Bộ trưởng GD-ĐT vừa ban hành Thông tư 22/2017 quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo và đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học.
Theo thông tư, các cơ sở đào tạo được mở ngành đào tạo trình độ đại học khi bảo đảm các điều kiện: ngành đăng ký đào tạo phải phù hợp với nhu cầu của xã hội và người học; phù hợp với yêu cầu nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng, miền và cả nước; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ sở đào tạo. Việc mở ngành đào tạo đã được xác định trong phương hướng, kế hoạch phát triển của cơ sở đào tạo…
Về đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu cơ hữu phải bảo đảm về số lượng, chất lượng, trình độ và cơ cấu để tổ chức đào tạo trình độ đại học ngành đăng ký đào tạo, không trùng với giảng viên cơ hữu là điều kiện đào tạo trình độ đại học của các ngành khác đang đào tạo, trong đó có ít nhất 1 tiến sĩ cùng ngành chịu trách nhiệm chủ trì, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo và cam kết đảm bảo chất lượng đào tạo trước cơ sở đào tạo và xã hội. Đối với các trường đại học ngoài công lập phải có tối thiểu 40% giảng viên cơ hữu trong độ tuổi lao động.
Riêng đối với các ngành đào tạo liên quan đến sức khỏe (y dược), thông tư nêu rõ giảng viên và người hướng dẫn thực hành các môn học, học phần liên quan đến khám, chữa bệnh phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, đã hoặc đang làm việc trực tiếp tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện là cơ sở thực hành trong đào tạo nhóm ngành sức khỏe theo quy định.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 23/10/2017, thay thế các quy định về mở ngành đào tạo trình độ đại học tại Thông tư 08/2011 của Bộ trưởng GD-ĐT.
Theo SGGP