Thứ Năm, 03/10/2024 05:29 SA
PGS-TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD-ĐT):
Phú Yên đạt nhiều kết quả ấn tượng trong phổ cập giáo dục mầm non
Thứ Tư, 09/11/2016 14:00 CH

Đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT vừa công bố Phú Yên bảo đảm các tiêu chuẩn để được công nhận là tỉnh đã hoàn thành công tác phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) cho trẻ 5 tuổi. Nhân dịp này, Báo Phú Yên phỏng vấn PGS-TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Trưởng Đoàn kiểm tra về công tác PCGDMN cho trẻ 5 tuổi tại Phú Yên và trong cả nước.

 

Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non Nguyễn Bá Minh và Phó Chủ tịch UBND tinh Phan Đình Phùng ký biên bản công nhận Phú Yên đạt chuẩn PCGDMN cho trẻ 5 tuổi - Ảnh: HÀ MY

 

* Đề án PCGDMN cho trẻ 5 tuổi (gọi tắt là Đề án 239) là chủ trương lớn của Đảng, mang tính đột phá trong giáo dục. Qua gần 6 năm thực hiện, đề án này đã góp phần tạo sự chuyển biến như thế nào đối với chất lượng chăm sóc trẻ ở bậc học mầm non thưa ông?

 

- Đề án PCGDMN cho trẻ 5 tuổi được Thủ tướng Chính phủ ban hành nhằm củng cố, mở rộng mạng lưới trường, lớp; huy động hầu hết trẻ em 5 tuổi trong cả nước học 2 buổi/ngày; nâng cao chất lượng giáo dục mầm non nói chung và trẻ em 5 tuổi nói riêng, chuẩn bị cho trẻ em ở mọi vùng miền có kỹ năng, thể chất và trí tuệ sẵn sàng vào lớp 1, tạo nền tảng cho các bậc học tiếp theo. Mặc dù Đề án 239 nhận được sự đồng thuận và hưởng ứng của xã hội nhưng do triển khai trong bối cảnh đất nước có nhiều khó khăn nên đến nay, toàn quốc chỉ có 56/63 tỉnh, thành được Bộ GD-ĐT kiểm tra và quyết định công nhận PCGDMN cho trẻ 5 tuổi.

 

Năm 2015, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đánh giá rằng Đề án 239 đã có nhiều tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta giai đoạn 2010-2015. Việc thực hiện Đề án 239 đã làm thay đổi diện mạo của giáo dục mầm non. Hệ thống mạng lưới trường lớp được củng cố và mở rộng đúng như mục tiêu đề ra. Đến nay, cả nước có gần 1.500 trường mầm non, phân bổ đều ở tất cả các xã, phường. Số lượng huy động trẻ 5 tuổi đến lớp hơn 1 triệu cháu. Điều này góp phần đảm bảo quyền trẻ em; đồng thời tạo điều kiện cho 1 triệu bà mẹ được tham gia vào lao động sản xuất, cải thiện và nâng cao đời sống. Đặc biệt, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý mầm non có nhiều sự phát triển đáng ghi nhận. Đến nay, cả nước có hơn 445.000 giáo viên mầm non, tăng 110.000 giáo viên so với năm 2010. Các giáo viên đã được chuẩn hóa về trình độ. Hầu hết đều được hưởng đầy đủ các chế độ chính sách.

 

* Qua kiểm tra thực tế tại các địa phương và làm việc với Ban Chỉ đạo PCGDMN Phú Yên, ông đánh giá như thế nào về công tác PCGDMN cho trẻ 5 tuổi của tỉnh?

 

- Phú Yên nằm trong nhóm các tỉnh khó khăn và có xuất phát điểm thấp. Tuy vậy, tỉnh đã rất nỗ lực hoàn thành các tiêu chí về PCGDMN cho trẻ 5 tuổi. Qua kiểm tra thực tế tại 6/9 huyện, thị, thành phố, khảo sát trực tiếp tại 12 trường mầm non công lập, Đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT đánh giá rất cao công tác lãnh, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ PCGDMN cho trẻ 5 tuổi. Phú Yên đã làm tốt công tác quy hoạch, lồng ghép các chương trình, dự án, huy động được nhiều nguồn nhân lực để đầu tư cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu được gửi trẻ của nhân dân. Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã xây dựng 425 phòng học, phòng chức năng, 222 nhà vệ sinh với kinh phí gần 196 tỉ đồng, kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất 12,4 tỉ đồng. Đây là những con số hết sức ấn tượng và đáng ghi nhận. Đặc biệt, tôi rất bất ngờ với sự phát triển của giáo dục mầm non ngoài công lập tại Phú Yên, chiếm đến 36% các nhóm lớp. Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, việc tăng cường xã hội hóa giáo dục là một trong những giải pháp hữu hiệu để đưa giáo dục mầm non phát triển.

 

Bên cạnh đó, tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc huy động trẻ 5 tuổi ra lớp, đạt tỉ lệ 99,6%. Các yêu cầu như: trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non; trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục mầm non; trẻ mẫu giáo 5 tuổi dân tộc thiểu số ra lớp được chuẩn bị tiếng Việt trước khi vào lớp 1 đều đạt tỉ lệ rất cao. Các cấp địa phương đã có nhiều biện pháp tích cực để thực hiện chương trình giáo dục mầm non ra diện rộng. Ngoài ra, đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT cũng đánh giá cao việc tuyển dụng và sử dụng cán bộ, giáo viên, nhân viên ở bậc học mầm non của tỉnh. Chế độ chính sách của giáo viên được ngành thực hiện đầy đủ, kịp thời đã tạo động lực cho các giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc trẻ, góp phần chính trong việc nâng cao chất lượng giáo dục bậc học mầm non.

 

Qua quá trình kiểm tra, chúng tôi nhận thấy Phú Yên đã bảo đảm cả ba tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và chất lượng chăm sóc trẻ. Ngay sau chuyến công tác này, chúng tôi sẽ hoàn chỉnh hồ sơ để Bộ GD-ĐT ra quyết định công nhận tỉnh là đơn vị hoàn thành công tác PCGDMN cho trẻ 5 tuổi từ tháng 6/2016.

 

Một giờ học của trẻ 5 tuổi tại Trường mầm non thị trấn Phú Hòa - Ảnh: HÀ MY

 

* Để tiếp tục duy trì và phát huy kết quả PCGDMN cho trẻ 5 tuổi, theo ông, Phú Yên cần tập trung giải quyết những vấn đề gì trong thời gian tới?

 

- Bên cạnh những mặt được, công tác PCGDMN cho trẻ 5 tuổi tại Phú Yên còn vướng phải một số khó khăn. Trong khi định biên giáo viên lớp mẫu giáo 5 tuổi của cả nước là 1,76 giáo viên/lớp thì hiện nay, định biên giáo viên lớp mẫu giáo 5 tuổi của Phú Yên mới chỉ đạt 1,3 giáo viên/lớp. Điều này cho thấy các giáo viên mầm non của tỉnh phải gánh trên vai một khối lượng công việc rất lớn. Trong bối cảnh chúng ta đang thắt chặt biên chế dẫn đến tình trạng các địa phương khó khăn trong việc bố trí đủ giáo viên/lớp, thì muốn có đủ giáo viên theo tiêu chuẩn, tỉnh cần rà soát, có lộ trình bổ sung đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cụ thể. Phú Yên không nên chờ chỉ tiêu biên chế mà cần chủ động hợp đồng giáo viên. Có như thế, bậc học mầm non mới đủ số lượng giáo viên để làm tốt công tác chăm sóc trẻ, nâng cao chất lượng giáo dục.

 

Bên cạnh đó, tỉ lệ huy động trẻ mẫu giáo ra lớp của tỉnh còn thấp (65,6%) so với mặt bằng chung của cả nước (90%). Cho nên, tỉnh cần có biện pháp để huy động được tối đa các cháu ra lớp bằng cách tuyên truyền nâng cao nhận thức; đồng thời hoạch định chiến lược, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo từ các chương trình mục tiêu quốc gia và xã hội hóa. Ngoài ra, tỉnh cần sắp xếp, gộp các điểm trường mầm non lẻ, các điểm trường gần nhau. Các cấp địa phương cũng cần chi trả đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách cho giáo viên và trẻ theo quy định hiện hành.

 

Hy vọng trong thời gian tới, Phú Yên có nhiều sự thay đổi mạnh mẽ hơn trong công tác giáo dục chăm sóc trẻ mầm non của tỉnh.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

HÀ MY (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek