm sử dụng các nguồn sáng cường độ thấp, tắt đèn khi không sử dụng, dùng đèn LED ánh sáng ấm thay vì ánh sáng xanh hay tím để hạn chế tác hại đối với sức khỏe con người và động vật, và quan trọng nhất là thay đổi cách suy nghĩ của người dân về việc quá dựa dẫm vào nguồn sáng nhân tạo vào ban đêm.
Theo TTXVN/Vietnam+