Đứng trước sân trường khang trang như một công viên xanh, rợp bóng mát với các tiểu công trình sinh thái, thật khó ngờ rằng, cách đây 3 năm Trường THCS Lê Thánh Tôn (xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa) chỉ có dãy phòng học 2 tầng nằm trơ trọi dưới chân núi đèo Cả. Và điều khó có thể ngờ rằng toàn bộ kinh phí xây dựng công viên và mua sắm một số cơ sở vật chất của nhà trường đều bằng phương thức xã hội hóa giáo dục. Người có ý tưởng và công lao nhiều nhất trong việc này là thầy hiệu trưởng Cao Minh Ảnh.
Thầy Ảnh chụp hình với học sinh trên công trình cầu “Kiều” - một công trình xã hội hóa của trường - Ảnh: T.HỘI
Thầy Ảnh nói rằng những ngày đầu được điều động về làm hiệu trưởng ngôi trường này, cơ sở vật chất của trường còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Vào mùa mưa những bậc cầu thang, lối vào các phòng học bê bết bùn đất; còn mùa khô thì sân trường trơ trọi không một bóng cây.
Trăn trở về chuyện sinh hoạt của học sinh, thầy Ảnh lên quyết tâm phải kiến tạo sân trường thành một công viên xanh mát. Nhưng để đầu tư những công trình này đòi hỏi kinh phí không nhỏ, trong khi ngân sách ngành Giáo dục thì có hạn. “Cái khó ló cái khôn”, thầy Ảnh liền nghĩ đến phương thức xã hội hóa giáo dục để thực hiện ước muốn của mình.
Năm học 2008-2009, nhà trường thành lập Ban xây dựng công viên trường học, phân công cán bộ, giáo viên phụ trách công tác vận động thực hiện xã hội hóa giáo dục, nhằm thiết lập mối quan hệ thân thiện giữa nhà trường với các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp và những người có tâm huyết với giáo dục trong xã. Thông qua những cuộc họp Ban đại diện cha mẹ học sinh, ban giám hiệu nhà trường tiến hành thăm dò những “địa chỉ đỏ” trên địa bàn và tiến hành gửi thư ngỏ kêu gọi sự hỗ trợ. Thầy hiệu trưởng cũng tranh thủ những ngày nghỉ đích thân đi gõ cửa từng nhà hảo tâm, doanh nghiệp trên địa bàn xã để vận động. Ngoài ra nhân ngày truyền thống hàng năm, nhà trường mời những cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm về dự kêu gọi họ xây dựng ngôi trường đạt tiêu chí “trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Trong 3 năm thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục, Trường THCS Lê Thánh Tôn đã nhận được kinh phí ủng hộ của trên 20 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh với số tiền hỗ trợ hơn 125 triệu đồng. Số kinh phí này nhà trường đã bê tông được 850m2 sân trường, xây dựng được nhiều bồn hoa, trồng hơn 300 cây bóng mát, xây dựng được nhà xe, tường rào, tiểu công viên, hồ cá sinh thái và trang bị 30 ghế đá trong sân trường để học sinh truy bài đầu giờ. Ngoài ra, nhà trường cũng đã vận động kinh phí tặng trên 500 suất quà cho học sinh nghèo vượt khó, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng số tiền hơn 24 triệu đồng. |
Theo thầy Ảnh, việc thực hiện xã hội hóa giáo dục phải căn cứ vào tình hình, khả năng đóng góp, hỗ trợ của mọi người. Chẳng hạn, nhà trường đã vận động Ban Quản lý rừng đặc dụng Đèo Cả ủng hộ cho trường cây giống để trồng trong sân trường; Công ty TNHH Vũng Rô, Cảng vụ Quy Nhơn ủng hộ xi-măng để đổ bê tông sân trường; Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Vũng Rô giúp lực lượng để xây dựng một số công trình.
Vấn đề quan trọng nhất ở đây là phải sử dụng kinh phí xã hội hóa có hiệu quả, tránh việc lãng phí, tạo niềm tin cho người đóng góp. Để làm được điều này từng thành viên Ban giám hiệu, giáo viên, công nhân viên của trường và ban Đại diện cha mẹ học sinh là lực lượng chủ công. Ai biết việc gì thì giúp việc đó. Thầy Ảnh kể: Thời gian đầu, do nhà trường chưa có hệ thống nước, nên chưa có công trình vệ sinh. Để có nước tưới cây, hàng ngày thầy và trò đi gánh nước. Những khi nắng nóng, việc gánh nước càng thêm vất vả. Thầy Ảnh quyết định huy động tập thể giáo viên và học sinh cùng đi lắp đặt đường ống nước dẫn từ suối về trường.
Thầy Ảnh tâm sự: “Một số người thấy tôi làm việc này, họ khuyên tôi không nên dài tay, vì xây dựng cơ sở vật chất đã có Nhà nước lo. Nhưng tôi nghĩ, nếu mình có khả năng làm được thì phải làm. Tôi lấy niềm vui của học sinh làm niềm vui trong công việc của mình”.
Nhận xét về việc làm của thầy Ảnh, ông Trịnh Văn Chánh, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đông Hòa nói: “Việc làm của thầy Ảnh rất đáng được biểu dương và nhân rộng. Từ một trường yếu kém và còn nhiều khó khăn về mọi mặt, năm học 2010-2011, Trường THCS Lê Thánh Tôn vươn lên xếp vị thứ ba trong 10 trường THCS tiên tiến xuất sắc của huyện Đông Hòa. Qua đó, các đơn vi trường học khác cũng thấy được tầm quan trọng của xã hội hóa trong sự nghiệp giáo dục”.
Với đề tài sáng kiến kinh nghiệm “Một số biện pháp thực hiện tốt xã hội hóa giáo dục của Trường THCS Lê Thánh Tôn”, thầy Cao Minh Ảnh được Hội đồng xét duyệt sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh công nhận; năm 2011 thầy Ảnh đạt chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.
THANH HỘI