Thứ Bảy, 05/10/2024 00:14 SA
Dự thảo thi THPT quốc gia 2017: Lo xét tuyển đại học phức tạp
Chủ Nhật, 25/09/2016 07:32 SA

Theo dự thảo thi THPT quốc gia 2017, nhiều người lo xét tuyển đại học sẽ phức tạp với các bài thi tổ hợp - Ảnh: THÚY HẰNG

Điểm thay đổi trong Dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2017 được nhiều người đồng tình nhất đó là mỗi tỉnh, thành phố chỉ còn một cụm thi dành cho tất cả các thí sinh. Ngược lại, không ít trường ĐH, CĐ lại lo không biết sẽ xét tuyển như thế nào đối với các môn thi tổ hợp.

 

Hợp lý khi tổ chức một cụm thi

 

Theo Dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017 thì mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức một cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì dành cho tất cả các thí sinh của địa phương. Các trường ĐH, CĐ chỉ tham gia với nhiệm vụ phối hợp, hỗ trợ và giám sát công tác tổ chức thi, coi thi, chấm thi. Sự thay đổi này được nhiều nhà giáo, phụ huynh, học sinh đồng tình.

 

Thầy Hoàng Xuân Lượng, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi (huyện Đồng Xuân), bày tỏ: “Nếu Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 mỗi địa phương chỉ còn một cụm thi thì gọn nhẹ, bình đẳng, giải tỏa được sự nghi ngờ lẫn nhau là bên dễ dãi, bên nghiêm túc khi tổ chức hai cụm thi theo kiểu: cụm thi cho các thí sinh có nhu cầu sử dụng kết quả để xét tuyển ĐH (do các trường ĐH chủ trì) và cụm cho các thí sinh không có nhu cầu sử dụng kết quả thi để xét tuyển ĐH (do các sở GD-ĐT chủ trì) như các năm trước”. Đồng tình với quan điểm này, một giáo viên Trường THCS và THPT Tôn Đức Thắng (huyện Sông Hinh), nói: “Phương án mỗi tỉnh, thành chỉ có một cụm thi chắc chắn sẽ góp phần giảm thiểu chi phí xã hội, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong một kỳ thi với hai mục tiêu”.

 

Để được xét tốt nghiệp THPT, ngoài 3 môn bắt buộc, thí sinh chọn thi thêm bài thi Khoa học tự nhiên hoặc bài thi Khoa học xã hội. Nếu có nguyện vọng, thí sinh có thể thi cả 2 bài thi này để tăng cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ nhiều ngành khác nhau. Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT sẽ do sở GD-ĐT thực hiện theo phương thức tính điểm xét tốt nghiệp như sau: 50% số điểm từ 4 bài thi (đối với thí sinh phổ thông) hay từ 3 bài thi (đối với thí sinh giáo dục thường xuyên) và 50% số điểm từ điểm trung bình kết quả học tập lớp 12. Để tránh tình trạng các trường “bơm” điểm cho thí sinh từ kết quả học tập lớp 12 như nhiều người vẫn lo, thầy Lê Văn Hoàng, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Trung Kiên (huyện Đông Hòa), thẳng thắn đề xuất: “Quan điểm cá nhân tôi cho rằng, Bộ GD-ĐT nên bỏ việc kết hợp điểm trung bình kết quả học tập lớp 12 để xét tốt nghiệp THPT. Chỉ dùng kết quả từ các bài thi để xét tốt nghiệp THPT”.

 

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, mỗi tỉnh, thành phố chỉ còn một cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì - Ảnh: THÚY HẰNG

 

Lo xét tuyển đại học phức tạp

 

Mặc dù Bộ GD-ĐT khẳng định, về tổ chức tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy, nguyên tắc là tôn trọng quyền tự chủ của các trường trong khuôn khổ của quy chế tuyển sinh để đảm bảo chất lượng đầu vào, xác định chỉ tiêu hợp lý, đảm bảo quyền lợi người học và việc tuyển sinh được thực hiện công bằng, trật tự. Các trường ĐH, CĐ xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh theo quy chế và công bố công khai. Đặc biệt, các trường có thể tuyển sinh 1 hoặc 2 kỳ trong năm với 4 phương thức tuyển sinh. Thứ nhất, xét tuyển dựa vào kết quả các bài thi THPT quốc gia. Sau khi có kết quả thi, thí sinh được phép đăng ký nhiều nguyện vọng xét tuyển vào ngành/trường ĐH, CĐ và được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Thứ hai, sơ tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia hoặc dựa vào kết quả học tập ở THPT kết hợp với thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh. Với cách thức này, Bộ GD-ĐT yêu cầu đảm bảo không gây ra tình trạng luyện thi tràn lan, không gây vất vả, tốn kém cho thí sinh. Các trường phải công khai đề thi minh họa của bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt, phương thức thi (trắc nghiệm hay tự luận), cách tính điểm xét tuyển từ kết quả THPT và kết quả thi đánh giá năng lực chuyên biệt. Thứ ba, xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở THPT. Thứ tư, các trường có thể chọn một hoặc kết hợp nhiều phương thức tuyển sinh nêu trên.

 

Dưới góc nhìn của người làm công tác tuyển sinh, ThS Nguyễn Vân Trạm, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Xây dựng Miền Trung, cho biết: “Tôi rất băn khoăn về bài thi tổ hợp sẽ chấm điểm như thế nào, chấm chung hay riêng lẻ từng môn. Cách thi này sẽ kéo theo các trường ĐH xét tuyển phải thay đổi tổ hợp. Trong khi, lâu nay Bộ GD-ĐT quy định các trường thay đổi tổ hợp xét tuyển mới phải công bố ít nhất là 3 năm”. Còn em Huỳnh Mạnh Hùng, học sinh chuyên Sinh học, Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, lo lắng: “Bài thi tổ hợp bằng hình thức trắc nghiệm không biết sẽ phân bổ điểm như thế nào để xét tuyển. Nếu em thi khối B, thì phải thi Toán bắt buộc, còn môn Hóa học, Sinh học trong tổ hợp môn thi Khoa học tự nhiên sẽ lấy điểm như thế nào?”.

 

Đến thời điểm này, các trường ĐH, CĐ vẫn chưa biết Bộ GD-ĐT sẽ đưa ra phương án xét tuyển trong năm tới như thế nào cho phù hợp với cách thi mới. Qua hỏi - đáp “nóng”, Bộ GD-ĐT cho biết: Bài thi tổ hợp gồm 60 câu trắc nghiệm sẽ được chia làm 3 phần riêng biệt, mỗi môn trong tổ hợp có 20 câu hỏi. Điểm khi chấm sẽ có cả điểm tổng hợp của bài và điểm của từng môn cấu phần. Trong đó, để xét tốt nghiệp sẽ tính điểm cả bài thi tổ hợp. Còn để xét tuyển ĐH, CĐ, các trường có thể tổ hợp các điểm thành phần của từng môn cấu phần hoặc điểm của cả bài thi, kết hợp với các môn thi khác để xây dựng tổ hợp xét tuyển. Việc này sẽ do các trường ĐH, CĐ tự chủ.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek