Những bức thư ghi lại suy nghĩ và quan điểm của nhà vật lý thiên tài Albert Einstein về công việc, vật lý và Israel vào những năm 1950 sẽ được mang ra bán đấu giá tại Jerusalem vào ngày 20/6 tới.
Trang chủ của nhà đấu giá Winners cho biết 5 bức thư được đấu giá lần này đều được viết bằng tiếng Anh trong giai đoạn giữa các năm 1951-1954. Nhà đấu giá nước tính giá trị tổng cộng của các bức thư vào khoảng 31.000-46.000 USD.
Trong bức thư viết năm 1951 gửi cho nhà vật lý nổi tiếng người Mỹ David Bohm, Einstein đề cập tới mối quan hệ giữa thuyết lượng tử và "lý thuyết trường tương đối". Thiên tài vật lý đã thừa nhận rằng ông "không thể đoán nổi làm thế nào một sự hợp nhất như vậy có thể xảy ra".
Bên trong bức thư còn có một phương trình viết tay và chữ ký của Einstein. Một bức thư đề năm 1954 bày tỏ sự đồng cảm của tác giả với người bạn của mình trước những khó khăn trong công việc. "Nếu Chúa trời tạo ra thế giới này thì mối quan tâm hàng đầu của ông ấy chắc chắn phải là khiến chúng ta không thể dễ dàng hiểu được nó. Đây là điều mà tôi cảm nhận sâu sắc trong suốt 50 năm qua".
Một bức thư khác cũng từ năm 1954 đề cập đến việc ông Bohm chuyển tới Israel, quốc gia lúc ấy mới được thành lập vào năm 1948. Einstein, người trước đó đã từ chối đề nghị trở thành tổng thống của quốc gia non trẻ này, cho rằng quyết định của bạn ông là quá vội vàng. Ông viết rằng Israel có môi trường trí thức sôi động và thú vị nhưng "tiềm năng ở đây hạn hẹp và đến đó với tâm lý sẵn sàng rời đi bất cứ lúc nào sẽ là đáng tiếc".
David Bohm sau đó vẫn chuyển tới Israel để đảm nhiệm vị trí giáo sư tại Học viện kỹ thuật Technion danh giá của nước này vào năm 1955. Tuy nhiên, ông đã rời đi và chuyển tới Anh 2 năm sau đó. David Bohm là một nhà vật lý người Mỹ gốc Do Thái. Ông từng làm việc với Einstein tại Đại học Princeton (Mỹ) trước khi chuyển tới Brazil.
Nhà đấu giá Winners cho biết những bức thư này được tìm thấy tại nhà người vợ quá cố của ông. Einstein có một mối quan hệ đặc biệt với Israel, từng có thời gian làm việc tại Đại học Hebrew tại Jerusalem. Sau khi qua đời vào năm 1955, ông đã để lại kho tư liệu của mình ở đây. Cho đến nay, Đại học Hebrew vẫn là nơi lưu trữ bộ sưu tập đồ sộ nhất những tài liệu của nhà vật lý thiên tài này.
Theo Vietnam+