Để đảm bảo chuẩn đầu ra cũng như giải được bài toán việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thực hiện mô hình đào tạo “Nhà trường trong doanh nghiệp - doanh nghiệp trong nhà trường”.
Kết nối mạnh mẽ với doanh nghiệp trong đào tạo
Ở Việt Nam, thực tế đào tạo người lao động của nhiều trường trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp những năm qua thường rơi vào tình trạng: thiếu thiết bị thực hành, thí nghiệm; hoặc có thiết bị nhưng công nghệ lạc hậu, không cập nhật kịp thời theo sự phát triển của KH-CN, làm cho người học thiệt thòi nhiều trong quá trình học tập, đặc biệt là khâu thực hành, rèn luyện kỹ năng tay nghề theo khung năng lực Quốc gia. Để khắc phục nhược điểm này, chương trình đào tạo thường tổ chức một học phần thực tập tại doanh nghiệp ở học kỳ cuối từ 1-3 tháng. Thế nhưng, với thời gian thực tập ngắn như vậy, người học hầu như chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” chứ không thể tiếp cận được môi trường làm việc hay các hệ thống thiết bị, máy móc hiện đại của doanh nghiệp. Vậy nên, sau khi tuyển dụng, doanh nghiệp phải tiến hành “đào tạo lại” cho người lao động thêm một khoảng thời gian ít nhất từ 3-6 tháng. Và rõ ràng quy trình này nếu cứ tồn tại như vậy sẽ mất nhiều thời gian và kinh phí của người học cũng như của doanh nghiệp. Để khắc phục sự “vênh” này, đòi hỏi doanh nghiệp và nhà trường cần có sự gắn kết chặt chẽ trong quá trình đào tạo nghề nghiệp.
Tại Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa, từ năm 2013, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đã tập trung chỉ đạo công tác phối kết hợp với doanh nghiệp trong công tác đào tạo, hướng nghiệp, thực tập và việc làm cho học sinh, sinh viên. Đến nay, nhà trường đã kết nối được trên 150 doanh nghiệp trong nước, ký biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược toàn diện với gần 50 doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực quan trọng như: hợp tác trong việc xây dựng chương trình đào tạo nhằm đảm bảo sát với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp; hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường trong giảng dạy lý thuyết - mời các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật có kinh nghiệm về giảng dạy; hợp tác để đưa người học đến tham gia thực hành kỹ năng ngay tại doanh nghiệp; phối hợp tổchức hội thảo giao lưu các chuyên đề chuyên môn học thuật, nghiên cứu khoa học giữa các chuyên gia của doanh nghiệp với cán bộ giảng viên và học sinh, sinh viên; tổchức dạy các kỹ năng mềm, kỹ năng hội nhập với doanh nghiệp giúp người học nhanh chóng tiếp cận môi trường làm việc thực tế sau khi tốt nghiệp; phối hợp trong công tác giới thiệu việc làm và tuyển dụng; kết hợp chuyển giao công nghệ, tổ chức sát hạch, đánh giá lại năng lực, kỹ năng tay nghề, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, đào tạo theo nhu cầu cho doanh nghiệp.
Đào tạo song song giữa lý thuyết và thực hành
Hiện nhà trường phối hợp thực hiện chương trình đào tạo nghềtheo mô hình “Nhà trường trong doanh nghiệp, doanh nghiệp trong nhà trường” tại Công ty CP Cơ khí Vina Nha Trang và Công ty TNHH H&T. Theo đó, hai cơ sở này sẽ là nơi để người học rèn luyện các kiến thức, kỹ năng thực tế, còn nhà trường cung cấp kiến thức lý thuyết về cơ bản. Đây là một mô hình đào tạo phổ biến được thực hiện ở các nước châu Âu như Đức, Áo, Thụy Sĩ… Với mô hình này, người học sẽ học song song tại trường và kết hợp thực tập, thực hành tại cơ sở sản xuất, có cơ hội tiếp xúc với các chuyên gia, rèn luyện kỹ năng tay nghề trực tiếp trên các thiết bị máy móc, dây chuyền hiện đại, tham gia vào các dự án lớn trong và ngoài nước, làm quen với môi trường và quy trình sản xuất công nghiệp thông qua “học kỳ doanh nghiệp” với thời gian từ 3-5 tháng. Đây là khoảng thời gian đủ để giúp người học không chỉ tiếp cận được môi trường làm việc thực tế để học hỏi những quy trình sản xuất, kỹ năng nghề và những kỹ năng cần thiết khác mà còn nâng cao kiến thức, kinh nghiệm thực tế, sẵn sàng thích nghi với văn hóa doanh nghiệp cũng như có đủ năng lực, kỹ năng nghề nghiệp làm được việc ngay sau khi ra trường.
Ngoài ra, mô hình này còn giúp học sinh, sinh viên rút ngắn thời gian học tập, giảm tải gánh nặng tài chính cho gia đình, bởi lẽ mỗi đợt triển khai học tập tại doanh nghiệp, các em được doanh nghiệp bố trí chỗ ở, ăn trưa và đặc biệt là được trả thù lao khi làm việc theo kết quả đóng góp cho doanh nghiệp từ 3,5-5 triệu đồng/tháng. Người học hoàn thành khóa học sẽ được tốt nghiệp ngay và không phải đi thực tập cuối khóa như trước đây. Bên cạnh đó, doanh nghiệp xác nhận có kinh nghiệm làm việc (không phải qua thời gian thử việc) để tạo điều kiện cho người học dễ dàng khi đi xin việc.
Mô hình đào tạo “Nhà trường trong doanh nghiệp - doanh nghiệp trong nhà trường” không chỉ là chủ trương, chích sách của Đảng, Nhà nước, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho chính người học mà còn đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của doanh nghiệp và nhà trường trong việc khai thác thế mạnh của mỗi bên trong công tác đào tạo, tuyển dụng và sử dụng người lao động một cách hiệu quả. Sắp tới mô hình này sẽ được nhà trường nhân rộng đến nhiều doanh nghiệp khác là đối tác của trường.
TS TRẦN KIM QUYÊN
Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa