Thứ Sáu, 04/10/2024 14:33 CH
Phương án thi THPT quốc gia năm 2017:
Tăng áp lực đối với dạy và học
Chủ Nhật, 02/10/2016 07:17 SA

Thầy Phan Phúc Đức, giáo viên dạy Toán Trường THPT Nguyễn Trãi, hướng dẫn học sinh làm quen với hình thức thi trắc nghiệm môn học này - Ảnh: THÚY HẰNG

Bộ GD-ĐT vừa chính thức công bố phương án thi THPT 2017. Theo phương án này, thì đây sẽ là một kỳ thi khá nặng cho học sinh bởi học sinh bắt buộc phải thi ít nhất 6 môn để được xét tốt nghiệp THPT.

 

Tăng câu hỏi lẫn thời gian thi tổ hợp

 

Phương án chính thức mà Bộ GD-ĐT vừa công bố, về cơ bản không khác so với dự thảo trước đó. Chỉ có khác là đối với hai bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội sẽ gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm/bài (mỗi môn cấu phần tổ hợp bài thi 40 câu, tăng gấp đôi so với dự thảo). Thời gian làm bài thi của 2 môn này là 150 phút/môn (tăng 60 phút so với dự thảo).

 

Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố phương án thi chính thức, nhiều giáo viên và học sinh các trường “giật mình” với việc bài thi môn tổ hợp tăng câu hỏi lẫn thời gian làm bài. “Một bài thi mà có đến 3 môn học với 120 câu hỏi thì làm sao chúng em làm nổi. Em thật sự rất lo với cách thi này”, em Nguyễn Thị Hồng Gấm, học sinh Trường THPT Trần Suyền (huyện Phú Hòa), lo lắng. Còn em Ngạc Thị Thùy Linh, học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (TP Tuy Hòa), nói: “Theo dự thảo lúc đầu với bài thi tổ hợp chỉ có 60 câu, tụi em đã thấy “ớn”, bây giờ phương án chính thức lại tăng lên gấp đôi. Đối với các môn Khoa học tự nhiên thì các em quen với hình thức trắc nghiệm nên đã biết cách học và thi, còn các môn Khoa học xã hội, lâu nay, tụi em học và thi theo hình thức tự luận, giờ lại thi theo hình thức trắc nghiệm nên chúng em rất lúng túng”.

 

Theo giáo viên các trường THPT, việc gộp 3 môn lại trong một bài thi với 120 câu sẽ tạo áp lực và khiến thí sinh căng thẳng, dẫn đến làm bài sẽ không hiệu quả. Bởi về nguyên tắc, các em phải chuẩn bị và làm hết cả 3 môn trong tổ hợp chọn thi. Do đó, các em phải ôn tập nhiều hơn, phải học cách làm bài thi trắc nghiệm. Để giúp học sinh chủ động với cách thi này, hiện các trường THPT trên địa bàn tỉnh đang khẩn trương lấy ý kiến lựa chọn bài thi tổ hợp của học sinh để bắt tay vào việc định hướng và ôn tập cho các em.

 

Định hướng trong việc dạy và học

 

Theo phương án của Bộ GD-ĐT, đề thi bao gồm các câu hỏi ở cấp độ cơ bản, phục vụ mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và các câu hỏi phân hóa phục vụ mục đích xét tuyển đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, vì các môn thi theo hình thức trắc nghiệm nên nếu học sinh không nắm được kiến thức bao quát thì rất khó để chọn được đáp án đúng.

 

Thầy Lê Xuân Quang, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (TP Tuy Hòa), nói: Năm học 2016-2017, trường có 524 học sinh lớp 12. Đối với các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, học sinh đã được làm quen với hình thức thi trắc nghiệm, còn các môn như Toán, Lịch sử, Địa lý… thì đây là lần đầu tiên phải thi trắc nghiệm nên không những học sinh mà cả giáo viên cũng bất ngờ. Nhà trường sẽ tiến hành lấy phiếu thăm dò đăng ký chọn môn thi của học sinh, đồng thời phải họp bàn bạc kỹ với các giáo viên để bố trí lịch học và ôn tập cho hợp lý. Trường sẽ cố gắng cho học sinh làm quen sớm với cách thi trắc nghiệm ở các môn mới áp dụng trong năm nay. “Trắc nghiệm không phải là những câu hỏi quá khó nhưng thường đưa ra những câu hỏi rộng nên học sinh phải học hết kiến thức. Vì vậy, chúng tôi rất mong Bộ GD-ĐT công bố sớm cấu trúc đề để giáo viên yên tâm hơn trong việc định hướng giúp học sinh ôn tập hiệu quả”, thầy Quang nói thêm.

 

Đối với Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, thầy Huỳnh Tân Châu, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: Nhà trường sẽ quán triệt giáo viên điều chỉnh cách dạy, cách kiểm tra, đánh giá phù hợp với phương án thi mới. Dạy đầy đủ các nội dung theo chương trình sách giáo khoa, đảm bảo được chuẩn kiến thức, kỹ năng. Đối với các môn thi trắc nghiệm, giáo viên cần phải đưa thêm các câu hỏi trắc nghiệm vào bài giảng của mình. Trong các kỳ kiểm tra giữa kỳ và cuối học kỳ, trường sẽ tổ chức cho học sinh các khối lớp thi chung đề theo hình thức trắc nghiệm. Nhà trường cũng yêu cầu mỗi giáo viên của các môn học có thi trắc nghiệm, trong mỗi học kỳ biên soạn một đề thi trắc nghiệm theo kiểu đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT, tập hợp thành một bộ đề của mỗi tổ bộ môn để các thầy cô giáo trong tổ giao lưu, học tập lẫn nhau và phổ biến đến học sinh trong trường dùng làm tài liệu tham khảo.

 

Theo Sở GD-ĐT Phú Yên, ngày 6/10, sở này sẽ tập hợp lãnh đạo các trường để triển khai định hướng công tác dạy học và ôn tập cho học sinh theo hình thức thi mới.

 

Để học sinh chọn đúng môn thi và để học sinh đáp ứng được yêu cầu đổi mới của Kỳ thi THPT quốc gia 2017, các đơn vị trực thuộc Sở GD-ĐT cần phải dạy đúng và không được cắt xén chương trình giảng dạy; đa dạng hóa các hình thức dạy học bằng cách căn cứ vào mức độ phát triển năng lực của học sinh ở từng học kỳ và từng khối lớp, đặc biệt chú ý đến học sinh lớp 12. Giáo viên và nhà trường xác định tỉ lệ các câu hỏi, bài tập theo 4 mức độ yêu cầu trong các bài kiểm tra trên nguyên tắc đảm bảo sự phù hợp với đối tượng học sinh. Mỗi trường THPT phải biên soạn, phản biện và gửi về sở 1 đề thi mẫu/môn theo định hướng của Bộ GD-ĐT để phổ biến toàn tỉnh cho giáo viên, học sinh học tập, rút kinh nghiệm trong quá trình làm quen với cách thi mới.

 

TS Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek