Hàng năm, các trường THCS, THPT đều thực hiện động tác định hướng chọn nghề cho học sinh cuối cấp. Ngoài tư vấn để các em chọn trường vừa sức, trường dễ đậu, các trường quan tâm nhiều hơn đến những em có sức học hạn chế và khuyên các em nên chọn học cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp hoặc học nghề. Cách làm này góp phần giúp người học tự lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai.
Học nghề điện ở Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa - Ảnh: T.HẰNG
CHƯA MẶN MÀ VỚI TRƯỜNG NGHỀ
Chẳng phải ngẫu nhiên mà vấn đề phân luồng học sinh được nhiều đại biểu quan tâm tại hội nghị tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp năm 2012 được Sở GD-ĐT Phú Yên tổ chức vừa qua. Nhiều đại biểu đặt câu hỏi về tỉ lệ học sinh tốt nghiệp bổ túc THPT thấp có phải là do công tác phân luồng chưa tốt? Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên Nguyễn Văn Tá cho rằng: Với việc phân luồng học sinh, ngành giáo dục đang tích cực thực hiện và đi đúng hướng. Tuy nhiên, do tâm lý của một số phụ huynh và học sinh còn ngần ngại về việc đi học nghề nên việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS vào học các trường nghề vẫn còn hạn chế.
Ý nghĩa của việc phân luồng đã quá rõ: những học sinh có đủ khả năng sẽ tiếp tục vào học lớp 10 THPT, số còn lại sẽ vào các trường trung cấp chuyên nghiệp, trường nghề hoặc học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên. Mục đích của việc phân luồng còn nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở bậc THPT. Tuynhiên, hàng năm số học sinh sau tốt nghiệp THCS vào học tại các trường nghề không nhiều. Đây là một lãng phí lớn về kinh phí, thời gian của cả gia đình và xã hội. Thạc sĩ Trần Ngọc Hiệp, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường cao đẳng Nghề Phú Yên cho biết: “Hàng năm, số lượng học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề rất ít. Nguyên nhân là người tốt nghiệp ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là đối tượng sau THCS khó tìm việc khi ra trường; các cơ sở giáo dục không mấy mặn mà khi tuyển đối tượng học tốt nghiệp bậc THCS… Chính những điều này đã làm cho công tác phân luồng học sinh sau trung học vẫn chưa hiệu quả như mong muốn”.
Để phát triển hệ thống các trường trung cấp chuyên nghiệp, đẩy mạnh việc phân luồng học sinh sau cấp trung học, vài năm gần đây, Bộ GD-ĐT đã có chính sách khuyến khích học sinh chưa tốt nghiệp THPT vào học trung cấp chuyên nghiệp. Học sinh chưa tốt nghiệp THPT khi được xét tuyển vào học trung cấp chuyên nghiệp sẽ được xét công nhận, chuyển đổi kết quả học tập, rèn luyện từ kết quả chung cả năm ở lớp 12 và được miễn trừ không phải học lại, thi lại các môn văn hóa theo yêu cầu của ngành đào tạo trung cấp chuyên nghiệp mà học sinh đang theo học với điều kiện có điểm trung bình môn đạt từ 5,0 trở lên. Sau khi tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, nếu đủ điều kiện học sinh có thể học liên thông lên CĐ, ĐH. Tuy nhiên, theo các trường chuyên nghiệp, các đối tượng này vẫn không mặn mà với việc học trung cấp chuyên nghiệp.
KHUYẾN KHÍCH NGƯỜI HỌC TỰ LỰA CHỌN
Theo thống kê của Sở GD-ĐT Phú Yên, toàn tỉnh hiện có 30 trường THCS và THPT, THPT. Trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2011, Phú Yên có 14 trường có điểm thi đại học bình quân mỗi học sinh dưới 10 điểm. Các trường này chủ yếu là trường bán công vừa được chuyển sang công lập và trường thuộc địa bàn miền núi. Điều này cho thấy việc phân luồng học sinh sau kỳ thi đại học là khá chính xác. Do đó, các trường cần có sự định hướng, tư vấn thích hợp cho học sinh của trường mình trong việc chọn trường, chọn ngành đúng với năng lực. Hiệu trưởng Trường phổ thông cấp 2-3 Tân Lập (huyện Sông Hinh) Nguyễn Đức Nam cho biết: “Để tránh tình trạng học sinh bị lãng phí thời gian, tiền bạc, những năm gần đây nhà trường luôn đặc biệt quan tâm đến việc phân luồng học sinh. Học sinh của trường đa số là người dân tộc thiểu số, năng lực học tập hạn chế nên nhà trường định hướng cho các em vào học trung cấp chuyên nghiệp hoặc học nghề. Và thực tế trong những năm qua cho thấy, có khá nhiều học sinh của trường đã chọn con đường học nghề và trung cấp chuyên nghiệp để học tập”.
Hiện nay, hình thức và phương tiện hướng nghiệp ngày càng được cải tiến về nội dung lẫn hình thức. Hàng năm, các trường THPT đều thực hiện động tác định hướng chọn nghề cho học sinh cuối cấp. Ngoài tư vấn các em chọn trường vừa sức, trường dễ đậu, các trường quan tâm nhiều hơn những em có sức học hạn chế và khuyên các em này nên chọn học cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp hoặc học nghề. Với những em này, cơ hội vào đại học vẫn rộng mở, vì sau khi tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, nếu đủ điều kiện có thể học liên thông lên cao đẳng, đại học.
THÚY HẰNG