Thứ Năm, 07/11/2024 19:42 CH
Tự chủ đại học: Cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa
Chủ Nhật, 24/09/2017 08:08 SA

Các đại biểu tham gia hội thảo - Ảnh: THÚY HẰNG

Việc thực hiện cơ chế tự chủ đại học theo hướng trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị giáo dục đại học đã được triển khai thí điểm tại các trường đại học ở Việt Nam và có những kết quả ban đầu. Tuy nhiên để phát huy cơ chế này cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa.

 

Liên hiệp Các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam và Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông vừa tổ chức hội thảo khoa học Tự chủ đại học với sự tham dự của các nhà nghiên cứu, chuyên gia giáo dục, các trường đại học trong và ngoài tỉnh.

 

Chưa có nhiều trường tự chủ

 

Mở đầu hội thảo, GS-TS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam cho biết, tự chủ đại học được cho là bước đột phá về cơ chế. Dù Chính phủ đã có các nghị định, nghị quyết khá tốt về vấn đề này, song đến nay vẫn chưa có nhiều trường mạnh dạn thực hiện quyền tự chủ.

 

Một trong những đặc trưng chính của tự chủ đại học là các trường có toàn quyền quyết định mọi vấn đề thuộc nhiệm vụ, từ công tác tổ chức bộ máy, nhân sự, quản lý, học thuật, cơ sở vật chất, tài chính, định hướng phát triển và các chính sách liên quan… nhằm tạo ra sản phẩm cuối cùng là cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao, đúng chuẩn đầu ra và bảo đảm tỉ lệ người tốt nghiệp có việc làm đã công bố. Tự chủ đại học cũng có nghĩa trường đại học phải và sẵn sàng tự chịu trách nhiệm trước pháp luật và xã hội về tất cả hoạt động và sản phẩm do mình tạo ra. Quy định là vậy, nhưng trong quá trình thực hiện tự chủ, các trường đã gặp phải nhiều thách thức, trở ngại khó vượt qua.

 

Nhiều ý kiến nêu lên một thực tế tới nay, khi nói tới tự chủ, các trường mới chỉ chủ yếu nói tới tài chính, nghĩa là các trường được tự xác định mức thu, không bị giới hạn trong quy định của Nhà nước và được tự xây dựng định mức chi. Còn việc tự chủ trong hoạt động chuyên môn và bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo hầu như vẫn dậm chân tại chỗ. Chẳng hạn về mặt thực thi các quy định của pháp luật, mặc dù từ năm 2005, Luật Giáo dục đã ghi nhận quyền tự chủ của trường đại học, nhưng trên thực tế, suốt từ đó tới nay, Bộ GD-ĐT vẫn xét duyệt chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức kỳ thi tuyển sinh “ba chung” cho các trường đại học, cao đẳng trong toàn quốc. Việc mở ngành hiện nay vẫn theo cơ chế xin - cho…

 

Các trường cũng thừa nhận quyền tự chủ của trường đại học đã được thừa nhận từ nhiều năm qua nhưng chưa tạo ra chuyển biến đáng kể, ngoài những vướng mắc về cơ chế, thì một phần quan trọng khác là do các trường chưa đủ năng lực và thiếu sự sẵn sàng. Đa phần nhìn nhận tự chủ ở góc độ tài chính nên công tác triển khai và áp dụng tự chủ vẫn còn dè dặt, hạn chế.

 

Vẫn đắn đo tự chủ

 

Để phát huy hơn nữa cơ chế tự chủ tại các đơn vị giáo dục đại học công lập, Chính phủ đã ban hành Nghị định 16/2015/NĐ-CP với những cải tiến mạnh mẽ theo nguyên tắc: Đơn vị nào tự chủ cao về nguồn tài chính thì được tự chủ cao về quản lý, sử dụng các kết quả tài chính, tự chủ cao về thực hiện nhiệm vụ, về tổ chức bộ máy, nhân sự và ngược lại. Thực tế, trường nào cũng muốn tăng quyền tự chủ, nhưng khi triển khai thì mới thấy khó.

 

Trường đại học Công nghiệp Hà Nội được Bộ Công thương giao tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 43 của Chính phủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế nhân sự và về tài chính (tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên). Với việc được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đã mở ra cơ hội cho nhà trường nâng cao tính chủ động, sáng tạo trong quản lý tài chính, sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, để phát huy được những tích cực do chính sách này mang lại, theo PGS-TS Trần Đức Quý, Hiệu trưởng nhà trường thì Nhà nước cần sớm ban hành nghị định và các văn bản hướng dẫn cụ thể về cơ chế tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập trên cơ sở cụ thể hóa Nghị định 16/2015/NĐ-CP; trao nhiều quyền tự chủ về mức thu cho các trường đại học công lập, đặc biệt là mức thu học phí, lệ phí; giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm tài chính cho các cơ sở giáo dục đại học công lập cần thực hiện đồng bộ với giao tự chủ, tự chịu trách nhiệm trên các lĩnh vực khác như tổ chức cán bộ, thực hiện nhiệm vụ đào tạo và khoa học công nghệ…

 

Còn ông Vũ Anh Linh Duy, Trường đại học Tài chính - Marketing, cho rằng Luật Giáo dục Việt Nam cho thấy tự chủ không được xem là quyền đương nhiên của cơ sở giáo dục đại học, mà phụ thuộc vào năng lực tự thân, đồng thời dựa trên kết quả xếp hạng và kiểm định mà cả hai việc này đều do Nhà nước kiểm soát. Mặt khác, dù việc kiểm định độc lập đã được đặt ra từ lâu, nhưng theo Luật Giáo dục đại học thì việc kiểm định chất lượng hoàn toàn do Bộ GD-ĐT kiểm soát, từ khâu ban hành chuẩn đối với cơ sở giáo dục và chương trình giáo dục... Nói cách khác, quyền tự chủ của các trường phụ thuộc hoàn toàn vào những quyết định của Nhà nước liên quan đến việc xác định xem cơ sở giáo dục xứng đáng được trao quyền tự chủ đến đâu. Theo ông Duy, quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm là hai mặt của một vấn đề không thể tách rời. Tăng cường quá quyền tự chủ mà không đặt yêu cầu về tự chịu trách nhiệm sẽ có nguy cơ dẫn đến chạy theo lợi ích trước mắt. Ngược lại, tăng cường sự chịu trách nhiệm mà hạn chế quyền tự chủ sẽ trói buộc các cơ sở đại học, không tạo ra động lực và cơ chế cho sự vận hành tự nhiên, hạn chế sự mềm dẻo, linh hoạt, khả năng đáp ứng yêu cầu đa dạng của xã hội.

 

Việc tăng cường giao quyền tự chủ cho các trường đại học để đổi mới và cải cách giáo dục theo xu hướng cạnh tranh là rất cần thiết. Mức độ tự chủ của các trường hiện nay được quy định dựa trên mục tiêu, nhiệm vụ, cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ của trường, tuy nhiên, những điều kiện này ở một số trường đại học vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu hiện tại. Do đó, để tránh sự nửa vời trong tự chủ đại học, các trường đề nghị Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật quy định và hướng dẫn chi tiết về tự chủ đại học ở Việt Nam.

 

PGS-TS NGUYỄN THỊ THU TRANG, PHÓ HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC PHÚ YÊN: Đổi mới đánh giá chất lượng giảng viên 

 

Một nội dung quan trọng trong tự chủ đại học là tự chủ về nguồn lực và tự chủ về học thuật tức là vấn đề chất lượng đội ngũ giảng dạy. Đối với các trường đại học Việt Nam, nhất là các trường có quy mô đào tạo nhỏ, chưa có chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ lớn với giảng viên có thể cải tiến việc đánh giá chất lượng giảng viên theo hướng công bố công khai các quy định và chính sách phát triển, sử dụng nhân lực theo hướng tự chủ đại học; nên có những điều kiện ưu tiên cho giảng viên có chuyên môn giỏi, có nhiều sáng tạo trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và được sinh viên đánh giá cao; tăng cường giao quyền cho lãnh đạo các đơn vị đi kèm với yêu cầu về tự chịu trách nhiệm trong các hoạt động, trong đó có chất lượng giảng viên và việc đánh giá, kiểm tra chất lượng giảng viên…

 

Các trường đại học hiện nay cũng như cả hệ thống giáo dục đang đối diện với nhiều áp lực lớn, trong đó có việc phải thực hiện triệt để hay áp dụng từng phần quy trình tự chủ đại học theo yêu cầu phát triển. Nếu người thầy không hội đủ các điều kiện, ít tiến bộ và ít có khả năng dẫn đường thì sẽ rất khó đạt được các yêu cầu mới, nhất là yêu cầu tự chủ và hội nhập như hiện nay.

 

PGS-TS ĐOÀN VĂN ĐIỆN, NGUYÊN HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÔNG LÂM TP HỒ CHÍ MINH: Phải tin tưởng và trao quyền cho các trường 

 

Để được trao quyền tự chủ, nhà trường cần có những điều kiện như đội ngũ giảng dạy, cơ sở vật chất, đội ngũ quản lý đủ điều kiện, đủ độ tin cậy. Khi Bộ GD-ĐT đã tin và trao quyền tự chủ thì phải trao quyền thực sự cho nhà trường từ xây dựng bộ máy tổ chức, công tác chuyên môn đến quản lý tài chính.

 

Cụ thể như, các trường xác lập quyền và trách nhiệm Hội đồng trường, Hiệu trưởng trong quan hệ giữa Đảng và chính quyền; trường tự chọn ra các nhà quản lý cũng như đề xuất và hình thành bộ máy hoạt động của mình; lựa chọn ngành đào tạo phù hợp với chức năng chuyên môn và thực tiễn; đặc biệt là quyền tuyển sinh, bao gồm các khâu tổ chức kỳ thi, chấm thi, xác định điểm chuẩn, chỉ tiêu, tổ chức đào tạo...; trao quyền cấp bằng cho từng trường vì đó là trách nhiệm giữ gìn thương hiệu và sự tồn tại phát triển của nhà trường. Một khi quyền hạn đi đôi với trách nhiệm trước xã hội, các trường sẽ không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

 

TS LÊ VĂN ÚT, TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÔN ĐỨC THẮNG: Tăng sự cạnh tranh giữa các trường

 

 

Trường đại học Tôn Đức Thắng thực hiện tự chủ tài chính từ lâu nên việc tự chủ về nhân sự, đầu tư, mua sắm cũng đã thực hiện từng phần trong suốt 20 năm qua. Sau khi có Quyết định 158/QĐ-TTg, ngày 29/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án Thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của trường giai đoạn 2015-2017, nhà trường có sự tự chủ hơn về chuyên môn, trong lựa chọn, ký kết, liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục đại học nằm trong top 500 của thế giới.

 

Nhờ thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động, đến nay, Trường đại học Tôn Đức Thắng có 15 ngành đào tạo tiến sĩ, 12 ngành thạc sĩ, 37 ngành đại học, 16 chương trình đào tạo chất lượng cao… Có một điều khác biệt của Trường đại học Tôn Đức Thắng với hầu hết các trường đại học ở Việt Nam, đó là hoạt động nghiên cứu khoa học của trường được đầu tư và phát triển bằng ngân sách tự có của trường (các trường khác chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước). Nhờ đó, trong vòng 7 năm (2010 đến nay) kết quả hoạt động KH-CN của trường đã vươn lên đứng thứ ba trong tất cả các tổ chức nghiên cứu KH-CN toàn quốc về số lượng công bố quốc tế trên ISI và đứng thứ nhì toàn quốc về công bố quốc tế trên Scopus.

 

Từ thực tiễn của trường, tôi cho rằng tự chủ đại học là một quyết sách lớn. Nếu thực hiện được điều này, các trường sẽ là một cơ thể sống hoàn chỉnh, tự do và tự chịu trách nhiệm về các quyết định của mình.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek