Thứ Sáu, 27/12/2024 13:24 CH
Khi nông dân học làm nông nghiệp tiên tiến
Thứ Hai, 16/10/2017 11:00 SA

Hội Nông dân thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa) tham quan mô hình nuôi thỏ tại TP Tuy Hòa - Ảnh: THÁI HÀ

Vừa qua, Hội Nông dân thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa) phối hợp với Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ (Sở KH-CN) tổ chức cho các thành viên của Hội được tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại một số mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu trong tỉnh. Chuyến đi thật sự hữu ích đối với những nhà nông “kiểu mới”, những người tích cực, chủ động trong việc tìm kiếm, thực hành những mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Chủ động tiếp cận mô hình sản xuất tiên tiến

 

Mới 7 giờ 30 sáng, nhưng hai chiếc xe chở khách 16 chỗ đưa 30 hội viên của Hội Nông dân thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa đã có mặt trước trụ sở Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ (trung tâm). Sau một thời gian ngắn thảo luận, anh Lê Văn Linh, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Củng Sơn và phía trung tâm thống nhất sẽ đi tham quan mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng tại trụ sở trung tâm, sau đó lần lượt là các mô hình nuôi thỏ tại TP Tuy Hòa; mô hình nuôi cá trê, cá lóc, chình trong bể xi măng và mô hình trồng cà gai leo tại huyện Tuy An.

 

Theo ông Trương Hùng Mỹ, Trưởng Phòng Kỹ thuật và Chuyển giao công nghệ của trung tâm, việc đưa người dân đi tham quan, học tập các mô hình sản xuất tiên tiến là nhiệm vụ thường xuyên của trung tâm để giúp người dân có thể tiếp cận, học tập và đổi mới tư duy cũng như thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp, hướng đến sản xuất hàng hóa có sức cạnh tranh. Tuy nhiên, chuyến tham quan, học tập này là do phía Hội Nông dân thị trấn Củng Sơn tự đề xuất, tự tổ chức và chỉ liên hệ với trung tâm để được hướng dẫn và tiếp cận với các mô hình. Sự chủ động này được trung tâm đánh giá rất cao.

 

Về phía Hội Nông dân thị trấn Củng Sơn, ông Lê Văn Linh cho rằng, trước nay, cuộc sống của người dân thị trấn Củng Sơn nói riêng, cả huyện Sơn Hòa nói chung phụ thuộc rất nhiều vào cây mía và chăn nuôi bò. Tuy nhiên, hiện tại chi phí đầu tư cho cây mía khá lớn, công lao động và phí bốc xếp đều tăng cao nên nếu chữ đường thấp, người dân sẽ bị lỗ. Việc nuôi bò cũng khó khăn không kém khi càng về sau, người nuôi bò càng khó có lãi khi giá thịt bò không ngừng giảm mạnh. Để đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, Hội Nông dân thị trấn đã tự bỏ kinh phí, lập đoàn tham quan với mong muốn tận mắt chứng kiến những mô hình hay, hiệu quả để về áp dụng tại địa phương. Kế hoạch chương trình tham quan được xây dựng kế hoạch từ tháng 7, tuy nhiên, Hội Nông dân thị trấn dành thời gian để các chi hội lấy ý kiến, xem xét, chỉ đưa vào danh sách những người có nhu cầu thực sự và đủ tiềm lực để triển khai các mô hình sản xuất.

 

Nông dân là những người trực tiếp lao động để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp phục vụ cho đời sống. Vì vậy, khi người dân chủ động trong việc tiếp cận với những mô hình sản xuất mới, có thể thấy đó không phải là hoạt động mang tính chất phong trào mà thực sự là nhu cầu thực tiễn, xuất phát từ sự chuyển biến lớn trong nhận thức của mỗi người với mong muốn tìm ra những giải pháp canh tác tiên tiến, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những nhà nông đi học làm nông nghiệp này đại diện cho thế hệ những nhà nông kiểu mới biết chủ động tiếp thu cái hay, cái tiến bộ để làm giàu cho bản thân và xã hội.

 

Lan tỏa những cách làm hay

 

Theo ông Trương Hùng Mỹ, những mô hình mà trung tâm giới thiệu với Hội Nông dân thị trấn Củng Sơn đã được người dân ở các địa phương triển khai thành công, cho hiệu quả kinh tế cao và có thể dễ dàng áp dụng rộng rãi. Đây được kỳ vọng sẽ là nguồn cảm hứng kích thích người nông dân mạnh dạn thử nghiệm những cách làm mới, đột phá để thay đổi cách làm nông nghiệp theo lối mòn từ trước đến nay.

 

Tại khu vực trồng cà gai leo (xã An Mỹ, huyện Tuy An) do trung tâm phối hợp với 6 hộ nông dân trồng theo quy trình VietGAP, những hội viên nông dân thị trấn Củng Sơn có dịp mãn nhãn khi thấy cây cà gai leo được trồng thành luống, giăng dây, đóng cọc để cây mọc lên có hàng có lối và dễ thu hoạch. Từng khóm cà gai leo xanh mướt mắt được ông Nguyễn Minh Dung, một nông dân tham gia mô hình chăm chút kỹ lưỡng. Những sản phẩm cà gai leo trồng tại đây sẽ được trung tâm giới thiệu đơn vị thu mua với giá dự kiến khoảng 250.000 đồng/kg khô. Tuy nhiên, hộ trồng cà gai leo phải tuân thủ theo một quy trình chăm sóc nghiêm ngặt, chỉ được bón phân, phun thuốc theo liều lượng và vào những thời điểm nhất định. Nếu người dân vi phạm những điều này, thì không những sản phẩm cà gai leo không được trung tâm thu mua mà phải đền bù cho trung tâm mọi chi phí đầu tư cũng như tiền vi phạm hợp đồng.

 

Cũng tại xã An Mỹ, các hội viên được anh Điện Ngọc Min, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Mỹ hướng dẫn tham quan mô hình nuôi cá trê, cá lóc và chình tại hộ ông Nguyễn Văn Tí. Trước đây, hộ này là hộ nghèo của xã An Mỹ, tuy nhiên thời gian qua, nhờ mạnh dạn đầu tư, nghiên cứu, tìm tòi và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, gia đình ông Tí đã thoát nghèo và hiện làm ăn khấm khá với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Hội cũng đi tham quan mô hình nuôi thỏ sinh sản trên đệm lót sinh học của gia đình chị Ung Thị Bích Dân ở thôn Phú Vang, xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa). Nhiều hội viên rất háo hức khi nhìn thấy chỉ hơn một năm gầy dựng, cơ sở nuôi thỏ của chị Dân đã cung cấp cho thị trường hơn 2.000 con thỏ giống, cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. Một số người cho biết sẽ liên hệ mua thỏ giống của chị Dân để về nuôi thử nghiệm.

 

Ông Nguyễn Văn Công ở khu phố Tịnh Sơn, thị trấn Củng Sơn là nông dân sản xuất giỏi của thị trấn, thu nhập cao nhưng ông Công luôn muốn tìm tòi những cách làm hay để áp dụng. Chuyến tham quan, học tập đã mang lại cho ông khá nhiều điều bổ ích. Chia sẻ về điều này, ông Công cho biết: “Đi rồi mới thấy ở nhiều nơi, người dân làm nông nghiệp rất thành công. Các mô hình tôi được tham quan đều rất tốt và có thể áp dụng được ở huyện Sơn Hòa, đặc biệt là mô hình nuôi cá trong bể xi măng. Còn mô hình nuôi thỏ cũng rất hay, thỏ sinh sản nhanh, phát triển tốt và đầu ra rất rộng. Tôi đã thấy một số mô hình có triển vọng và sẽ đi tham quan thêm vài mô hình nữa, cả trong và ngoài tỉnh để chọn được mô hình nào khả thi sẽ bắt tay vào thực hiện”.

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek