Hiện nay trên địa bàn tỉnh Phú Yên có 212 đại lý, điểm kinh doanh internet công cộng. Hằng ngày có hàng ngàn lượt khách hàng - đa số là học sinh, sinh viên, thanh niên - đến các đại lý vào mạng. Nhiều người trong số đó chủ yếu là chơi game, chat và truy cập vào các trang web có nội dung không lành mạnh.
Một điểm kinh doanh internet công cộng ở TP Tuy Hòa - Ảnh: MINH KÝ
NHIỀU HỌC SINH VÀO WEB ĐEN
Gần nơi chúng tôi ở (phường 9, TP Tuy Hòa) có một đại lý internet công cộng. Cơ sở chật hẹp, nắng nóng như nung, nhưng sáng, trưa, chiều, tối đều thấy có hàng chục học sinh, sinh viên ngồi chật như nêm để chat và chơi game online. Công việc của người quản lý phòng máy này là giải quyết các sự cố máy móc, mạng, tạo giùm khách hàng nickname để chat; khi rỗi, anh thường tranh thủ để chơi game, không hề kiểm tra hay quản lý khách hàng. Bởi vậy, ai vào đây, muốn chơi gì, truy cập gì cũng được, miễn “ớn” là thanh toán tiền, cứ 2.000 đồng/giờ nhân lên! Một lần vào đây gởi mail về tòa soạn, tôi đảo mắt nhìn sang ô của một học sinh có tên Nguyễn Văn T bên cạnh. T ngồi thu mình lướt web, trên màn hình hiện lên những hình ảnh hết sức “tươi mát”.
Không chỉ ở thành phố, vì internet công cộng hiện đã về đến nhiều vùng quê nên tình trạng giới trẻ đốt thời gian vào chat, game, truy cập những trang web đồi trụy xuất hiện ngày càng nhiều. Ở các huyện miền núi như Sơn Hòa, Đồng Xuân, học sinh các trường THCS, PTTH tan học là tạt vào các điểm internet ngồi miệt mài. Một lần vào đại lý internet XT ở huyện Sơn Hòa, tôi thấy mấy em học sinh chụm đầu xem hình ảnh khỏa thân cười inh ỏi. Nhân viên quản lý internet đại lý này phân bua: “Mấy em học sinh hầu hết tới đây để chơi game hoặc chat thôi. Gần đây có mấy đứa choai choai đi học xa về truy cập trang web xấu rồi vẫy tay cho mấy đứa ngồi cạnh xem. Tôi phát hiện là la rầy, nhưng thỉnh thoảng chúng cũng lén coi”.
Phụ huynh thì nghĩ gì? Chị Nguyễn Thị Kim Phượng ở xã Sơn Định (Sơn Hòa) xuýt xoa: “Tôi có thằng con đi học dưới thị trấn, cho tiền không ăn sáng mà để dành vào internet chơi. La hoài mà nó không nghe, mình ở xa đâu có quản lý được!”. Ông Nguyễn Quang Điểu ở phường 2, TP Tuy Hòa tâm sự: “Thật khó khăn cho chúng tôi bởi không lẽ cháu đi đâu, làm gì mình cũng chen vào cả sao? Chẳng lẽ khi cháu lên mạng trao đổi thông tin với bạn bè mình cũng ngồi đó để quản lý? Chúng tôi chỉ giáo dục cháu về mặt ý thức và mong là những người quản lý các điểm internet công cộng cần để mắt đến đối tượng là học sinh, sinh viên nhiều hơn để nhắc nhở kịp thời”.
86% ĐẠI LÝ VI PHẠM
Việc quản lý khách hàng của các đại lý Internet công cộng ở Phú Yên hiện khá lỏng lẻo, cần được chấn chỉnh. Trong ảnh: thanh thiếu niên tại một điểm Internet công cộng ở TP Tuy Hòa – Ảnh: M.KÝ
Hiện nay, các điểm Internet ở TP Tuy Hòa và trung tâm các huyện Sơn Hòa, Đồng Xuân mọc lên dày đặc, dẫn đến việc đại lý nào cũng cố “câu” khách. Các đại lý này làm ăn khấm khá hơn hẳn các điểm internet trực tiếp của ngành bưu điện đặt ở các bưu điện, bưu cục. Bà Phạm Thị Kim Thanh, Giám đốc Bưu điện huyện Sông Cầu, cho biết: “ Hệ thống bưu điện huyện Sông Cầu hiện có 4 điểm Internet nhưng khách hàng thấp hơn nhiều so với các điểm đại lý internet công cộng. Lý do là muốn truy cập Internet ở chỗ chúng tôi, khách hàng phải đăng nhập mật khẩu, trình chứng minh nhân dân, thực hiện nghiêm giờ giấc mở – đóng cửa”.
Vừa qua đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh đã tiến hành kiểm tra các đại lý internet công cộng. Kết quả thật kinh ngạc: Có đến 86% đại lý và các điểm kinh doanh internet công cộng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh internet. Phần lớn các đại lý này vi phạm việc không cài đặt phần mềm quản lý, hoặc cài đặt nhưng không đúng theo quy định của Bộ Bưu chính - Viễn thông; không tuân thủ việc niêm yết giờ mở - đóng cửa... Còn theo kết quả vừa công bố mới đây của Đoàn thanh tra liên ngành gồm: Sở Bưu chính – Viễn thông, Sở Văn hóa - Thông tin, Công an tỉnh: Hầu hết trong số 29 đại lý internet đã kiểm tra, khách hàng chỉ đến để chơi game online hay chat, mail. 95% khách hàng là học sinh, sinh viên, thậm chí có nhiều trẻ em dưới 14 tuổi.
Phó Giám đốc kiêm Chánh thanh tra Sở Bưu chính - Viễn thông Phú Yên Lê Thanh Nhanh khẳng định: “Do chạy theo lợi nhuận nên các đại lý không thực hiện một số yêu cầu tối thiểu về mặt kỹ thuật, môi trường kinh doanh, thiếu kiểm tra thường xuyên để khách hàng tự do truy cập vào các trang web có nội dung không lành mạnh”.
Những thực tế trên cho thấy việc quản lý các đại lý, điểm internet công cộng ở Phú Yên còn khá lỏng lẻo. Vấn đề hiện nay là các ngành cần ngồi lại với nhau để tìm ra một giải pháp quản lý hữu hiệu đối với dịch vụ này.
Quy định quyền và nghĩa vụ của đại lý internet trong quá trình kinh doanh: - Được phép kinh doanh tại địa điểm kinh doanh của đại lý internet từ 6 giờ đến 24 giờ hằng ngày. - Hướng dẫn và kiểm tra người sử dụng tuân thủ các quy định về sử dụng dịch vụ internet; Có biện pháp đề phòng phát hiện và ngăn chặn kịp thời các khách hàng có hành vi vi phạm nội quy của đại lý và quy định của pháp luật về internet. - Lập sổ đăng ký sử dụng dịch vụ, trong đó thống kê đầy đủ chi tiết thông tin người sử dụng dịch vụ và người bảo lãnh cho người dưới 14 tuổi bao gồm họ tên;địa chỉ thường trú; số CMND, hộ chiếu (đối với người nước ngoài) hoặc các giấy tờ khác như thẻ nghiệp vụ, bằng lái xe, thẻ học sinh, sinh viên..., vị trí máy tính và thời gian mà người sử dụng dịch vụ đã sử dụng. Đại lý internet phải gánh chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin trong sổ đồng thời có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản sổ đăng ký sử dụng dịch vụ để cung cấp cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu. - Cài đặt chương trình phần mềm và quản lý đại lý internet, đồng thời thực hiện các giải pháp kỹ thuật đảm bảo ngăn chặn người sử dụng truy cập đến các trang web có nội dung xấu trên internet. Đại lý internet chỉ được cung cấp nội dung thông tin về người sử dụng cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Thông tư liên tịch Bộ Bưu chính - Viễn thông, Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
MẠNH HOÀI