Nghỉ hè, tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, trẻ em sẽ có trải nghiệm mùa hè theo những cách khác nhau... Tuy nhiên phần lớn hiện nay, hè chính là học kỳ thứ 3 bên cạnh 2 học kỳ chính thức của năm học. Có nhiều lý do khiến cha mẹ luôn muốn cho con mình tận dụng 3 tháng hè để học thêm đủ thứ như học hè mới giỏi, học hè để con không lêu lổng, học hè vì cha mẹ bận rộn… Dù người nói tốt, kẻ lại bảo không, nhưng mỗi khi hè đến, các lớp học hè luôn trong tình trạng quá tải.
“Con được nghỉ hè nhưng cha mẹ có được nghỉ làm đâu, nên tôi phải gửi con trai 8 tuổi vào lớp bán trú ở một trung tâm rèn luyện kỹ năng sống”, một phụ huynh ở phường 3 (TP Tuy Hòa), chia sẻ. Còn chị Nguyễn Thị Hoa ở xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa) có con gái chuẩn bị vào lớp 6, cho hay: “Lớp 6 là lớp đầu cấp của bậc THCS nên tôi lo con gái sẽ bỡ ngỡ với môi trường học mới. Để con tiếp cận trước với kiến thức mới, tránh tình trạng vào năm học bỡ ngỡ nên tranh thủ 3 tháng hè, tôi cho con đi học thêm các môn văn hóa như Toán, Vật lý, Tiếng Anh”. Cũng có nhiều cha mẹ lại nghĩ con mình học không tốt, nên hè là thời gian lý tưởng để con bù lấp những lỗ hổng kiến thức trong năm.
Thực tế trên cho thấy học thêm, học hè là một nhu cầu. Tuy nhiên, nó đang bị nhiều phụ huynh lạm dụng. Vì luôn đặt kỳ vọng, ước muốn con cái học giỏi, thi đậu vào các trường có thương hiệu nên cha mẹ đã ép con học thêm quá nhiều. Vì thế, thay vì được nghỉ ngơi, xả hơi sau 9 tháng chạy đua học hành, thi cử căng thẳng, nhiều học sinh lại bị tước đoạt mùa hè. Có cầu ắt có cung và biến tướng trong dạy thêm học thêm sẽ khó kiểm soát, quản lý, dù ngành Giáo dục đã có chủ trương siết chặt tình trạng dạy thêm học thêm.
Có nên cho con học hè hay không? Là một người mẹ tôi nghĩ câu trả lời là có, tuy nhiên phải có chương trình và kế hoạch phù hợp. Thời gian học hè của con trẻ chỉ nên bắt đầu khi con đã thực sự có những ngày nghỉ vui vẻ thoải mái. Cần cân nhắc giữa việc cho con cái học thêm quá nhiều và thiếu cân bằng với vui chơi, giải trí lành mạnh. Theo cảnh báo của các chuyên gia giáo dục, học thêm quá nhiều, chạy đua theo thành tích học tập đang biến việc học trở thành khổ sai, triệt tiêu khả năng tự học và sáng tạo của học sinh các cấp. Trên thực tế, việc nhồi nhét cho trẻ quá nhiều có thể giúp trẻ có kiến thức nhất định đối với một số môn học, có thể giỏi tin học hay ngoại ngữ (so với mặt bằng chung) nhưng cũng để lại nhiều hệ quả ảnh hưởng đến phát triển toàn diện nhân cách của trẻ.
Một trẻ được đi học thêm mà tiến bộ ở một môn nào đó, các phụ huynh khác cũng nhấp nhổm cho con đi học thêm tương tự, nếu không muốn con mình bị thua sút. Vậy nên dù muốn con em có một mùa hè bổ ích và ý nghĩa nhưng các bậc phụ huynh khó thoát khỏi “cuộc đua” tìm chỗ cho con học thêm trong hè.
Trước áp lực học hè và cũng để giúp các em học sinh có mùa hè bổ ích, Sở GD-ĐT Phú Yên yêu cầu các trường học trên địa bàn tỉnh tăng cường tổ chức các hoạt động tập thể nhằm giáo dục tình yêu quê hương, đất nước và con người, nâng cao năng lực sinh hoạt cộng đồng; hưởng ứng các phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn; tổ chức bồi dưỡng, ôn tập văn hóa hè (chú trọng học sinh yếu, kém, trung bình); khuyến khích học sinh tham gia các hoạt động tiếp sức mùa thi, mùa hè xanh, học kỳ quân đội và các hoạt động tình nguyện khác…
MẠNH THÚY