Trong năm 2017, Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ (Sở KH-CN) đã mở 20 lớp tập huấn phổ biến các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, thu hút hơn 1.000 lượt người dân tham gia.
Đây là nỗ lực của trung tâm nhằm giúp nhân dân trên địa bàn tỉnh có thể tiếp cận, nắm bắt các tiến bộ kỹ thuật mới; từ đó chủ động áp dụng vào thực tiễn sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Đẩy mạnh chuyển giao
Chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ. Với phương châm nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc những tiến bộ KHKT phù hợp; đồng thời cải tiến hoàn thiện quy trình công nghệ để nâng cao tính ứng dụng, tính hiệu quả của các quy trình đó, Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ đã và đang có nhiều nỗ lực trong việc làm chủ các quy trình công nghệ và đẩy mạnh hoạt động ứng dụng và chuyển giao KHKT vào sản xuất.
Theo ông Trương Hùng Mỹ, Trưởng Phòng Kỹ thuật và Chuyển giao công nghệ của trung tâm, để hoạt động chuyển giao công nghệ đi vào chiều sâu và phát huy tác dụng, mỗi năm, trung tâm đều có văn bản gửi về các địa phương để lấy ý kiến về việc triển khai các mô hình sản xuất. Sau đó, một mặt, trung tâm dựa vào nhu cầu của từng địa phương để xây dựng nội dung tập huấn phù hợp; mặt khác, trung tâm sẽ giới thiệu thêm những mô hình sản xuất có nhiều triển vọng để người dân lựa chọn và áp dụng.
Trong năm 2017, trung tâm đã phối hợp với các phòng kinh tế, kinh tế - hạ tầng, nông nghiệp, hội nông dân của 9 huyện, thị xã, thành phố khảo sát, nắm bắt nhu cầu của địa phương để xây dựng nội dung kế hoạch tập huấn phổ biến phù hợp; đồng thời phối hợp với UBND các xã, phường tổ chức thực hiện các lớp tập huấn về: kỹthuật thâm canh cây chuối, kỹ thuật nuôi trồng nấm ăn và nấm dược liệu, kỹ thuật trồng hoa lily, kỹ thuật trồng hoa cúc, kỹ thuật nhân giống và trồng keo lai.
Tùy từng địa phương mà trung tâm sẽ xây dựng và phổ biến những nội dung tập huấn phù hợp. Cụ thể, tại huyện Sơn Hòa, trung tâm đã phổ biến quy trình kỹ thuật (QTKT) trồng hoa lily, hoa cúc và cây chuối cấy mô; tại huyện Sông Hinh là QTKT trồng, nhân giống keo lai và trồng cây chuối cấy mô; tại huyện Đồng Xuân là QTKT nhân giống keo lai, trồng cây chuối cấy mô; tại huyện Tuy An có 3 lớp về QTKT trồng cây chuối cấy mô tại các xã An Thọ, An Mỹ, An Xuân; tại huyện Tây Hòa là QTKT trồng hoa lily và hoa cúc, trồng và nhân giống keo lai; tại huyện Đông Hòa là QTKT trồng cây chuối cấy mô, trồng nấm ăn và nấm dược liệu; tại huyện Phú Hòa là QTKT trồng nấm ăn và nấm dược liệu, trồng và nhân giống keo lai; tại TX Sông Cầu là QTKT trồng cây chuối cấy mô, trồng nấm ăn và nấm dược liệu; tại TP Tuy Hòa là QTKT trồng cây chuối cấy mô và trồng hoa lily, hoa cúc.
Tham quan mô hình nuôi thỏ tại TP Tuy Hòa - Ảnh: THÁI HÀ |
Theo ông Trương Hùng Mỹ, để chuyển giao thành công các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, trung tâm đã cử những cán bộ chuyển giao có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác, tinh thần trách nhiệm và có kiến thức bản địa.
Cụ thể, những cán bộ kỹ thuật là người am hiểu điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, đất đai, khí hậu của vùng sản xuất; am hiểu tập quán canh tác, sinh sống của người dân địa phương, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, trung tâm cũng chú trọng xây dựng mô hình để thông qua đó chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật cho người dân. Đặc biệt, trung tâm còn tổ chức các cuộc tham quan, hội thảo đầu bờ, để thông qua đó người dân sẽ tiếp cận, nắm vững, làm chủ và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất một cách chủ động và quy mô hơn để mô hình bền vững và có thể mở rộng thành sản xuất đại trà.
Nâng cao hiệu quả sản xuất
Thời gian qua, hoạt động ứng dụng và chuyển giao công nghệ đã được triển khai sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp và đạt được những kết quả đáng kể. Trong đó, một trong những thành tựu quan trọng nhất là giúp người dân nắm được những tiến bộ kỹ thuật và áp dụng thành công trong thực tiễn sản xuất để cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm đem lại giá trị cao, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Tại, thôn Phú Cần, xã An Thọ (huyện Tuy An) năm nay đã 75 tuổi nhưng vẫn đang trồng 1ha chuối mốc. Ông Tại cho biết, ông thường canh tác theo kiểu cũ là tách cây con từ những vườn chuối lưu niên để gây thành các vườn chuối mới, tuy nhiên, những năm gần đây, vườn chuối thường xuyên bị bệnh nên dù áp dụng rất nhiều cách thức, làm việc rất tận tụy nhưng năng suất vẫn không đạt. Vì vậy, khi có chương trình tập huấn kỹ thuật trồng chuối cho người dân, ông Tại rất mong chờ.
Ông Tại cho biết: “Đất Tuy An, đặt biệt là ở 3 thôn Phú Cần, Phú Mỹ, Lam Sơn rất phù hợp với cây chuối và hiện người dân trồng chuối với diện tích lớn. Vì vậy, việc phổ biến về kỹ thuật trồng cây chuối là rất đúng. Qua mỗi đợt tập huấn như vậy, chúng tôi có thêm rất nhiều kiến thức bổ ích để trước tiên là áp dụng vào vườn chuối đang trồng, sau nữa là chuyển đổi sang trồng chuối cấy mô để nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây chuối”.
Còn ông Nguyễn Văn Công, khu phố Tịnh Sơn, thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa) cũng rất quan tâm đến những mô hình sản xuất hay và tham gia nhiệt tình các lớp tập huấn do Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ tổ chức. Ông Công chia sẻ: “Cây trồng chủ lực của Sơn Hòa vẫn là cây mía. Người dân phải đầu tư rất nhiều công sức, bỏ ra nhiều chi phí, cây mía mới cho lợi nhuận; còn không, vẫn có người trồng mía bị lỗ vốn phải bán bò bù vào vì thuê công cán, xe cộ cao mà năng suất chỉ ở mức trung bình. Khi được giới thiệu các mô hình sản xuất phù hợp, chúng tôi sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn để đầu tư sản xuất, không bị động phụ thuộc vào cây mía”.
THÁI HÀ