Thứ Tư, 09/10/2024 13:27 CH
Tạo thế chân kiềng nhà trường - gia đình - xã hội trong giáo dục học sinh
Thứ Tư, 22/02/2012 14:00 CH

Giáo dục đạo đức nhân cách cho thế hệ trẻ là một quá trình lâu dài liên tục, diễn ra ở nhiều môi trường khác nhau, liên quan rất nhiều đến các mối quan hệ xã hội. Vì thế, việc giáo dục nói chung và giáo dục học sinh nói riêng luôn đòi hỏi có sự phối hợp, kết hợp của nhiều lực lượng.

 

hoc-dan120222.jpg

Giáo dục hình thành nhân cách học sinh ngay từ bậc học đầu tiên - Ảnh: T.HẰNG

KẾT HỢP BA BÊN

 

Trong việc tổ chức kết hợp các lực lượng giáo dục, gia đình có vai trò và tác động vô cùng quan trọng, là trọng tâm của các hoạt động kết hợp. Ảnh hưởng giáo dục của gia đình đến với trẻ sớm nhất. Giáo dục con cái trong gia đình không phải chỉ là việc riêng tư của cha mẹ, mà còn là trách nhiệm. Tùy vào điều kiện kinh tế, đời sống của mỗi gia đình mà việc giáo dục trong các giai đoạn phát triển của trẻ có nội dung, hình thức, nhiệm vụ khác nhau. Ngay từ lứa tuổi mầm non, cha mẹ cần phối hợp với nhà trường quan tâm đến chế độ ăn uống, chế độ sinh hoạt, việc rèn luyện các giác quan, phát triển ngôn ngữ, dạy trẻ cách ứng xử đúng đắn, giáo dục lòng thương yêu đối với sự vật và con người xung quanh mình. Khi các em vào các bậc học cao hơn, công việc học tập trở thành nhiệm vụ chủ yếu. Vì vậy các bậc cha mẹ phải quan tâm tạo điều kiện thuận lợi như giúp các em rèn luyện các nề nếp thói quen học tập, vệ sinh, mua sắm đồ dùng học tập đầy đủ…

 

Để việc giáo dục gia đình có hiệu quả tốt, các bậc cha mẹ cần quan tâm xây dựng một gia đình đầy đủ toàn vẹn, trong đó mọi thành viên có nghĩa vụ và trách nhiệm với nhau. Xây dựng một phong cách sinh hoạt có nền nếp, phù hợp nhu cầu hứng thú nhằm phát huy những mặt tích cực của trẻ. Đặc biệt cha mẹ, người lớn phải giữ uy tín vai trò gương mẫu của mình trong gia đình và ngoài xã hội. Thường xuyên liên hệ chặt chẽ với nhà trường, đoàn thể để nắm được mục đích giáo dục, có sự phối hợp chặt chẽ. Cụ thể, các bậc cha mẹ nên tham gia tích cực vào Hội cha mẹ học sinh của trường, quan tâm giúp đỡ nhà trường xây dựng cơ sở vật chất, các phương tiện dạy học để nhà trường có điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục. Những cuộc họp do nhà trường tổ chức, các bậc phụ huynh cần đi đầy đủ để nắm được yêu cầu giáo dục của nhà trường mà có sự kết hợp. Gia đình cần xây dựng truyền thống “tôn sư trọng đạo”, bảo vệ uy tín thầy cô giáo, tránh các hành vi coi thường thầy cô giáo trước mặt con cái…

 

Trong thực tế cuộc sống, bên cạnh các mặt tác động, các ảnh hưởng tích cực luôn hàm chứa các yếu tố ngẫu nhiên làm trẻ dễ bắt chước theo, vi phạm các chuẩn mực, tác động tiêu cực đến sự phát triển nhân cách của trẻ. Do đó, nếu thiếu sự phối hợp đúng đắn, thậm chí có sự đối nghịch giữa nhà trường và xã hội hoặc gia đình thì hậu quả xấu trong giáo dục sẽ xuất hiện, nếu không kịp thời khắc phục hậu quả sẽ rất tai hại.

 

PHÁT HUY VAI TRÒ TRUNG TÂM CỦA NHÀ TRƯỜNG

 

Yêu cầu cấp bách trong đào tạo nguồn nhân lực hiện nay đó là nâng cao chất lượng người lao động. Để hình thành được nguồn nhân lực chất lượng cao rất cần có sự kết hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa ba môi trường giáo dục: gia đình - nhà trường - xã hội. Muốn tạo ra mối liên kết chặt chẽ đó, nhà trường cần phải phát huy vai trò trung tâm. Nhà trường là một tổ chức chuyên biệt đối với công tác giáo dục, luôn luôn có đội ngũ thầy cô giáo – những chuyên gia sư phạm có trình độ, năng lực, đạo đức… được đào tạo có hệ thống và được tuyển chọn kỹ càng. Để thống nhất và tập hợp được sức mạnh của toàn xã hội trong việc giáo dục học sinh, nhà trường một mặt phải làm tốt việc giảng dạy giáo dục của toàn thể cán bộ giáo viên trong nhà trường. Mặt khác, phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, với các tổ chức xã hội hướng vào một số công việc cụ thể như: đưa nội dung, mục tiêu giáo dục trong nhà trường vào tổ chức xã hội trong địa phương như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh,… nhằm thống nhất định hướng tác động đối với quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Phát huy vai trò nhà trường là trung tâm văn hóa giáo dục của địa phương, tổ chức phổ biến các tri thức khoa học kỹ thuật, văn hóa xã hội… đặc biệt là những biện pháp giáo dục học sinh trong điều kiện xã hội phát triển theo cơ chế thị trường đang rất phức tạp cho các bậc cha mẹ, giúp họ hiểu được đặc điểm trong đời sống, tâm sinh lý của trẻ hiện nay. Phối hợp với địa phương tổ chức cho học sinh tham gia tích cực vào các hoạt động văn hóa - xã hội như; đề xuất các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả và sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường – gia đình – xã hội.

 

Toàn bộ công tác giáo dục học sinh được xem xét và thực hiện như một bộ phận của quá trình xã hội tổng thể. Trong đó, mỗi bộ phận đều phải thực hiện tốt các chức năng giáo dục phù hợp với vai trò sở trường của mình. Và tất nhiên dù kết hợp với hình thức nào vẫn phải nhằm thực hiện tốt mục tiêu giáo dục, xem việc phục vụ cho các hoạt động giáo dục là trọng tâm, không sa vào hình thức, chạy theo phong trào.

 

Tóm lại, việc phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội đối với việc giáo dục học sinh đã trở thành nguyên tắc cơ bản của nền giáo dục Việt Nam. Sự phối hợp chặt chẽ ba môi trường giáo dục trên, trước là để đảm bảo sự thống nhất trong nhận thức cũng như hoạt động giáo dục cùng một hướng, một mục đích, đồng tâm tạo sức mạnh kích thích, thúc đẩy quá trình phát triển nhân cách của trẻ, tránh sự tách rời, mâu thuẫn, vô hiệu hóa lẫn nhau gây cho các em tâm trạng nghi ngờ, hoang mang, dao động trong việc lựa chọn, định hướng các giá trị tốt đẹp của nhân cách. Sự phối hợp gia đình - nhà trường - xã hội có thể diễn ra dưới nhiều hình thức. Vấn đề cơ bản hàng đầu là tất cả các lực lượng giáo dục phải phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động tạo ra những mối quan hệ phối hợp vì mục tiêu giáo dục đào tạo thế hệ trẻ thành những người công dân hữu ích cho đất nước.

 

TRẦN NGỌC PHƯƠNG THẢO

Sở GD-ĐT Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek