Thời gian qua, công tác giáo dục truyền thống cho học sinh luôn được các trường học coi trọng, tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa. Qua đó, các em học sinh được “tiếp lửa” truyền thống yêu nước của dân tộc, nâng cao ý thức trong học tập và rèn luyện, góp phần hoàn thiện đạo đức, nhân cách.
Cùng các bạn lớp 9G, Trường THCS Lương Thế Vinh (TP Tuy Hòa) dâng hương và lễ vật lên bàn thờ của Trạng nguyên Lương Thế Vinh nhân kỷ niệm 521 năm ngày mất của ông do nhà trường tổ chức vào sáng 14/10 vừa qua, em Phan Nguyễn Diễm Trang không giấu được niềm phấn khởi và tự hào. Trang cho biết: “Khi mới vào trường, em đã được các thầy cô giáo giới thiệu về tiểu sử, cuộc đời và công đức của Trạng nguyên Lương Thế Vinh. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, em và học sinh của trường được tham dự lễ giỗ vị danh nhân tài đức mà nhà trường mang tên. Em cảm thấy rất tự hào và sẽ cố gắng học thật giỏi, mang niềm vinh dự về cho trường”.
Theo thầy Phạm Văn Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh, năm học 2017-2018 là năm đầu tiên trường tổ chức lễ giỗ danh nhân Lương Thế Vinh, nhằm tôn vinh những cống hiến to lớn của vị trạng nguyên họ Lương đối với đất nước; đồng thời khơi dậy niềm tự hào về vị trạng nguyên mà ngôi trường được vinh dự mang tên. Lễ giỗ sẽ được duy trì hàng năm và là một trong những hoạt động chính trong giáo dục truyền thống cho giáo viên và học sinh của trường.
“Giáo dục truyền thống là một phần không thể thiếu để hình thành và phát triển nhân cách, đạo đức của học sinh. Vì vậy, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động này với nội dung và hình thức phong phú để thu hút các em tham gia như: Nói chuyện truyền thống dưới cờ vào sáng thứ hai hàng tuần, sinh hoạt theo chủ điểm hàng tháng, lồng ghép giáo dục truyền thống vào các môn học. Bên cạnh đó, trường còn tổ chức cho các em thi tìm hiểu về lịch sử, tham quan bảo tàng, dâng hương Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, thăm và tặng quà cho Mẹ Việt Nam anh hùng…”, thầy Khoa nói.
Ngoài Trường THCS Lương Thế Vinh, rất nhiều trường khác trên địa bàn tỉnh cũng tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống qua ý nghĩa tên trường. Vào mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, thầy trò Trường THCS Hùng Vương (TP Tuy Hòa) đều tổ chức các hoạt động văn hóa tưởng nhớ công đức các vua Hùng. Đều đặn mỗi năm hai lần, thầy trò Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh lại tổ chức dâng hương và lễ vật lên bàn thờ Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh tại thôn Long Phụng, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa nhân ngày thành lập trường (15/10) và ngày giỗ của danh nhân (19/9 âm lịch).
Với Trường THPT Trần Phú (huyện Tuy An), vị trí trường đóng rất gần các tượng đài chiến công, bia ghi danh liệt sĩ, Khu di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Thành An Thổ nên các giờ học ngoại khóa về giáo dục truyền thống của trường rất phong phú. Thầy Nguyễn Tấn Lập, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Việc giáo dục truyền thống, đạo đức cho học sinh luôn được trường quan tâm. Nhà trường luôn hướng học sinh ghi nhớ và hiểu sâu về lịch sử địa phương, truyền thống đấu tranh anh dũng của cha ông thông qua các hoạt động về nguồn. Chính những hoạt động thực tiễn như thế đã giúp hình thành và phát triển ý thức dân tộc trong học sinh, giúp các em nhận thấy trách nhiệm của mình với Tổ quốc, gia đình và xã hội, mà trước tiên là trách nhiệm với bản thân trong học tập, rèn luyện”.
Bên cạnh tổ chức hoạt động ngoại khóa, các trường còn xây dựng phòng truyền thống, trưng bày nhiều hiện vật lịch sử có giá trị; vận động các nguồn lực, xây tượng đài danh nhân, anh hùng mà trường mình vinh dự mang tên. Qua đó giúp học sinh hiểu rõ hơn về lịch sử, ý nghĩa tên trường, cũng như bồi đắp lòng tự hào, tình yêu quê hương đất nước.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở GD-ĐT Phú Yên, bên cạnh những kết quả đạt được, tại một số cơ sở giáo dục, công tác giáo dục truyền thống cho học sinh chưa được quan tâm đúng mức. Để việc giáo dục truyền thống cho học sinh đi vào chiều sâu, theo TS Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên, trước hết các trường cần phải xác định một cách nghiêm túc vai trò của công tác này, từ đó có chương trình tuyên truyền, bồi dưỡng thường xuyên, liên tục.
Các trường cần căn cứ vào cấp học, lứa tuổi học sinh mà đưa ra những hình thức tuyên truyền, giáo dục phù hợp. Bên cạnh đổi mới phương pháp giảng dạy môn Lịch sử; lồng ghép nội dung giáo dục truyền thống vào các môn học, các trường nên đa dạng hóa hình thức tuyên truyền như: tổ chức các cuộc thi tìm hiểu lịch sử, tham quan các khu di tích, giao lưu với các nhân chứng lịch sử nhằm khơi dậy ý thức tự tôn, tự hào dân tộc ở học sinh; từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
TS Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên |
HÀ MY