Năm 2017, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT “thả cửa” trong việc đăng ký xét tuyển nguyện vọng nên cơ hội trúng tuyển vào đại học của thí sinh rất cao. Tuy nhiên, cái khó là trước quá nhiều lựa chọn, thí sinh phải chọn sao cho được ngành nghề vừa sức. Các trường đại học, cao đẳng đóng trên địa bàn tỉnh sẽ là một trong nhiều sự lựa chọn mà thí sinh đặc biệt quan tâm.
Tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh
Có rất nhiều lý do khiến công tác tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm nay nói chung và các trường ĐH, CĐ đóng trên địa bàn Phú Yên phải có sự thay đổi trong công tác tuyển sinh để phù hợp với quy định của Bộ GD-ĐT.
ThS Nguyễn Vân Trạm, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Xây dựng Miền Trung, cho biết: Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trường có 1.035 lượt nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường bằng kết quả Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh ĐH của trường năm nay là 710 sinh viên. Nhà trường sử dụng hai hình thức xét tuyển vào ĐH, đó là xét tuyển từ kết quả thi THPT hoặc xét tuyển từ kết quả học tập THPT. Để tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh xét tuyển vào ngành Kiến trúc, ngoài hai tổ hợp Toán - Vật lý - Vẽ (khối V), Toán - Văn - Vẽ (Khối V1), năm nay, Trường ĐH Xây dựng Miền Trung xét tuyển thêm hai tổ hợp mới là Toán - Tiếng Anh - Vẽ (khối V2), Toán - Hóa học - Vẽ (khối V3).
Năm nay, Trường ĐH Phú Yên có 1.273 lượt thí sinh đăng ký xét tuyển theo điểm thi THPT quốc gia. Trong đó, ngành Giáo dục mầm non có lượt thí sinh đăng ký xét tuyển nhiều nhất với 562 lượt, tiếp đến là các ngành Giáo dục tiểu học 497 lượt, Sư phạm Tiếng Anh 84 lượt, Sư phạm Toán học 56, Sư phạm Ngữ văn 56 lượt, Sư phạm Tin học 22 lượt. Riêng Sư phạm Sinh học chỉ có 7 lượt đăng ký xét tuyển. So với chỉ tiêu tuyển sinh thì chỉ có hai ngành Giáo dục tiểu học, Giáo dục mầm non có tỉ lệ “chọi” cao. TS Trần Lăng, Trưởng Phòng Đào tạo của trường này, cho hay: Các ngành đào tạo giáo viên trình độ ĐH, xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia, thí sinh phải đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD-ĐT quy định. Các ngành ngoài sư phạm xét tuyển thí sinh có điểm trung bình các môn học cả năm lớp 12 (không kể các điểm được cộng thêm) đạt từ 6 điểm trở lên. Điểm mới của tuyển sinh các ngành sư phạm năm nay là mở rộng phạm vi tuyển sinh trong cả nước, chứ không chỉ có thí sinh trên địa bàn tỉnh như mùa tuyển sinh năm 2016.
Theo thầy Lăng, thí sinh dự thi các chuyên ngành có phần thi năng khiếu như năng khiếu ngành Giáo dục mầm non gồm đọc diễn cảm và hát; năng khiếu ngành Sư phạm Mỹ thuật gồm trang trí và hình họa; năng khiếu ngành Giáo dục thể chất gồm kiểm tra thể lực và hình thái thì nộp hồ sơ đăng ký dự thi đến ngày 30/6. Nhà trường tổ chức thi năng khiếu vào ngày 8 và 9/7.
Năm nay, quy chế thi mới, cách thức thi và xét tuyển đều thay đổi. Sự thay đổi này khiến nhiều trường tốp giữa và tốp dưới sẽ gặp khó trong việc tuyển đủ chỉ tiêu nếu như các trường không đổi mới phương án tuyển sinh cũng như đẩy mạnh việc tư vấn, giới thiệu trường đến từng học sinh. ThS Nguyễn Vân Trạm chia sẻ: Việc phải áp dụng nhiều phương án để tuyển được thí sinh phù hợp và để thí sinh được tăng cơ hội trúng tuyển là yêu cầu tất yếu. Tuy nhiên, vì chất lượng tuyển sinh đầu vào có ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nên dù có đa dạng hóa phương thức tuyển sinh thế nào đi chăng nữa thì nhà trường vẫn phải đảm bảo chất lượng đầu ra ngày càng tốt hơn chứ không phải để tuyển được càng nhiều thí sinh càng tốt.
PGS-TS Vũ Ngọc Anh, Hiệu trưởng Trường đại học Xây dựng Miền Trung, tư vấn giúp thí sinh chọn trường, chọn ngành phù hợp tại một chương trình tư vấn mùa thi năm 2017 - Ảnh: THÚY HẰNG |
Đừng bỏ qua cơ hội học đại học tại “sân nhà”
Một khi các đơn vị đào tạo mở rộng phương thức, đối tượng và các tổ hợp môn thi để xét tuyển, thí sinh cũng sẽ có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn. Tuy nhiên, cái khó là trước quá nhiều lựa chọn, các em phải chọn sao cho được ngành nghề vừa sức, phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình. Thực tế tuyển sinh những năm trước cho thấy, sau khi kết thúc xét tuyển nguyện vọng 1, nhiều thí sinh trên điểm sàn của Bộ GD-ĐT nhưng không tham gia xét tuyển tiếp. Điều này đã khiến nhiều trường ĐH ở địa phương lâm vào tình trạng cạn kiệt nguồn tuyển. Vậy nên, để thu hút được thí sinh, các trường ĐH địa phương tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, tạo sự tin tưởng đối với người học và đảm bảo chất lượng đầu ra đáp ứng được nhu cầu xã hội.
Hiện các trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh đang có sự phân ngành mạnh mẽ trong đào tạo và đầu tư tương xứng với yêu cầu của từng ngành để tạo nên chất lượng. Mặt khác, các trường cũng đang hướng mạnh đến việc nâng cao tỉ lệ có việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp bằng cách liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tìm kiếm việc làm cho sinh viên. Do vậy, thí sinh không nên bỏ qua cơ hội học ĐH tại “sân nhà”.
Tìm kiếm một chỗ học ĐH bây giờ không khó nhưng thí sinh cần phải hết sức thận trọng, bởi theo xu hướng, vào ĐH sẽ không khó, nhưng đầu ra thì không dễ. Do vậy, thí sinh cần cân nhắc khi chọn trường, chọn ngành để theo học.
THÚY HẰNG