Bộ GD-ĐT vừa ban hành tiêu chuẩn đánh giá trung tâm giáo dục thường xuyên. Theo đó, các trung tâm giáo dục thường xuyên được đánh giá trên năm tiêu chuẩn gồm: công tác quản lý; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học viên; cơ sở vật chất và trang thiết bị; công tác xã hội hóa giáo dục; hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục.
Học sinh học nghề nấu ăn tại Trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp tỉnh - Ảnh: T.HẰNG
Đối với tiêu chuẩn công tác quản lý, các trung tâm xây dựng chiến lược phát triển trung tâm, thực hiện công tác điều tra nhu cầu học tập của xã hội để xây dựng kế hoạch hoạt động, thực hiện công tác quản lý chuyên môn theo quy định của Bộ GD-ĐT. Quy định này còn yêu cầu, các trung tâm huy động tối đa đội ngũ giáo viên sẵn có của địa phương và những người có kinh nghiệm, tâm huyết tham gia giảng dạy các chương trình đáp ứng yêu cầu người học.
Đối với tiêu chuẩn cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học viên, quy định này yêu cầu giám đốc, phó giám đốc trung tâm phải đạt Chuẩn giám đốc trung tâm. Số lượng giáo viên cơ hữu đảm bảo để tổ chức các lớp học; số lượng giáo viên thỉnh giảng đáp ứng quy mô tổ chức các hoạt động giáo dục - đào tạo của trung tâm. Giáo viên giảng dạy các chương trình giáo dục thường xuyên để lấy văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân đạt tiêu chuẩn tương ứng với từng cấp học của giáo dục chính quy; giáo viên dạy các chương trình khác đạt tiêu chuẩn theo quy định. Học viên theo học tại trung tâm được phổ biến đầy đủ về mục tiêu, chương trình giáo dục, các yêu cầu kiểm tra đánh giá, điều kiện tốt nghiệp, nội quy, quy định của trung tâm.
Đối với tiêu chuẩn cơ sở vật chất và trang thiết bị, các trung tâm phải đảm bảo cơ sở vật chất tối thiểu đáp ứng nhiệm vụ của trung tâm. Trong đó, ngoài phòng học, trung tâm còn phải có thư viện đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu, học tập của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học viên; phòng học tin học, ngoại ngữ được nối mạng internet; phòng thí nghiệm, xưởng (phòng) thực hành có đủ thiết bị thí nghiệm tối thiểu, thiết bị dạy nghề theo yêu cầu của chương trình giáo dục.
Đối với tiêu chuẩn công tác xã hội hóa giáo dục, các trung tâm chủ động tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương để thực hiện nhiệm vụ chính trị. Phối hợp với các tổ chức đoàn thể, cá nhân ở địa phương để xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh; huy động được sự đóng góp về công sức và kinh phí từ các tổ chức và cá nhân để xây dựng cơ sở vật chất; tăng thêm phương tiện, thiết bị dạy học; khen thưởng học viên học giỏi và hỗ trợ học viên có hoàn cảnh khó khăn.
Đối với tiêu chuẩn hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục, trung tâm thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên để lấy văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân. Xây dựng và thực hiện các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn và tổ chức có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ giáo dục. Học viên học các chương trình giáo dục được cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ có khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, góp phần đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo Bộ GD-ĐT, các tiêu chuẩn này chính là căn cứ để các trung tâm giáo dục thường xuyên tự đánh giá nhằm xác định được mức độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của trung tâm giáo dục thường xuyên trong từng giai đoạn. Là cơ sở để các cơ quan quản lý xây dựng kế hoạch và đầu tư nguồn lực nhằm phát triển trung tâm, đáp ứng nhu cầu học thường xuyên, học liên tục, học suốt đời của mọi tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng xã hội học tập. Đây cũng là căn cứ để xác định nội dung đánh giá các hoạt động của trung tâm giáo dục thường xuyên như: kiểm định chất lượng; đánh giá kết quả thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; thanh tra toàn diện trung tâm.
MẠNH THÚY (tổng hợp)