Ngân sách Nhà nước đầu tư cho sự nghiệp khoa học công nghệ (KHCN) trong tỉnh theo hướng tăng dần tỉ lệ trên tổng chi ngân sách hàng năm (tăng bình quân 8,82%/năm). Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng các đề tài, dự án (ĐT, DA) chưa cao; việc cấp phát và quyết toán kinh phí để thực hiện các ĐT, DA còn bất cập...
![]() |
Ngư dân ứng dụng công nghệ điện hoạt hóa trong nuôi trồng thủy sản - một trong số ít những dự án thành công - Ảnh: N.LƯU |
CHƯA ĐƯỢC NHÂN RỘNG TRONG THỰC TIỄN
Trong giai đoạn 2001 – 2006, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phú Yên đã triển khai thực hiện 66 ĐT, DA và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân ứng dụng khoa học kỹ thuật. Trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn – miền núi, Sở KH&CN tỉnh đã tuyển chọn, xây dựng được một số mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, như mô hình lúa sạ hàng, sạ thưa đạt kết quả tốt; các mô hình sản xuất và cung ứng rau an toàn, sử dụng ong mắt đỏ trong phòng trừ sâu đục thân hại mía, bắp và diệt bọ hại dừa… bước đầu mang lại hiệu quả. Đề tài thử nghiệm xử lý nước nuôi tôm bằng công nghệ EM tại vùng hạ lưu sông Bàn Thạch; mô hình ứng dụng dung dịch điện hoạt hoá thay thế các hóa chất khử trùng thông dụng trong các vùng sản xuất tôm giống trong tỉnh… từng bước khắc phục ô nhiễm môi trường, khôi phục lại các vùng nuôi tôm. Một số đề tài thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin như xây dựng mạng thông tin phòng chống thiên tai, xây dựng hệ thống thông tin địa lý (GIS) vùng trọng điểm phát triển từ xã An Chấn (Tuy An) đến Vũng Rô (Đông Hoà)… đã giúp các ngành hữu quan khai thác, sử dụng trong công tác chuyên môn của từng ngành. Các đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn như Địa chí Phú Yên, Văn học Phú Yên thế kỷ XX, Truyền thuyết và huyền thoại Phú Yên… tạo thành hệ thống tư liệu phong phú về lịch sử, văn hoá Phú Yên qua các thời kỳ…
Theo báo cáo giám sát và khảo sát thực tế tại một số mô hình ĐT, DA của HĐND tỉnh, đến nay 43 ĐT, DA đã được nghiệm thu, trong đó có 8 ĐT, DA đạt loại xuất sắc, 31 đạt loại khá và 4 đạt loại trung bình. Tuy nhiên, hầu hết các ĐT, DA đã thực hiện trong thời gian qua còn nhỏ lẻ còn ít ĐT, Da có giá trị cao; một số ĐT, DA sau khi nghiệm thu đạt loại khá, thậm chí loại xuất sắc nhưng việc triển khai nhân rộng còn nhiều hạn chế, chưa tổ chức quảng bá, nhân rộng vào thực tiễn sản xuất và đời sống, chưa gắn chặt giữa nghiên cứu và ứng dụng. Hiệu quả của các ĐT, DA chỉ dừng lại ở mức độ riêng lẻ, cục bộ, chưa thực sự góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hiện có hai ĐT, DA đã quá thời hạn thực hiện nhưng chưa hoàn thành; hai ĐT, DA với kinh phí đầu tư 546,6 triệu đồng phải dừng thực hiện.
Có thể nói, một số ĐT, DA trong quá trình triển khai do thay đổi chủ nhiệm đề tài nên chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra; một số đề tài trong lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch, nhãn hiệu, hàng hoá, y tế… chưa được quan tâm tuyển chọn và đầu tư đúng mức. Trong hoạt động nghiên cứu triển khai, chưa xây dựng được chương trình nghiên cứu dài hạn cho kỳ kế hoạch 5 năm; chương trình đã xây dựng trong các năm qua chưa phù hợp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn; chưa xây dựng được quy định hướng dẫn và quản lý hoạt động KHCN của các ngành và cấp huyện để thống nhất quản lý một đầu mối. Cơ chế quản lý hiện nay còn duy trì sự bao cấp gián tiếp của Nhà nước trong hoạt động KHCN thông qua các chính sách ưu đãi, độc quyền trong một số lĩnh vực, khiến các doanh nghiệp Nhà nước ít quan tâm đến nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh. Năng lực KH&CN của các doanh nghiệp còn bất cập, thiếu đội ngũ cán bộ KH&CN trong các doanh nghiệp làm cầu nối cho ứng dụng các kết quả nghiên cứu KHCN vào sản xuất.
![]() |
Dự án xây dựng cơ sở khoa học cho phát triển du lịch sinh thái vùng Đèo Cả - Vũng Rô với kinh phí 116,7 triệu đồng được nghiệm thu loại khá nhưng nay vẫn chưa được triển khai. Ảnh - N.LƯU |
BẤT CẬP TRONG QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VỐN SỰ NGHIỆP KHCN
Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng trong những năm qua, ngành KH&CN tỉnh thiếu các biện pháp hữu hiệu để huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước cho hoạt động KHCN. Ví dụ như dự án cơ sở hạ tầng khu nông nghiệp áp dụng công nghệ cao (do Sở KH&CN tỉnh làm chủ đầu tư) được phê duyệt thực hiện trong 3 năm, từ 2004 – 2007 với tổng vốn đầu tư 21 tỉ đồng. Tuy nhiên, do không tính đến khả năng huy động vốn để thực hiện, nên năm 2005 dự án này chỉ đầu tư 170 triệu đồng, năm 2006 là 1 tỉ đồng nhưng đến cuối năm chưa thực hiện, năm 2007 kế hoạch đầu tư vốn chỉ 1 tỉ đồng(!) Với tình hình trên thì dự án không thể hoàn thành theo đúng kế hoạch đề ra.
Theo Sở KH&CN tỉnh, tổng vốn đầu tư cho 66 ĐT, DA là trên 19,693 tỉ đồng, trong đó có 62 ĐT, DA cấp tỉnh với tổng kinh phí 12,167 tỉ đồng; 4 dự án cấp Nhà nước với kinh phí 2,97 tỉ đồng. Việc đầu tư và thanh quyết toán các ĐT, DA KHCN giai đoạn 2001 – 2006 cơ bản đúng theo nội dung, kế hoạch kinh phí đã được phê duyệt hàng năm cũng như đến khi kết thúc. Song, việc thực hiện thanh quyết toán một số ĐT, DA còn chậm so với quy định; còn một số chủ nhiệm đề tài chưa quan tâm đúng mức đến việc thanh toán ĐT, DA nhưng chưa có biện pháp xử lý kiên quyết. Còn xảy ra tình trạng sử dụng vốn sự nghiệp KHCN không đúng chế độ. Theo kết luận của cơ quan thanh tra và kiểm toán, tổng số chi không đúng chế độ kiến nghị phải xuất là 109,701 triệu đồng. Từ năm 2001 – 2006 có 20 ĐT, DA phải thu hồi với tổng vốn hơn 1,675 tỉ đồng, nhưng đến nay vẫn còn hơn 1 tỉ đồng chưa thu hồi và chưa được đôn đốc xử lý dứt điểm…
Theo ông Nguyễn Thanh Tra, ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, quản lý nguồn vốn sự nghiệp KHCN cần tập trung thống nhất một đầu mối, trên cơ sở đó chọn lựa và đầu tư cho các ĐT, DA mang lại hiệu quả thiết thực. Các ĐT, DA KHCN mà thời hạn thực hiện trên một năm, nếu trong niên hạn chưa sử dụng hết thì xét, quyết định theo thẩm quyền việc chuyển nguồn sang năm sau nhằm tạo điều kiện cho việc thực hiện có kết quả. Trong quá trình xây dựng dự toán ngân sách hàng năm trình HĐND tỉnh, cần xem xét cân đối theo hướng ưu tiên kinh phí đầu tư cho sự nghiệp KHCN bằng hoặc hơn kế hoạch vốn trung ương giao cho hoạt động KHCN và bố trí vốn kịp thời ngay đầu năm; cần phải bổ sung vốn cho những ĐT, DA có hiệu quả để nhân rộng. Cần xử lý dứt điểm nợ vốn thu hồi dự án dây dưa, kéo dài; hạn chế việc hỗ trợ kinh phí dưới dạng cấp vốn cho không để xây dựng, thực hiện các mô hình nghiên cứu ứng dụng mà phải gắn một phần nguồn lực và trách nhiệm của người thụ hưởng...
LƯU PHONG