Với những khoảng trống về cách ứng xử, kỹ năng thực hành xã hội nơi học sinh, việc dạy kỹ năng sống đã và đang trở thành một yêu cầu bức thiết trong trường học. Năm học 2011-2012, ngành giáo dục triển khai đại trà chương trình giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường. Tuy nhiên, thực hiện làm sao cho hiệu quả là không dễ dàng.
Học sinh Trường tiểu học Kim Đồng (TP Tuy Hòa) rửa tay bằng xà phòng - Ảnh: M.THÚY
THIẾU KỸ NĂNG, NẶNG HÌNH THỨC
Hiện nay, việc dạy kỹ năng sống cho học sinh chưa có một bộ giáo trình chính thống từ Bộ GD-ĐT. Cách phổ biến nhất được các trường áp dụng là lồng ghép giáo dục kỹ năng sống cho học sinh vào các môn học của chương trình.
Theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT Phú Yên, đối với cấp tiểu học, chương trình giáo dục kỹ năng sống được tích hợp trong các môn học ở 3 mức độ: toàn phần (khi mục tiêu, nội dung của bài học phù hợp hoàn toàn với mục tiêu, nội dung của giáo dục kỹ năng sống); bộ phận (khi chỉ có một bộ phận bài học có mục tiêu, nội dung phù hợp với giáo dục kỹ năng sống); liên hệ (khi mục tiêu, nội dung của bài có điều kiện liên hệ một cách phù hợp với nội dung giáo dục kỹ năng sống). Sở GD-ĐT Phú Yên còn đề nghị giáo viên chỉ đưa vào giáo dục những kỹ năng sống mà đối tượng học sinh của lớp mình hiểu và tiếp thu được. Các trường đưa giáo dục kỹ năng sống trở thành một nội dung của hoạt động ngoài giờ lên lớp, lồng ghép vào các hoạt động văn nghệ, câu lạc bộ, sinh hoạt tập thể..., đồng thời xem đây là một nội dung trong phong trào thi đua Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực trong các trường phổ thông giai đoạn 2008-2013. Đối với bậc THCS, THPT, tùy từng trường mà cách lồng ghép khác nhau, nhằm giúp học sinh tiếp thu kiến thức tốt hơn. Tuy nhiên, theo các trường, khó khẳng định hiệu quả, vì thời gian dành cho giáo dục kỹ năng sống không nhiều.
Với môn học kỹ năng sống, đội ngũ giáo viên đóng vai trò rất quan trọng trong việc hoàn thành sứ mạng lồng ghép nội dung giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Tuy nhiên, ở khối tiểu học và THCS, nhiệm vụ dạy môn này chủ yếu được giao thẳng cho giáo viên chủ nhiệm. Việc nhiều người chưa được trang bị kiến thức, phương pháp giáo dục để dạy cũng khiến họ rụt rè thực hiện. Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Đồng (TP Tuy Hòa) Đào Thị Túc Phúc cho biết: “Dạy kỹ năng hay, để các em nhỏ tiếp thu tốt là không đơn giản. Việc lồng ghép kiến thức kỹ năng sống vào các môn học phải nhẹ nhàng, thú vị để các em thích thú. Tuy nhiên, không phải giáo viên nào cũng thật sự vững về điều này. Nếu người giáo viên có kỹ năng, sự nhanh nhạy cùng vốn sống tích lũy được, tiết dạy lồng ghép ấy sẽ có hiệu quả rất cao”.
Theo nhiều giáo viên, để giảng dạy kỹ năng sống cho học sinh không hề dễ dàng chút nào.
Bởi nếu lồng ghép vào các môn học theo như chương trình chuẩn của Bộ GD-ĐT, với thời lượng bị giới hạn, người thầy chỉ có thể giảng dạy nặng về lý thuyết . Trong khi đó, môn học này đòi hỏi học sinh phải tham gia với vai trò chủ động. Do đó, khó có thể đánh giá được môn kỹ năng sống tại các trường có thật sự hiệu quả hay không. Và từ việc không có giáo trình, không biết lồng ghép như thế nào mà nhiều giáo viên, nhiều trường chọn giải pháp ra nhà sách kiếm giáo trình bằng cách mua sách. Tuy nhiên, việc chọn một quyển sách hay để thực hiện lồng ghép, giảng dạy lại không đơn giản giữa bức tranh “loạn” sách tham khảo như hiện nay. Cô Trương Thị Dân, Trường THCS Phạm Đình Quy (huyện Tây Hòa) chia sẻ: “Do chưa có bộ giáo trình thống nhất nên đến giờ việc dạy kỹ năng sống được nhà trường kết hợp giáo dục ngay trong các giờ chào cờ đầu tuần hay các buổi sinh hoạt để lồng ghép, kể những câu chuyện hay, những hình ảnh đẹp từ đời thường cho học sinh…”.
CẦN CÓ NHỮNG BIỆN PHÁP GIÁO DỤC PHÙ HỢP
Đưa nội dung giáo dục kỹ năng sống vào chương trình học chính khóa trong các trường phổ thông, từ bậc tiểu học đến THPT là một chủ trương cần thiết và đúng đắn, đáp ứng được nguyện vọng của các phụ huynh. Tuy nhiên, giáo dục kỹ năng sống để đạt hiệu quả đòi hỏi nhiều yếu tố chứ không phải chỉ từ các bài giảng. Theo các trường, việc lồng ghép kỹ năng sống là việc các trường bắt buộc phải làm. Tuy nhiên, thực hiện ra sao, lồng ghép như thế nào, dựa vào bộ giáo trình và khung chuẩn nào để đánh giá hiệu quả giảng dạy thì chưa có. Vì thế, nói là chúng ta đang tích cực triển khai dạy kỹ năng sống cho học sinh nhưng kỳ thực, tính hình thức của nó vẫn khá nặng nề.
Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên Nguyễn Văn Tá thẳng thắn nhìn nhận: Hiện nay, việc triển khai các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh như thế nào cho hiệu quả là vấn đề trăn trở của những người làm công tác giáo dục. Tùy theo hoàn cảnh thực tế của từng địa phương, từng trường mà triển khai như thế nào cho thật hiệu quả. Như học sinh ở thành phố dễ dính vào những tệ nạn xã hội, trò chơi điện tử bạo lực. Còn ở nông thôn, tình trạng ngại ngùng, thiếu hiểu biết, ngại nói lên ý kiến của mình, rụt rè không dám phát biểu, vô hình trung gây ra thiệt hại cho các em. Bởi vậy, tùy theo từng trường hợp mà có những biện pháp giáo dục phù hợp. Nhà trường cần phải rà soát lại thực trạng của trường mình. Trường còn yếu, hạn chế gì, làm được gì trong việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Sau đó các trường nên xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai tốt nội dung này. Các trường cũng cần phải xây dựng được quy ước ứng xử văn hóa. Muốn trò tốt thì giáo viên phải tốt. Ngoài ra, việc đẩy mạnh phong trào thi đua Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực cũng là giải pháp góp phần trang bị thêm nhiều kiến thức kỹ năng sống cho học sinh. Tóm lại, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh phải từ những việc cụ thể...
THÚY HẰNG