Dù nhóm ngành kinh tế - tài chính những năm gần đây có phần “hạ nhiệt” và áp lực việc làm có gay gắt hơn nhưng các ngành học thuộc lĩnh vực này vẫn thu hút sự quan tâm của nhiều thí sinh.
Từng có thời điểm sinh viên nhóm ngành kinh tế - tài chính ra trường trầy trật kiếm việc làm và thực tế này đã khiến nhiều thí sinh thích nhóm ngành này nao núng, rẽ sang tìm kiếm những ngành học thuận lợi cho đầu ra, dù đó chưa hẳn là lĩnh vực các em thực sự yêu thích. Vậy nên, tại các chương trình Tư vấn mùa thi, tư vấn Tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2017, đại diện của các trường đại học lớn như đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, ĐH Kinh tế - luật (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), đại học Tài chính - marketting đã giải đáp chuyên sâu cho các thí sinh quan tâm đến nhóm ngành này.
Thông tin cho thí sinh về nhu cầu nhân lực hiện nay của nhóm ngành kinh tế - tài chính, ngân hàng, kế toán, quản trị kinh doanh…, ThS Hứa Minh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Tài chính - marketting, cho biết: Từ năm 2013, Bộ GD-ĐT tạm dừng mở mới các ngành đang thừa “đầu ra” như tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán... Chính vì vậy, việc lo lắng của thí sinh khi tham gia xét tuyển vào các ngành học này là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, từ năm 2015 trở đi, kinh tế Việt Nam bắt đầu khởi sắc. Năm 2016 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đặt trọng tâm đây là năm khởi nghiệp, cần nhiều doanh nghiệp đầu tư, cần có hệ thống quản lý đồng bộ, trong đó mạnh nhất là khối ngành kinh tế. Vậy nên tôi cho rằng từ đây đến những năm sau, nhu cầu nhân lực của nhóm ngành này sẽ tăng cao.
Em Nguyễn Hồng Quyên, Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Tuy Hòa), lo lắng hỏi: Nhiều bạn của em quyết định không tham gia xét tuyển ngành quản trị kinh doanh vì sợ sự bão hòa của ngành học này. Riêng bản thân em thì vẫn không thay đổi mục đích của mình, đó là đăng ký xét tuyển vào ngành quản trị kinh doanh. Dù vậy em vẫn thấy có phần lo lắng vì ngành học mà em chọn đã không còn “hot” như những năm trước, sợ ra trường không có việc làm?”. Trả lời câu hỏi này, TS Trần Thế Hoàng, Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, thẳng thắn đáp: Nếu các em thích về kinh tế, tài chính, quản trị kinh doanh, kế toán thì cứ mạnh dạn chọn học để đón đầu việc làm vì kinh tế hiện nay đang từng bước phục hồi và sẽ cần nhiều nhân lực trong những năm tới. “Nhân lực nhóm ngành này thừa hay thiếu phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế đất nước. Nếu kinh tế phát triển, mở ra càng nhiều doanh nghiệp thì càng cần nhiều chuyên gia về lĩnh vực này”, thầy Hoàng nhấn mạnh.
Bên cạnh những thí sinh quyết tâm theo đuổi đam mê, sở thích thì cũng có không ít thí sinh bày tỏ sự hoang mang với nhóm ngành kinh kế - tài chính. Chia sẻ về điều này, TS Phạm Sỹ Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Tài chính kế toán, cho hay: Khi định hướng chọn trường để đăng ký dự thi thì các em phải nhìn triển vọng tương lai của ngành đó, phải nghĩ rằng học cho 5 năm sau. Từ đó, các em có hướng chọn ngành nghề trong lĩnh vực kinh tế - tài chính - ngân hàng cho phù hợp.
Các chuyên gia tuyển sinh cung cấp thêm, nhóm ngành kinh tế - tài chính chủ yếu xét tuyển khối A. Với hoàn cảnh kinh tế nhiều cạnh tranh hiện nay, ngoài kiến thức chuyên môn, sinh viên khối ngành này cần trau dồi rất nhiều về các kỹ năng mềm, trong đó tin học và tiếng Anh là quan trọng nhất. Sinh viên khi ra trường cần kỹ năng Anh văn xuất sắc để phù hợp môi trường công việc hiện đại. Bên cạnh đó là những giá trị đạo đức cần thiết để có thể trở thành những ứng viên sáng giá nhất.
MẠNH THÚY