Thứ Bảy, 16/11/2024 21:02 CH
Cuộc thi Bàn tay vàng học sinh, sinh viên công nghiệp:
Hướng người học sáng tạo các sản phẩm hữu ích
Chủ Nhật, 07/05/2017 13:00 CH

Với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực vững kiến thức, giỏi tay nghề, đáp ứng nhu cầu xã hội, Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa vừa tổ chức cuộc thi Bàn tay vàng học sinh, sinh viên công nghiệp. Mỗi thí sinh tham gia cuộc thi đều cảm thấy hứng thú vì được rèn luyện tay nghề nhiều hơn, thỏa đam mê, cọ xát với thực tế.

 

Nguyễn Hoàng Viên thuyết trình ứng dụng của máy in 3D do mình tạo ra - Ảnh: THÚY HẰNG

 

Sản phẩm “made in” học sinh, sinh viên

 

“Máy in 3D được xây dựng như một robot công nghiệp hoàn chỉnh, dựa trên lý thuyết về robot deta. Hệ thống điều khiển sử dụng mạch arduino và các module kèm theo. Để xây dựng được một máy in 3D hoàn chỉnh cần có kiến thức chuyên môn về lập trình vi điều khiển, robot công nghiệp, hệ thống cơ điện tử… Ngoài ra, việc tạo ra một sản phẩm 3D cũng cần có kiến thức một số môn về thiết kế mô hình 3D như AutoCAD, SolidWorks… Khi đã có một máy in 3D hoàn chỉnh, nó có thể ứng dụng để giảng dạy nhiều ngành hoặc chuyên ngành khác nhau. Đối với cơ khí, có thể áp dụng vào dạy môn robot công nghiệp hoặc dùng để chế tạo phôi mẫu trong việc giảng dạy các môn thiết kế 3D; còn đối với ngành điện có thể dạy về lập trình vi điều khiển, hệ thống cơ điện tử…”, sinh viên Nguyễn Hoàng Viên, Khoa Điện - Điện tử trình bày phần thuyết trình về sản phẩm Máy in 3D do mình thiết kế trong sự chăm chú theo dõi của Ban giám khảo và sinh viên trong trường.

 

Sản phẩm này đạt giải nhất của cuộc thi, vì tính ứng dụng của nó rất thiết thực trong dạy và học. Nhà trường đã đưa sản phẩm này vào ứng dụng trong dạy và học của sinh viên.

 

Cũng như Viên, sản phẩm Thiết kế và chế tạo máy cắt ống bằng plasma (đạt giải nhì) của nhóm sinh viên ngành Cơ khí gồm Nguyễn Tấn Khả, Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Thanh Trà và sản phẩm Trồng nấm rơm trên bã nghệ (đạt giải ba) của sinh viên ngành Công nghệ sinh học Trương Hiệp cũng được nhà trường đánh giá cao. Trương Hiệp cho biết: Em học chuyên ngành quản lý môi trường nhưng với niềm đam mê ham học hỏi, đặc biệt là thích làm kinh tế, đầu tháng 4/2016, với sự hướng dẫn của giáo viên, em đã xây dựng thành công mô hình nuôi trồng nấm ăn và nấm dược liệu. Bên cạnh đó, em cũng đã trồng thêm nấm rơm trên các loại nguyên liệu như rơm, mùn cưa, bã phôi. Và hiện nay, em tiếp tục trồng nấm rơm trên bã nghệ. Mô hình này em đang thực hiện thí điểm tại nhà cùng mô hình nấm bào ngư xám. Theo Hiệp, việc trồng nấm rơm trên bã nghệ không tốn nhiều chi phí vì nguyên liệu trồng nấm chủ yếu tận dụng từ những bã nghệ được thải sau khi sản xuất tinh bột nghệ. Qua thử nghiệm cho thấy, nấm rơm sinh trưởng và phát triển trên bã nghệ rất tốt, không thua kém so với những nguyên liệu khác mà em đã sử dụng làm môi trường cho nấm.

 

Gắn học lý thuyết với thực hành

 

Ngày nay, khi các hình thức đào tạo tại bậc đại học, cao đẳng đang được xây dựng theo chiều hướng ngày càng cải tiến, sinh viên có thể tiếp cận kiến thức lý luận và kiến thức thực tiễn thông qua nhiều cách thức phong phú, đa dạng. Trong số đó, thực hiện nghiên cứu khoa học được đánh giá là phương pháp hiệu quả để sinh viên mở rộng vốn kiến thức cũng như vốn kỹ năng mềm của bản thân; là cơ hội để sinh viên áp dụng những kiến thức lý thuyết đã học vào việc giải quyết những vấn đề thực tiễn.

 

TS Trần Đắc Lạc, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa, chia sẻ: Khi tiến hành nghiên cứu khoa học, sinh viên sẽ có điều kiện tiếp cận các vấn đề ở quy mô nhỏ, cùng với sự hướng dẫn của giảng viên, sinh viên không chỉ bắt đầu định hình được cách thức, quy trình thực hiện các sản phẩm gắn với chuyên ngành mà còn góp phần phát huy tính năng động, sáng tạo; khả năng tư duy độc lập, tự học hỏi của sinh viên. Đối với mỗi sinh viên, những kỹ năng này không chỉ quan trọng trong quãng thời gian học tập tại giảng đường mà còn theo sát các em trong suốt quãng thời gian làm việc sau này. Cuộc thi Bàn tay vàng học sinh, sinh viên công nghiệp là cơ hội để các em trau dồi và phát huy những kỹ năng cần thiết này.

 

Sinh viên được làm, được hoạt động, được trải nghiệm để khắc sâu kiến thức lý thuyết; hình thành kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp…, nên cuộc thi đã thu hút rất đông sinh viên tham gia. Sinh viên Nguyễn Thanh Trà nói: Học mà không hành thì làm việc gì cũng khó. Vậy nên, cuộc thi này giúp chúng em rèn luyện kỹ năng tư duy kỹ thuật nhằm giải quyết vấn đề có tính chất kỹ thuật; xử lý các tình huống nghề nghiệp trong thực tế và có động cơ tích cực học tập.

 

13 sản phẩm lọt vào vòng chung kết đều có giá trị thực tiễn cao, điều này phần nào khẳng định được tài năng của sinh viên và thể hiện được sự định hướng đúng đắn trong việc dạy và học của nhà trường. Đó là học lý thuyết đi đôi với thực hành, hướng các bài học của sinh viên ngày càng gắn liền với thực tiễn và có tính ứng dụng cao ngoài xã hội.

 

TS Trần Đắc Lạc, Hiệu trưởng Trường cao đẳng

Công nghiệp Tuy Hòa

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek