Thứ Năm, 10/10/2024 13:22 CH
Nâng chất đào tạo giáo viên
Chủ Nhật, 18/12/2011 09:00 SA

Bộ GD-ĐT vừa triển khai thực hiện Chương trình phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm (2011-2020) nhằm nâng cao năng lực của cả hệ thống các trường sư phạm. Đây là cơ hội để hệ thống các trường, khoa sư phạm nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhiệm vụ “xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng”.

 

sinh-vien-su-pham-111218.jpg

Sinh viên Trường đại học Phú Yên trong giờ học tập giảng - Ảnh: M.THÚY

NÂNG CAO NĂNG LỰC CÁC TRƯỜNG SƯ PHẠM

 

Ngành sư phạm được thành lập theo Sắc lệnh số 194 ngày 8/10/1946 của Chủ tịch nước. Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, ngành sư phạm và hệ thống các trường sư phạm đã không ngừng phấn đấu, vượt qua khó khăn, thi đua dạy tốt, học tốt. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, nét nổi bật nhất của các trường sư phạm trong thời gian qua là đã đào tạo cho đất nước một đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đông đảo gồm hơn 2 triệu người. Đội ngũ này cơ bản đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu cơ bản, các trường sư phạm vẫn còn một số yếu kém, bất cập trong việc xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển trường; trong xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên, tổ chức thực hiện các hoạt động nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế. Đặc biệt, các trường sư phạm còn chưa chú trọng đúng mức việc rèn luyện lý tưởng, phẩm chất đạo đức của sinh viên và việc đào tạo nghiệp vụ sư phạm; nội dung đào tạo sư phạm chưa đáp ứng yêu cầu của giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non; chậm đổi mới phương pháp đào tạo và kiểm tra đánh giá kết quả học tập của sinh viên; kết quả nghiên cứu khoa học giáo dục còn hạn chế.

 

Trước những thực trạng nêu trên, Bộ GD-ĐT vừa triển khai thực hiện Chương trình phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm (2011-2020) nhằm nâng cao năng lực của cả hệ thống các trường sư phạm. Tiến sĩ Nguyễn Huy Vị, Phó hiệu trưởng Trường đại học Phú Yên cho biết, nội dung của chương trình phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm (2011-2020) thể hiện ở 7 đề án. Thứ nhất, củng cố mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên; tăng cường cơ sở vật chất của các trường sư phạm. Thứ hai, phát triển đội ngũ giảng viên các trường, khoa sư phạm. Thứ ba, đổi mới công tác quản lý và điều hành các cơ sở đào tạo giáo viên. Thứ tư, nâng cao vai trò của các trường sư phạm trong công tác phát triển đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên. Thứ năm, tăng cường vai trò của các trường sư phạm trong công tác bồi dưỡng hiệu trưởng trường mầm non, phổ thông và giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên và công chức sở, phòng giáo dục và đào tạo (gọi chung là cán bộ quản lý giáo dục). Thứ sáu, nâng cao chất lượng hoạt động khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế của các trường sư phạm. Thứ bảy, kiểm định chất lượng các trường sư phạm.

 

Theo thống kê về nhu cầu giáo viên của ngành GD-ĐT Phú Yên giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020: trong giai đoạn 2011-2015, nhu cầu giáo viên của ngành GD-ĐT tỉnh là 1.695 giáo viên (trong đó, mầm non: 454 giáo viên, tiểu học: 650 giáo viên, THCS: 377 giáo viên, THPT: 214 giáo viên). Giai đoạn 2016-2020, quy hoạch quy mô về số lượng giáo viên các bậc học sẽ đào tạo đáp ứng nhu cầu giáo dục của Phú Yên và góp phần phát triển nguồn nhân lực giáo viên của khu vực miền Trung - Tây Nguyên là 3.700 giáo viên (mầm non: 650 giáo viên, tiểu học: 700 giáo viên, THCS: 950 giáo viên, THPT: 1.400 giáo viên.

Theo tiến sĩ Nguyễn Huy Vị, trong 7 đề án này, đề án thứ hai về phát triển đội ngũ giảng viên các trường, khoa sư phạm có vai trò rất quan trọng. Đó là đến năm 2015, 100% giảng viên đại học sư phạm đạt trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó ít nhất 20% đạt trình độ tiến sĩ; năm 2020, ít nhất có 45% giảng viên đại học sư phạm đạt trình độ tiến sĩ. Đến năm 2015, 50% giảng viên cao đẳng sư phạm đạt trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó ít nhất 5% đạt trình độ tiến sĩ; đến năm 2020, ít nhất 80% đạt trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó ít nhất 25% trình độ tiến sĩ. Đủ số lượng, cơ cấu giảng viên tại các trường, khoa sư phạm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tỉ lệ sinh viên/giảng viên các trường đại học, cao đẳng sư phạm không quá 20/1 vào năm 2020. Một khi đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng sẽ góp phần không nhỏ trong việc nâng cao năng lực các trường sư phạm.

 

ĐÁP ỨNG YÊU CẦU ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN

 

Xây dựng các trường sư phạm, khoa sư phạm đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa, bồi dưỡng trên chuẩn và bồi dưỡng thường xuyên giáo viên các cấp để đến năm 2020, cơ bản giáo viên mầm non, tiểu học có trình độ cao đẳng trở lên; giáo viên THCS, THPT có trình độ đại học, trong đó ít nhất 30% giáo viên THPT có trình độ thạc sĩ trở lên, 100% hiệu trưởng các trường mầm non, phổ thông, giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên được bồi dưỡng nghiệp vụ theo chương trình của Bộ GD-ĐT cũng là mục tiêu mà Chương trình phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm (2011-2020) đặt ra.

 

Trường đại học Phú Yên được nâng cấp từ Trường cao đẳng sư phạm Phú Yên nên có nhiều thuận lợi trong triển khai thực hiện Chương trình phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm (2011-2020) của Bộ GD-ĐT. Tiến sĩ Nguyễn Huy Vị cho biết, đối với Trường đại học Phú Yên, để phát triển đào tạo giáo viên trong giai đoạn 2011-2020, Trường đại học Phú Yên tập trung vào các giải pháp lớn, như tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu nhân lực giáo viên các bậc học mầm non, phổ thông của tỉnh Phú Yên và khu vực miền Trung - Tây Nguyên; xây dựng khu nhà học theo dự án xây dựng của Trường đại học Phú Yên, đồng thời nâng cấp và trang bị mới theo hướng đồng bộ, hiện đại các phòng thí nghiệm Vật lý, Hóa học, Sinh học, Điện - Điện tử, Tin học, phòng học tiếng nước ngoài, vườn thực hành địa lý, thư viện điện tử hiện đại; xây dựng mạng lưới trường thực hành sư phạm cho việc đào tạo giáo viên; đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy của giảng viên sư phạm theo hướng tích cực, lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, nâng cao tần suất và trình độ sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học.

 

Trường đại học Phú Yên sẽ tiếp tục phát triển chương trình và mở đầy đủ các mã ngành đào tạo đại học sư phạm truyền thống mà trường chưa có mã ngành (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Kỹ thuật, Quản lý giáo dục). Tiếp tục mở rộng không gian đào tạo, bồi dưỡng giáo viên ra các tỉnh ngoài Phú Yên.

  

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek