Lựa chọn đúng trường, đúng ngành học phù hợp với năng lực, sở trường là điều vô cùng quan trọng đối với thí sinh. Chính điều này quyết định sự thắng lợi trong cuộc “đua” vào ĐH, CĐ sắp tới. Tuy nhiên, trong số hàng trăm ngành học ở cấp ĐH, CĐ, làm thế nào để thí sinh biết chọn học gì và học ở đâu?
Nhiều học sinh trên địa bàn tỉnh tham gia Chương trình tư vấn mùa thi 2012 vừa được Báo Thanh Niên tổ chức tại TP Tuy Hòa - Ảnh: T.HẰNG
CHỌN TRƯỜNG, CHỌN NGÀNH PHÙ HỢP NĂNG LỰC
Thực tế trong các mùa tuyển sinh gần đây, đề thi có vẻ “dễ thở” hơn, chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ cả nước tăng dần hằng năm, nhưng việc giành được tấm vé vào ngưỡng cửa này không hẳn dễ nếu thí sinh không có sự lựa chọn chuẩn xác. Tại chương trình tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên vừa tổ chức tại TP Tuy Hòa, các chuyên gia tư vấn cho biết, thành công trong việc chọn trường, chọn ngành, chọn nghề là con đường dẫn học sinh đến thành công trong cuộc sống. Sẽ có nhiều con đường dẫn đến mục tiêu, và không có con đường đúng chung cho tất cả mọi học sinh. Mỗi thí sinh cần phải có một con đường riêng. Trong đó, con đường đúng nhất mà các chuyên gia tư vấn nhắn gởi đến thí sinh đó là chọn trường, chọn ngành phù hợp với năng lực thật sự của bản thân.
Phó giáo sư, tiến sĩ Đặng Văn Tịnh, Trường đại học Y dược TP Hồ Chí Minh nói: “Khi chọn ngành, chọn trường các em thường có sự mâu thuẫn với cha mẹ. Nếu các em khẳng định ngành đó phù hợp với mình thì cần cố gắng chứng minh cho cha mẹ và tạo được niềm tin khi chọn ngành nghề này. Nếu chứng minh được điều này, các em sẽ không còn bị cha mẹ ép nữa”.
Có thể nói giáo dục ĐH giúp người học chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai nhưng không giới hạn ở một nghề nghiệp cụ thể nào. Bất cứ ngành học nào cũng có thể giúp người học chuẩn bị cho một số nghề nghiệp khác nhau. Chọn ngành học chính là chọn nghề nghiệp cho cả đời mình. Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam, Trường đại học Lạc Hồng chia sẻ: Trước khi chọn trường, chọn ngành, các em phải tự trả lời các câu hỏi: Học để làm gì? Ngành nghề nào mình yêu thích? Tìm hiểu môn thi, khối thi của ngành nghề đó có phải là thế mạnh của mình không? Cân nhắc học lực để chọn bậc đào tạo phù hợp. Một khi các em thông suốt các câu hỏi này thì việc chọn trường, chọn ngành sẽ chính xác hơn”.
TÌM SỰ HỖ TRỢ TỪ NHIỀU PHÍA
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, chỉ tiêu đào tạo hệ chính quy ĐH, CĐ năm 2012 phân theo nhóm ngành. Chỉ tiêu cụ thể bao gồm: kinh tế - tài chính - ngân hàng: 184.300; nhóm ngành kỹ thuật công nghệ: 172.800; sư phạm: 54.600; khoa học tự nhiên - xã hội nhân văn: 51.800; nông lâm ngư: 43.200. Như vậy, nhóm ngành kinh tế vẫn đứng đầu trong tổng chỉ tiêu.
Không ai hiểu mình bằng mình. Nhưng học sinh chưa đủ trưởng thành, chưa ý thức sâu về tầm quan trọng của việc hiểu năng lực thật sự của bản thân. Chính vì vậy, theo các chuyên gia tư vấn mùa thi sự hỗ trợ của cha mẹ, thầy cô giáo là điều tất yếu. Gia đình cần phải luôn ở bên cạnh con em mình để hỗ trợ, hướng dẫn các em hiểu sâu sắc về bản thân, để từ đó, giúp các em chọn đúng trường, đúng ngành, đúng nghề. Cha mẹ không nên áp đặt con mình chọn một trường, một ngành không phù hợp với chính bản thân các em.
Thi vào ngành nghề nào? Trường nào? Ở đâu? có thể nói là có nhiều tiêu chí lựa chọn. Theo ông Trần Đức Phúc, Phó trưởng phòng Giáo dục thường xuyên và chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Phú Yên, thực ra có nhiều ngành “cao siêu” với người này nhưng lại là “thấp siêu” với người khác. Trèo cao ngã đau là chuyện bình thường và không khuyến khích. Sau khi chọn ngành, nghề mình thích, các em nên lượng sức mình để vào những trường top vừa phải (nhiều tiêu chí để tham khảo: điểm chuẩn, chỉ tiêu tuyển, nhu cầu xã hội, việc làm sau khi ra trường, điều kiện vị trí địa lý...). Nghề nghiệp hiện nay nhiều và đa dạng. Sự lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai đối với học sinh là rất phong phú và theo hướng tự do, tự nguyện. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp học sinh… bị lệ thuộc vào quyền quyết định của người khác. Lời khuyên thì rất bổ ích, rất quan trọng nhưng cũng chỉ là sự tham khảo, bản thân các em phải tự quyết định về tương lai của mình.
Hiện nay rất nhiều thí sinh quan tâm đến điểm chuẩn của năm trước để làm cơ sở cho việc chọn ngành, trường. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tư vấn tuyển sinh, căn cứ này rất chủ quan do điểm chuẩn của các năm trước được xác định bởi nhiều yếu tố khác nhau. Hơn nữa, với cách chọn như vậy, các thí sinh đã làm mất đi một yếu tố quan trọng khi chọn ngành học đó là sở thích nghề nghiệp, bởi có yêu thích việc gì thì chúng ta mới có nỗ lực phấn đấu để đạt được điều mình mong muốn. Theo kinh nghiệm của thầy Châu Minh Quí, Trường đại học Tài chính Maketing, cùng một ngành học nhưng ở các trường khác nhau lại có mức điểm trúng tuyển khác nhau nên thí sinh có cùng một mức điểm thi nhưng có thể trượt trường này nhưng lại trúng tuyển trường khác. Đây là một điểm đáng lưu ý cho các em khi khai hồ sơ đăng ký dự thi bởi các em không nên chỉ lựa chọn ngành học mà còn phải xem xét kỹ lưỡng trường mà mình chọn thi. Thầy Quí lưu ý thêm, các thí sinh khi chọn ngành, nghề, thông tin tham khảo về tỉ lệ “chọi” (tỉ lệ thí sinh nộp hồ sơ/chỉ tiêu tuyển sinh) là cần thiết nhưng phải biết so sánh bởi không phải tỉ lệ “chọi” ở trường này cao hơn thì điểm trúng tuyển cao hơn và ngược lại. Nếu thí sinh có dự định chọn trường dựa trên yếu tố tỉ lệ “chọi” thì cũng cần tham khảo thêm chất lượng thí sinh dự thi bởi đây là yếu tố quyết định điểm chuẩn cao hay thấp. Trường nào có nhiều thí sinh giỏi dự thi trường đó sẽ có điểm xét tuyển cao. Ngược lại dù hồ sơ dự thi đông, tỉ lệ chọi cao nhưng chất lượng thí sinh thấp thì điểm tuyển sẽ không thể cao.
THÚY HẰNG