Trong đời sống cộng đồng của người Việt, có một chuyện tưởng nhỏ nhưng lại đem lại hậu quả lớn, không lường trước được, đó tính táy máy, ăn cắp vặt. Vấn đề đặt ra là phải giáo dục ngay từ những năm đầu đời, phải bắt đầu từ gia đình. Song, để ứng phó với thói xấu này của trẻ, khá nhiều bậc phụ huynh đã gặp phải những bế tắc…
Phải thực sự hiểu trẻ
Theo các chuyên gia tâm lý, có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến việc trẻ có hành vi ăn cắp. Song, các bậc cha mẹ cần hiểu rằng, ở mỗi lứa tuổi, với sự khác nhau của đặc điểm tâm - sinh lý, nguyên nhân dẫn tới hành vi trên là hoàn toàn khác nhau.
Hành vi lấy đồ của bạn ở tuổi mầm non mang đặc tính riêng và hành vi đó không gọi là ăn cắp. Hành vi có thể nảy sinh do mong muốn mãnh liệt muốn sở hữu một đồ vật (chủ yếu là đồ chơi). Trẻ ở lứa tuổi đầu bậc tiểu học, mục đích thúc đẩy trẻ đi đến hành vi ăn cắp còn mạnh hơn cả nỗi sợ hãi bị trừng phạt…
Trong trường hợp này, phụ huynh cần trao đổi và chỉ rõ cho trẻ thấy mặt xấu của việc trộm cắp cũng như về khái niệm sở hữu. Nguyên nhân ở đây là do trẻ chưa có kỹ năng giao tiếp và khả năng tự đánh giá mình quá thấp. Cha mẹ cần nói cho trẻ về tình bạn và làm cách nào để có những người bạn tốt.
Trẻ bước sang đầu tuổi teen, hành vi ăn cắp đi đôi với sự phát triển chưa đầy đủ về mặt tâm - sinh lý. Ở lứa tuổi này, các em nặng về đòi hỏi “muốn sao được vậy” và khó có thể nói không với bản thân. Vì vậy, ở lứa tuổi này các em đã biết ăn cắp là hành vi xấu, nhưng trẻ không đủ sức cưỡng lại sự cám dỗ và sự mong muốn sở hữu tài sản của người khác. Tuy nhiên, độ tuổi này nếu hành vi ăn cắp xảy ra thường xuyên sẽ dễ chuyển hoá thành nét tính cách xấu và dễ lặp lại khi có điều kiện. Vì thế, người lớn cần kiên quyết khéo léo, uốn nắn, điều chỉnh để các em nhận ra lỗi của mình và không bao giờ được phép tái phạm.
Không ít gia đình, cha mẹ không thống nhất trong cách dạy con. Cha mẹ thiếu gương mẫu, nói không đi đôi với làm. Cha mẹ giáo dục con không được lấy đồ đạc của người khác, trong khi đó, họ lại lấy của công từ nơi làm việc về nhà với thái độ khá hồ hởi. Có một nguyên nhân gây nên hành vi ăn trộm của trẻ mà bậc cha mẹ ít ngờ tới, đó là việc chăm sóc con trẻ quá mức, chiều chuộng và đáp ứng tất cả những đòi hỏi của con. Khi trẻ được nuông chiều, chúng không bao giờ được thỏa mãn. Vì vậy, trong các mối quan hệ, trẻ không quan tâm đến người khác nghĩ gì, mà chỉ biết mình sẽ được những gì mình muốn.
Có không ít bậc phụ huynh cho rằng, để hạn chế đến mức tối đa hành vi ăn cắp ở con trẻ chính là nên quản lý con một cách nghiêm ngặt. Nhưng đó chính là một quan niệm sai lầm trong giáo dục con. Con cái nghĩ rằng cha mẹ không hề tin tưởng chúng; người lớn không quan tâm, lắng nghe và hiểu chúng. Trẻ nảy sinh tâm lý “rút vào hoạt động bí mật”; chúng có những hành vi trái ngược mà người lớn không cho phép để thách thức, chống đối lại.
Hướng thiện ngay từ nhỏ
Hãy hình thành và phát triển ở trẻ một phẩm chất rất đáng quý của con người là biết cách tự đặt ra mục tiêu và thực hiện mục tiêu đó. Qua đó, trẻ cũng nhận thấy giá trị của những đồ vật mà mình sở hữu và mình có thể làm ra (trực tiếp hay gián tiếp). Trẻ biết giữ gìn những gì mình có và tôn trọng những gì của người khác. Vì thế, trẻ cũng biết và thấu hiểu sự đau khổ, thất vọng của người chủ sở hữu khi đồ vật bị đánh cắp.
Trẻ càng lớn thì vấn đề liên quan đến hành vi ăn cắp càng trở nên phức tạp. Từ lứa tuổi 12 - 15 tuổi thì đó là hành vi có chủ định, đã được chuẩn bị từ trước. Nếu lặp đi lặp lại nhiều lần, ăn cắp trở thành thói quen xấu. Thậm chí, nó trở thành tính cách cố hữu của trẻ, khó mà khắc phục được. Cần nhấn mạnh rằng động cơ ăn trộm rất khác nhau và trước khi kết tội trẻ, cần hiểu rõ động cơ của hành vi đó. Đôi khi đứa trẻ ăn cắp, nhưng không chỉ em có lỗi hoàn toàn.
Cha mẹ cần hiểu rằng, có thể các em bị lôi kéo và trong thế giới của trẻ em đôi khi hành vi trộm cắp là để tạo uy tín. Cho dù điều gì xảy ra với đứa con đi chăng nữa, thì cha mẹ không bao giờ ngoảnh mặt làm ngơ, hay buông xuôi tất cả mà hãy tạo cơ hội cho con mình được làm người tốt với đúng nghĩa của nó. Không nên gọi trẻ là đồ ăn cắp và mạt sát bằng những lời lẽ nặng nề khác. Tìm hiểu nguyên nhân gây ra hành vi của trẻ và cùng trẻ bước qua mặc cảm.
Cha mẹ phải luôn thẳng thắn, nhất quán trong việc biểu hiện thái độ và hành động phản đối hành vi xấu của trẻ và nghiêm cấm chúng không được lặp lại hành vi đó. Bằng mọi cách, loại trừ những tình huống (tạo điều kiện) trẻ đối diện với việc dẫn tới hành vi ăn cắp của trẻ. Bởi có những trường hợp, trước khi trẻ lấy cắp, động cơ chưa hình thành nhưng do sự cám dỗ trước sự hấp dẫn của đồ vật (do trẻ ở một mình khi đối mặt với đồ vật mà trẻ hằng ao ước).
Đôi khi, trẻ có hành vi ăn cắp là cách phản ứng trước sự bất an, kém may mắn trong gia đình, trong tập thể hay nhóm bạn. Hành vi ăn cắp của trẻ luôn được coi là vấn đề nhạy cảm, nên khi trẻ đã biết được lỗi lầm của mình rồi thì cha mẹ không nên nhắc lại nhiều lần chuyện đã qua và đã được giải quyết. Cha mẹ không được kể chuyện xấu xa này với mọi người khi có mặt của trẻ.
Theo SGGPO