Thứ Tư, 06/11/2024 10:30 SA
Tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số:
Chung tay thực hiện đồng loạt các giải pháp
Thứ Tư, 25/10/2017 08:26 SA

Từ khi đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Phú Yên” được ban hành, đã tạo một luồng gió mới. Tuy nhiên, để đề án sớm đạt mục tiêu trang bị kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, các cấp, ngành cần đồng loạt thực hiện các giải pháp về truyền thông, biên soạn học liệu, đầu tư trang thiết bị dạy học...

 

Chuẩn bị tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số trước tuổi vào lớp 1 tại Trường mẫu giáo Sơn Giang (huyện Sông Hinh) - Ảnh: KHÁNH HÀ

 

Đẩy mạnh truyền thông, biên soạn học liệu

 

Để triển khai đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Phú Yên” đạt hiệu quả, Sở GD-ĐT Phú Yên đã xác định cụ thể các mục tiêu và đề ra một số giải pháp khả thi. Trong đó, giải pháp đầu tiên mà ngành đặt ra để thực hiện đề án là đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông qua cán bộ tuyên truyền ở địa phương, các tổ chức đoàn thể, cơ sở giáo dục trên địa bàn có học sinh dân tộc thiểu số để góp phần nâng cao nhận thức của phụ huynh, học sinh; đồng thời xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền.

 

Cùng với đó, trang thông tin điện tử của địa phương, ngành Giáo dục và các trường cũng cần thường xuyên đăng tải các bài viết chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp dạy, rèn luyện, hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số trong việc học tiếng Việt hiệu quả.

 

Sở GD-ĐT phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh chỉ đạo Phòng GD-ĐT các huyện tổ chức biên soạn tài liệu xóa mù tiếng Việt cho phụ huynh học sinh dân tộc thiểu số và tài liệu hướng dẫn sinh hoạt gia đình, cộng đồng sử dụng tiếng Việt trong các hoạt động thường ngày. Các trường tiểu học cũng cần thường xuyên liên hệ với những gia đình có học sinh dân tộc thiểu số, hướng dẫn sử dụng tài liệu trên và các phương pháp để gia đình giúp đỡ học sinh dân tộc thiểu số nói tiếng Việt.

 

Việc tăng cường học liệu, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi, xây dựng môi trường tiếng Việt là giải pháp rất quan trọng khi triển khai đề án. Ngoài các tài liệu tăng cường tiếng Việt của Bộ GD-ĐT, các phòng GD-ĐT cần chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học biên soạn học liệu cho học sinh như làm truyện tranh, tranh chủ đề; làm đồ dùng học tập như: thẻ từ, tranh ảnh... sao cho gần gũi với sinh hoạt đời thường, giúp các em dễ nhớ và tạo hứng thú trong học tập.

 

Sở GD-ĐT cũng cần phối hợp với Sở Tài chính cấp kinh phí bổ sung, thay thế thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi đã cũ, không còn đạt chất lượng trong giảng dạy và các hoạt động vui chơi đến các xã miền núi khó khăn, các điểm trường không có sự giao tiếp nhiều với người Kinh. Bên cạnh đó, các trường tiểu học cần xây dựng môi trường tiếng Việt trong lớp học thông qua xây dựng góc ngôn ngữ, thư viện trong lớp học, thành lập CLB học sinh nói, viết tiếng Việt; tổ chức các hoạt động vui chơi, giao tiếp thực hành tiếng Việt thường xuyên trong và ngoài giờ lên lớp.

 

Học sinh người dân tộc thiểu số biểu diễn văn nghệ Giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” - Ảnh: HÀ MY

 

Nâng cao năng lực cho giáo viên, tăng tiết dạy

 

Ngành Giáo dục cũng cần điều chỉnh kế hoạch dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 từ 350 tiết/năm lên 500 tiết/năm, giúp học sinh dân tộc thiểu số có đủ thời gian để đạt được chuẩn kiến thức, kỹ năng môn học. Các trường học tăng cường tiết dạy, đảm bảo cuối năm học, các em đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng môn Tiếng Việt, tự tin trong học tập và giao tiếp bằng tiếng Việt. Ngoài ra, Phòng GD-ĐT chỉ đạo các trường tiểu học mở lớp “Chuẩn bị tiếng Việt cho học sinh trước tuổi vào lớp 1” trong hè; dạy học 2 buổi/ngày, phụ đạo đối với học sinh chưa hoàn thành môn Tiếng Việt...

 

Muốn có trò giỏi thì phải có thầy hay, vì vậy việc nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục là rất cần thiết. Ngành Giáo dục cần sử dụng tài liệu của Bộ GD-ĐT và tổ chức đội ngũ nghiệp vụ địa phương biên tập các chuyên đề nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên giảng dạy học sinh dân tộc thiểu số; tuyển sinh học sinh là người dân tộc thiểu số vào học trường sư phạm theo chỉ tiêu của từng huyện có học sinh dân tộc thiểu số.

 

Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần xây dựng và thực hiện một số cơ chế đặc thù đối với đội ngũ giáo viên tham gia tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số. Mặt khác, để đề án được triển khai thuận lợi, công tác xã hội hóa giáo dục, tăng cường hợp tác quốc tế cũng cần được đẩy mạnh. Có như thế mới huy động được các nguồn lực đóng góp để đưa đề án về đích đúng thời hạn, góp phần cải thiện chất lượng giáo dục, tạo sự bình đẳng giữa các dân tộc, nâng cao chất lượng cuộc sống, đóng góp vào sự tiến bộ, phát triển của đất nước.

 

ThS TRẦN NGỌC HIỆP

(Sở GD-ĐT Phú Yên)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek