Thứ Bảy, 11/01/2025 08:01 SA
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn:
Phát triển kháng thể đơn dòng là tiến bộ ngoạn mục trong điều trị loãng xương
Thứ Hai, 11/09/2017 08:40 SA

GS Nguyễn Văn Tuấn báo cáo khoa học tại Hội nghị khoa học thường niên lần thứ XI được Hội Loãng xương TP Hồ Chí Minh tổ chức tại Phú Yên vào tháng 8/2017 - Ảnh: YÊN LAN

Là một vấn đề y tế rộng lớn và phức tạp, loãng xương không chỉ liên quan tới tuổi, giới, di truyền, chủng tộc, dinh dưỡng, lối sống… mà còn liên quan tới nhiều bệnh lý khác. Gần đây, chuyên ngành loãng xương có một bước tiến vô cùng ấn tượng khi phát hiện ra sclerostin - “sản phẩm” của tế bào xương, dẫn đến phát triển một kháng thể mới đầy hứa hẹn trong việc điều trị loãng xương.

 

Báo Phú Yên đã phỏng vấn GS Nguyễn Văn Tuấn (Bộ môn nghiên cứu loãng xương, Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan, Australia) về phát hiện quan trọng này.

 

* Thưa giáo sư, việc phát hiện một protein mới dẫn đến sự ra đời của một kháng thể đơn dòng có ý nghĩa như thế nào trong việc điều trị bệnh loãng xương?

 

- Protein mà em vừa nói là sclerostin - “sản phẩm” của tế bào xương, tiếng Anh là osteocyte. Phát hiện về vai trò của tế bào xương cùng “sản phẩm” của tế bào xương là sclerostin đã dẫn đến một phát triển quan trọng trong phát triển kháng thể đơn dòng để điều trị loãng xương. Qua xét nghiệm rồi thử nghiệm lâm sàng, người ta thấy rằng những bệnh nhân loãng xương được điều trị bằng kháng thể đơn dòng thì giảm nguy cơ gãy xương lên đến 70%. Một con số rất lớn, thể hiện sự tiến bộ rất ngoạn mục trong điều trị loãng xương, bởi hầu hết các loại thuốc khác chỉ giảm nguy cơ gãy xương từ 30-50%. Chỉ có loại thuốc này giúp giảm nguy cơ gãy xương rất ấn tượng, nên chúng tôi coi đây là một phát hiện quan trọng trong chuyên ngành loãng xương.

 

* Việc điều trị loãng xương ở nước ngoài, cụ thể là Australia, khác như thế nào so với việc điều trị ở Việt Nam, thưa giáo sư?

 

- Úc có thu nhập bình quân cao nên việc điều trị loãng xương rộng rãi hơn. Những bệnh nhân nào có mật độ xương dưới 2.5 thì các hãng bảo hiểm đồng ý cho họ điều trị, còn ở Việt Nam, vì còn nghèo nên tiêu chuẩn điều trị có vẻ gắt gao hơn. Về chi phí, theo tôi biết các loại thuốc trong nước rẻ hơn ở nước ngoài; chi phí điều trị loãng xương ở trong nước bằng các loại thuốc phổ biến hiện nay bằng 1/3 chi phí điều trị ở nước ngoài. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, vì thu nhập của người ta cao hơn. Có một nghiên cứu sinh ở Hà Nội đã làm nghiên cứu, cho thấy hễ chi phí điều trị dưới 1/3 thu nhập bình quân thì được coi là có hiệu quả kinh tế. Những loại thuốc điều trị loãng xương phổ biến ở Việt Nam thì có hiệu quả kinh tế, riêng loại thuốc mới ra đời chưa có mặt ở Việt Nam. Tôi nghĩ khoảng 1-2 năm nữa thôi, loại thuốc này cũng sẽ tới Việt Nam, tuy nhiên chi phí điều trị hơi đắt, khoảng 600USD một năm. Đó, khác biệt thứ hai là một số thuốc ở nước ngoài có nhưng trong nước chưa có. Khác biệt thứ ba, quan trọng nhất, là rất nhiều bệnh nhân bị gãy xương không được điều trị loãng xương. Ở nước ngoài, khoảng 20% bệnh nhân được điều trị. Lẽ ra phải là 100%. Khi đã bị loãng xương và gãy xương thì phải được điều trị về loãng xương, nếu không thì sẽ tiếp tục gãy xương và có thể chết. Vì vậy, cần phải làm sao để mọi người hiểu rằng khi bệnh nhân bị gãy xương do loãng xương thì cần phải được điều trị, nếu không bệnh nhân sẽ trở thành gánh nặng không chỉ đối với gia đình mà còn đối với xã hội. Hiện nay chúng ta chỉ điều trị gãy xương - một hệ quả của loãng xương. Thực tế không đơn giản như vậy.

 

* Theo giáo sư khi nào thì nên đo mật độ xương, đặc biệt là đối với những người có các yếu tố nguy cơ?

 

- Theo tôi, thứ nhất cần phải đo mật độ xương là những người từng bị gãy xương. Khi một người bị gãy xương năm 20, 30 tuổi tức là mật độ xương của họ có thể thấp, họ có nguy cơ gãy xương lần nữa, thành ra phải đo mật độ xương để biết. Thứ hai, nếu trong gia đình có mẹ, cha, anh chị em bị gãy xương thì mình cũng nên đo mật độ xương vì loãng xương có yếu tố di truyền. Thứ ba, những người dùng các loại thuốc gây mất xương, như nhóm thuốc corticosteroid thì phải đi đo, theo dõi mật độ xương để điều trị. Những người trên 60 tuổi, bị gù, trọng lượng cơ thể thấp cũng cần phải đo mật độ xương. Tôi nghĩ cần phải cung cấp thông tin và hướng dẫn để người dân biết về việc này.

 

* Có sự khác nhau giữa việc gãy xương do bị tác động bởi một lực rất mạnh, như khi bị tai nạn giao thông, tai nạn lao động… với việc gãy xương do té ngã đơn giản. Giáo sư có thể nói rõ thêm về biến cố gãy xương do loãng xương?

 

- Gãy xương do tai nạn lao động, bị xe đụng… có thể không phải do loãng xương. Nhưng những trường hợp đi bị trượt chân té và gãy xương, đặc biệt là người già, thì khác. Chuyện này rất phổ biến, đó là những trường hợp bị gãy xương có thể do loãng xương.

 

* Việc điều trị loãng xương liên quan như thế nào đến một số bệnh lý khác, như xơ vữa động mạch, thưa giáo sư?

 

- Gần đây, một vài nghiên cứu cho thấy ở những bệnh nhân bị gãy xương, nếu điều trị loãng xương thì sẽ kéo dài tuổi thọ của họ. Nghe qua thì rất tốt, các công ty thuốc rất hài lòng vì sẽ bán được nhiều thuốc hơn nữa (cười) nhưng đó là thực tế. Một số dữ liệu cho thấy những loại thuốc điều trị loãng xương có vẻ có ích đối với các bệnh tim mạch, ví dụ như giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim. Đó là một trong những lý do tại sao nó giảm nguy cơ tử vong ở những bệnh nhân bị gãy xương do loãng xương, có lẽ là do nó ảnh hưởng tích cực đến tim mạch.

 

* Xin cảm ơn giáo sư!

 

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek