Chiều 14/11, tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, Sở Y tế tổ chức hội thảo chuyên đề “Tầm quan trọng của dấu ấn sinh học trong chẩn đoán bệnh lý tim mạch”. Tham dự hội thảo có GS-TS Huỳnh Văn Minh, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đại học Y dược Huế; PGS-TS Trần Văn Huy, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch miền Trung; BSCKII Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế Phú Yên cùng các bác sĩ tim mạch, nội khoa đến từ các cơ sở y tế trong tỉnh.
Theo các chuyên gia y tế, dấu ấn sinh học là những phân tử biểu hiện một dữ kiện sinh học. Từ thập niên 50 của thế kỷ trước cho đến nay, rất nhiều dấu ấn tim khác nhau được khuyến cáo sử dụng trong hội chứng mạch vành cấp như AST, CK, CK-MB, Myoglobin, gần đây nhất là các Troponin và Albumin bị biến đổi do thiếu máu cục bộ. Tại hội thảo này, PGS-TS Trần Văn Huy trao đổi về “Vai trò của Troponin 1 siêu nhạy cảm trong chẩn đoán nhồi máu cơ tim”; GS-TS Huỳnh Văn Minh trao đổi về “Vai trò chỉ điểm sinh học BNP trong tim mạch”, đặc biệt là các ứng dụng lâm sàng của BNP (Brain Natriuretic Peptide - một dấu ấn sinh học được phóng thích chủ yếu từ sợi cơ tâm thất, đặc biệt là thất trái, khi bị căng do quá tải áp lực…) trong chẩn đoán, tiên lượng, điều trị suy tim và tiên lượng hội chứng vành cấp; các khuyến cáo mới về BNP…
Với sự tài trợ của Abbott, hội thảo “Tầm quan trọng của dấu ấn sinh học trong chẩn đoán bệnh lý tim mạch” nhằm giúp các bác sĩ nội khoa, tim mạch cập nhật những kiến thức mới trong chẩn đoán và điều trị. Việc điều trị dưới sự theo dõi BNP cải thiện tỉ lệ bệnh tật và tử vong ở bệnh nhân suy tim.
YÊN LAN