Chủ Nhật, 06/10/2024 23:12 CH
“Tiếp lửa” cho ý tưởng khoa học kỹ thuật của học sinh
Thứ Hai, 25/07/2016 13:00 CH

Các tình nguyện viên của Fablad Sài Gòn hướng dẫn học sinh tham gia khóa học lập trình trên máy tính - Ảnh: HÀ MY

Khóa học miễn phí về khoa học công nghệ với chủ đề “48 giờ từ nhà sáng chế trở thành nhà khởi nghiệp” vừa được Fablab Sài Gòn phối hợp với Hội Tin học Phú Yên, Chi nhánh Vườn ươm tài năng của GS Ngô Bảo Châu tại Phú Yên tổ chức. Đây là hoạt động bổ ích nhằm khơi gợi, phát triển ý tưởng của học sinh, thúc đẩy phong trào sáng tạo khoa học kỹ thuật trong trường học phát triển.

 

Khơi gợi ý tưởng, tiếp thêm đam mê

 

Diễn ra trong 48 giờ tại Trường phổ thông Duy Tân (TP Tuy Hòa), khóa học “48 giờ từ nhà sáng chế trở thành nhà khởi nghiệp” đã tổ chức nhiều hoạt động thú vị và bổ ích. Không chỉ cung cấp cho học sinh cái nhìn tổng quát về nghiên cứu khoa học, tầm quan trọng của các dự án khoa học kỹ thuật, các tình nguyện viên đến từ Fablab Sài Gòn còn phân tích thực trạng các vấn đề lớn đang diễn ra trong cuộc sống để giúp các em ươm mầm ý tưởng. Sau khi trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản về kỹ năng lập trình máy tính, hướng dẫn sử dụng các loại máy móc kỹ thuật số hiện đại như: máy in 3D, máy cắt lazer, bộ dụng cụ DIY, bộ dụng cụ mạch điện Arduino… các tình nguyện viên đã chia 35 học sinh tham dự thành 11 nhóm, thực hiện ý tưởng, chế tạo ra những mô hình, dự án khoa học kỹ thuật thuộc 4 lĩnh vực: môi trường biển, du lịch biển, giáo dục, nông nghiệp. Ngày cuối cùng của khóa học, đại diện các nhóm đã thuyết trình về mô hình khoa học kỹ thuật của mình và nhận những ý kiến góp ý từ thầy giáo, các tình nguyện viên để hoàn thiện sản phẩm, hướng đến việc tham dự các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật và phục vụ cho học tập, cuộc sống…

 

Đồng hành cùng các học sinh trong suốt 48 giờ tham gia khóa học, anh Nguyễn Hải, phụ trách Fablab Sài Gòn, chia sẻ: “Nếu như trước khi đến với khóa học, các học sinh còn rụt rè, chưa dám chia sẻ, thể hiện ý tưởng khoa học kỹ thuật của mình, thì sau 48 giờ được các tình nguyện viên của Fablab Sài Gòn nhiệt tình hướng dẫn, các em đã mạnh dạn trình bày ý tưởng, có những kiến thức và kỹ năng cơ bản để thực hiện mô hình. Với việc sử dụng một số máy móc, dụng cụ công nghệ số do Fablab hỗ trợ, các em có nhiều thuận lợi trong việc thực hiện ý tưởng của mình”.

 

Là một trong 35 học sinh tiêu biểu được tuyển chọn từ hơn 100 học sinh đam mê nghiên cứu khoa học - kỹ thuật trên địa bàn tỉnh tham dự chương trình, em Trương Nghệ Nhân (học sinh lớp 11, Trường THPT Trần Quốc Tuấn, huyện Phú Hòa) chia sẻ: “Trước khi đến với khóa học, em chỉ có niềm đam mê về nghiên cứu khoa học, mà chưa có ý tưởng về dự án, mô hình khoa học kỹ thuật. Sau khi được các tình nguyện viên hướng dẫn, khơi gợi, em đã hình thành được ý tưởng và bước đầu chế tạo ra mô hình máy gieo hạt giống thông minh nhằm giúp người nông dân làm ruộng bớt vất vả. Em sẽ trau dồi thêm kiến thức để hoàn thiện sản phẩm này tham dự các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật của tỉnh”.

 

Một nhóm học sinh chế tạo mô hình “Vườn hoa thông minh” sau khi tham gia khóa học - Ảnh: HÀ MY

 

Đưa các em đến gần với con đường sáng chế

 

Fablab Sài Gòn là một cộng đồng mở của những bạn trẻ đam mê sáng tạo khoa học kỹ thuật. Năm 2014, Phan Hoàng Anh, Việt kiều Pháp cùng hai người bạn đồng sáng lập nên Fablab Sài Gòn với ý tưởng ban đầu là tạo ra một không gian dành cho những người thích tự tìm hiểu, chế tạo sản phẩm khoa học công nghệ. Sau hai năm, Fablab Sài Gòn lớn mạnh với sự tham gia của ngày càng nhiều bạn trẻ đam mê khoa học kỹ thuật, trong đó có Nguyễn Quốc Bảo, sinh viên năm 2 Trường đại học Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh, cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Tuy Hòa), từng đoạt giải ba chung cuộc và giải nhì lĩnh vực cuộc thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học khu vực phía Nam năm 2014. Nhận thấy học sinh Phú Yên rất yêu thích sáng tạo khoa học kỹ thuật, nhưng chưa có nhiều kiến thức về lĩnh vực này và còn thiếu điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị để biến ý tưởng thành hiện thực, nên Bảo “dẫn đường” đưa Fablad Sài Gòn về Phú Yên tổ chức khóa học miễn phí “48 giờ từ nhà sáng chế trở thành nhà khởi nghiệp” cho các em. Bảo bộc bạch: “Từng là một học sinh có sản phẩm tham dự các cuộc thi khoa học kỹ thuật nên em hiểu được những khó khăn mà “đàn em” đang gặp phải khi có đam mê nhưng chưa hình thành được ý tưởng hoặc có ý tưởng nhưng lại thiếu trang thiết bị để chế tạo ra sản phẩm. Vì vậy, cùng Fablad Sài Gòn tổ chức khóa học miễn phí này, em mong muốn sẽ tiếp thêm đam mê nghiên cứu khoa học, vạch ra cho các em hướng đi để biến ý tưởng thành hiện thực. Sau khóa học, các học sinh có thể vào facebook của Fablab Sài Gòn ở địa chỉ https://www.facebook.com/MobileFablabVN để trao đổi, nhờ các tình nguyện viên tư vấn, phát triển ý tưởng, hỗ trợ thực hiện sản phẩm khoa học kỹ thuật của mình”.

 

Những năm gần đây, học sinh Phú Yên đạt nhiều giải cao tại các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật khu vực phía Nam. Phong trào sáng tạo khoa học kỹ thuật trong các trường học cũng đang manh nha phát triển. Vì vậy, khóa học “48 giờ từ nhà sáng chế trở thành nhà khởi nghiệp” được tổ chức là rất cần thiết để khuấy động phong trào, khơi gợi ý tưởng và tiếp thêm đam mê cho học sinh. Thời gian tới, Chi nhánh Vườn ươm tài năng của GS Ngô Bảo Châu tại Phú Yên sẽ phối hợp với ngành Giáo dục, các cộng đồng Tin học trong nước tổ chức các hoạt động sáng tạo khoa học để tạo sân chơi, nuôi dưỡng đam mê cho học sinh Phú Yên.

 

Anh Huỳnh Kim Bằng, phụ trách Chi nhánh Vườn ươm tài năng của GS Ngô Bảo Châu tại Phú Yên

  

HÀ MY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek