Thông tin môn Giáo dục công dân trở thành một phần trong tổ hợp bài thi Khoa học xã hội tại Kỳ thi THPT quốc gia 2017 đã khiến không ít giáo viên, học sinh và phụ huynh bỡ ngỡ. Để giúp học sinh có chuẩn kiến thức, kỹ năng làm tốt bài thi môn này dưới hình thức trắc nghiệm, ngành Giáo dục Phú Yên và các trường học đang tích cực xây dựng ngân hàng đề thi, triển khai chương trình giảng dạy và kế hoạch ôn tập sao cho khoa học, hiệu quả.
Giáo viên và học sinh bỡ ngỡ
Trường THCS và THPT Nguyễn Khuyến (TX Sông Cầu) dự kiến có khoảng 128 học sinh lớp 12 sẽ tham dự Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Theo thầy Trần Ngọc Dũng, Phó Hiệu trưởng nhà trường, khi biết môn Giáo dục công dân đưa vào đề thi dưới dạng tổ hợp cùng với hai môn Lịch sử và Địa lý, giáo viên, học sinh của trường khá lo lắng. Bởi lẽ môn thi này chưa từng có tiền lệ được đưa vào thi tốt nghiệp THPT, mà lại dưới hình thức trắc nghiệm. Thêm vào đó, từ nhiều năm nay, môn Giáo dục công dân trong chương trình phổ thông chưa được chú trọng, thường bị xem là môn phụ. Thời gian giảng dạy môn này chỉ có 1 tiết/tuần. Đa phần giáo viên giảng dạy là kiêm nhiệm hoặc dạy chéo môn. Học sinh chưa có nhận thức đúng về tầm quan trọng của môn học cũng như chưa quan tâm đầu tư thời gian, nghiên cứu thêm... Những điều này đã làm cho chất lượng dạy và học môn học này trong nhà trường còn bất cập. Để học sinh dự thi tốt môn này, trong một khoảng thời gian ngắn, khi nguồn tài liệu thiếu hụt, ngân hàng đề thi chưa phong phú thực sự là áp lực và thử thách cho giáo viên, học sinh của trường.
Là một trong 541 học sinh của Trường THPT Lê Trung Kiên (huyện Đông Hòa) sẽ tham dự Kỳ thi THPT quốc gia 2017, em Trương Đình Giang, lớp 12A1, chia sẻ: “Em và các bạn trong lớp rất bất ngờ khi Kỳ thi THPT quốc gia 2017 có thêm môn Giáo dục công dân. Thời gian qua, xem môn này là môn phụ nên chúng em học “qua loa”. Nay môn học này trở thành một trong các môn thi nên em rất lo lắng vì không biết tiếp cận kiến thức theo hướng nào, ôn tập ra sao. Đề thi trắc nghiệm, kiến thức sẽ rộng và bao quát nên rất khó để chúng em lấy điểm cao”.
Thay đổi nhận thức và cách ra đề thi
Để giúp giáo viên hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng phát triển năng lực; nắm được kiến thức, kỹ năng ra đề thi trắc nghiệm theo tinh thần đổi mới của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, mới đây, Sở GD-ĐT đã tổ chức lớp bồi dưỡng cho hơn 100 giáo viên dạy môn Giáo dục công dân trong tỉnh. Tại lớp bồi dưỡng, hầu hết lãnh đạo và giáo viên cho rằng, việc Bộ GD-ĐT đưa môn này vào Kỳ thi THPT quốc gia 2017 là đúng đắn và cần thiết, vì thể hiện sự coi trọng việc rèn luyện đạo đức, nhân cách cho học sinh, nhất là hiện nay, khi tình trạng vi phạm pháp luật của công dân ngày càng nhiều và trở thành vấn đề nhức nhối. Sự đổi mới này góp phần tạo ra một bước chuyển không chỉ trong nhận thức dạy và học mà còn có tác động chung đối với xã hội.
Theo thầy Huỳnh Trung Kiên, giáo viên dạy môn Giáo dục công dân, Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Tuy Hòa), để học sinh đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng môn học và đạt kết quả cao trong Kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, trước hết, lãnh đạo ngành Giáo dục và giáo viên các trường cần xác định rõ vị trí, vai trò của môn học, giúp học sinh, phụ huynh có nhận thức đúng đắn về bộ môn; từ đó, nghiên cứu, xây dựng chương trình giảng dạy, phân bổ thời gian, kế hoạch kiểm tra, đánh giá học sinh khoa học, hợp lý.
Chia sẻ tại lớp bồi dưỡng kỹ thuật ra đề và tổ chức kiểm tra, đánh giá trắc nghiệm môn Giáo dục công dân cho giáo viên tại Phú Yên, ông Vũ Đình Bảy, giảng viên Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường đại học Sư phạm Huế, cho rằng: Từ trước đến nay, môn Giáo dục công dân, kiểm tra một tiết hay cuối học kỳ đều theo hình thức tự luận nên giáo viên thiếu kinh nghiệm, kiến thức và kỹ thuật trong việc soạn thảo câu hỏi, xây dựng bộ đề trắc nghiệm. Sau khi tham gia lớp bồi dưỡng, căn cứ vào các hướng dẫn của ngành, giáo viên cần bám sát chương trình dạy trong sách, nghiên cứu thêm tài liệu và từ trải nghiệm thực tế, soạn thảo các câu hỏi chuẩn kiến thức, kỹ năng cho học sinh tham khảo. Học sinh cũng không nên quá lo lắng, áp lực vì đề thi minh họa mà Bộ GD-ĐT đưa ra, các câu hỏi không quá khó, đều bám sát kiến thức trong sách giáo khoa.
HÀ MY