Thứ Tư, 02/10/2024 15:19 CH
Hệ cao đẳng đổi chủ quản: Vẫn đảm bảo quyền lợi cho người học
Chủ Nhật, 27/11/2016 08:08 SA

Giảng viên Trường cao đẳng Y tế Phú Yên hướng dẫn sinh viên ngành Dược thực hành hóa học - Ảnh: THÚY HẰNG

Bộ GD-ĐT vừa tổ chức lễ bàn giao toàn bộ các trường cao đẳng (CĐ), trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) và hệ đào tạo CĐ, TCCN tại các cơ sở giáo dục đào tạo thuộc Bộ GD-ĐT trước đây về Bộ LĐ-TB-XH quản lý (trừ các trường sư phạm, các ngành đào tạo giáo viên). Như vậy, từ năm 2017, các trường CĐ, TCCN sẽ tuyển sinh theo quy chế do Bộ LĐ-TB-XH ban hành phù hợp với Luật Giáo dục nghề nghiệp.

 

Hơn 500 trường CĐ, TCCN về Bộ LĐ-TB-XH

 

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cả nước hiện có 234 trường CĐ. Trong số này, Bộ GD-ĐT sẽ quản lý 33 trường CĐ sư phạm, 201 trường còn lại với hơn 1.500 ngành đào tạo được chuyển sang Bộ LĐ-TB-XH quản lý. 303 trường TCCN cũng như hệ TCCN đang được đào tạo tại 200 trường CĐ và 40 trường ĐH cũng được bàn giao về Bộ LĐ-TB-XH quản lý. Kể từ ngày 1/1/2017, Bộ LĐ-TB-XH chính thức quản lý nhà nước toàn bộ lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

 

Phú Yên hiện có 2 trường đại học có đào tạo hệ CĐ và 3 trường CĐ. Theo các trường, việc thay đổi cơ quan chủ quản sẽ không có gì ảnh hưởng về mặt quản lý, có chăng chỉ là do lâu nay các trường CĐ do Bộ GD-ĐT quản lý thuộc hệ thống giáo dục ĐH nên mục tiêu, chương trình đào tạo, tiêu chuẩn cán bộ, giảng viên khác biệt so với các trường CĐ nghề. Do đó, các trường cần có giai đoạn chuyển tiếp để giáo viên, sinh viên yên tâm trước khi triển khai chương trình đào tạo mới theo hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

 

Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghiệp Tuy Hòa Trần Kim Quyên cho biết: “Cơ cấu đào tạo của trường thuộc Bộ GD-ĐT và trường CĐ nghề khác nhau. Trường CĐ thuộc Bộ GD-ĐT lâu nay đào tạo 70% nghiêng về lý thuyết, 30% thực hành trong khi trường CĐ nghề là 50-50. Nay trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp và đặc biệt mới đây, Chính phủ ban hành khung trình độ quốc gia nên trường sẽ phải điều chỉnh cơ cấu đào tạo, điều chỉnh lại thời lượng và cơ cấu chương trình. Dù có đổi chủ quản thì các trường vẫn đảm bảo quyền lợi cho người học”. ThS Nguyễn Vân Trạm, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo Trường đại học Xây dựng Miền Trung, cho hay: “Việc hệ CĐ quy về giáo dục nghề nghiệp và thay đổi cơ quan chủ quản về cơ bản không có gì tác động đến quá trình đào tạo của trường. Theo lộ trình, trước năm 2020, các trường đại học dừng tuyển sinh hệ CĐ. Vậy nên, trước mắt, trường vẫn hoạt động bình thường và chờ hướng dẫn từ bộ chủ quản mới; hướng dẫn tới đâu, trường sẽ thực hiện tới đó”.

 

Không có nhiều thay đổi trong tuyển sinh

 

Từ năm 2017, các trường CĐ, TCCN sẽ tuyển sinh theo quy chế do Bộ LĐ-TB-XH ban hành phù hợp với Luật Giáo dục nghề nghiệp. Vậy nên, vấn đề được nhiều người quan tâm nhất là tuyển sinh năm 2017 sẽ ra sao? Thực tế tuyển sinh những năm gần đây cho thấy, công tác tuyển sinh đầu vào của các trường CĐ gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là chỉ tiêu của các trường ĐH rất lớn, gần bằng với số thí sinh tốt nghiệp THPT. Trong khi đó, nhiều trường ĐH cũng xét tuyển bằng học bạ đối với thí sinh tốt nghiệp THPT như đối tượng xét tuyển vào CĐ. Chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ĐH quá nhiều đang làm mất nguồn tuyển của các trường CĐ, dẫn đến mất cân đối về cơ cấu đào tạo.

 

Để thí sinh nắm bắt được định hướng tuyển sinh năm 2017, Bộ LĐ-TB-XH vừa đưa ra dự thảo quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ TCCN, CĐ năm 2017. Theo đó, thời gian tuyển sinh của các trường thuộc bộ này quản lý bắt đầu từ ngày 1/1 và kết thúc công tác tuyển sinh chậm nhất trước ngày 31/12 hàng năm. Thời gian tuyển sinh, số đợt tuyển sinh trong năm do hiệu trưởng các trường quyết định. Duy trì tổ hợp các môn thi tương ứng với khối thi mà trường đã sử dụng trong kỳ thi tuyển sinh các năm trước (sau đây gọi là khối thi truyền thống) để xét tuyển. Nếu thay đổi các khối thi truyền thống, các tổ hợp môn thi đã sử dụng để xét tuyển, các trường phải báo cáo Bộ LĐ-TB-XH và thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của trường, các phương tiện thông tin đại chúng khác ít nhất 3 năm trước khi áp dụng.

 

Đối với những trường sử dụng tổ hợp môn thi mới ngoài các khối thi truyền thống để xét tuyển cho một ngành hoặc nhóm ngành hoặc nghề cần dành ít nhất 75% chỉ tiêu của ngành hoặc nhóm ngành hoặc nghề đó để xét tuyển theo các tổ hợp môn thi tương ứng với các khối thi truyền thống. Việc thêm các tổ hợp môn thi mới để xét tuyển được thực hiện theo nguyên tắc: Sử dụng kết quả của ít nhất 3 môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai môn Toán và Ngữ văn để xét tuyển; các môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của chuyên ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp môn thi để xét tuyển cho một ngành. Căn cứ kết quả thi của thí sinh dự thi lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển CĐ, TC, Bộ LĐ-TB-XH xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển…

 

Theo các trường, với dự thảo này thì công tác tuyển sinh TCCN, CĐ năm 2017 về cơ bản không có gì thay đổi so với trước. Vậy nên các thí sinh yên tâm khi tham gia xét tuyển vào hệ đào tạo này.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek