Ngày 11/9, tại huyện Sông Hinh, Sở NN-PTNT tổ chức hội thảo khoa học chuyên đề quản lý bệnh hại cây tiêu.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, đến nay, toàn tỉnh có 975ha tiêu; trong đó huyện Tây Hòa 600ha, Sông Hinh 200ha, Sơn Hòa 50ha và Tuy An 5ha. Năng suất hồ tiêu đạt 28 tạ/ha, cao hơn năng suất bình quân cả nước 5 tạ/ha, nhưng thấp hơn vùng tiêu ở Bình Phước 2 tạ/ha, Gia Lai 1 tạ/ha… Giống tiêu chủ yếu chọn tự phát trồng giống tiêu Vĩnh Linh (Quảng Trị), tiêu sẻ Bà Rịa… Điều kiện đất đai, khí hậu tại các vùng trồng tiêu của tỉnh phù hợp cho cây tiêu sinh trưởng, phát triển, năng suất có thể đạt 40-50 tạ/ha. Tuy nhiên, thời gian qua tỉnh chưa quy hoạch chi tiết vùng trồng tiêu, nên nông dân trồng tiêu phát triển theo hướng tự phát, dẫn đến khó quản lý sản phẩm, chất lượng và năng suất tiêu còn thấp. Trình độ thâm canh và áp dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế, do nông dân ít tiếp cận được khoa học kỹ thuật, thiếu vốn đầu tư thâm canh, chính sách hỗ trợ. Vì vậy, tình hình dịch hại ngày càng diễn biến phức tạp và phát sinh mạnh, gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển cây tiêu.
Tại hội thảo, đại biểu tham gia đóng góp nhiều ý kiến phát triển cây hồ tiêu bền vững. Sở NN-PTNT đưa ra giải pháp là tỉnh quy hoạch vùng trồng cây hồ tiêu đến năm 2020 diện tích đạt khoảng 1.000ha, sản lượng tiêu hạt 2.000 tấn, tập trung chủ yếu ở 2 huyện Tây Hòa và Sông Hinh. Tăng cường các biện pháp hỗ trợ như khảo nghiệm, chọn lọc giống mới năng suất cao và biện pháp phòng trừ dịch hại nguy hiểm như tuyến trùng rễ, bệnh chết nhanh, chết chậm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển diện tích cây hồ tiêu theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, kết hợp bón phân qua nguồn nước tưới, phòng trừ các đối tượng dịch hại nguy hiểm, nâng cao giá trị sản phẩm hồ tiêu, tiến tới xây dựng thương hiệu “Hồ tiêu Sơn Thành”.
LÊ TRÂM