Thứ Năm, 10/10/2024 17:28 CH
Hội Chữ Thập đỏ trong trường THPT:
Giáo dục, hình thành kỹ năng sống, giá trị sống cho học sinh
Thứ Ba, 13/12/2011 13:00 CH

Những năm qua, trên bình diện chung của cả tỉnh, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Phú Yên đã từng bước tạo lập vị thế của mình ở khắp các địa bàn dân cư. Hình ảnh CTĐ đã trở nên thân thuộc, gần gũi với mọi người khi ở đâu đó có những tổn thất cần được bù đắp, những đau thương cần được chia sẻ, những mảnh đời bất hạnh cần được nâng đỡ để vượt lên số phận. Và cũng trên khắp địa bàn tỉnh Phú Yên, ngày càng nhiều trường học có tổ chức CTĐ. So với các đoàn thể chính trị trong trường học (Công đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh), tổ chức Hội CTĐ còn khá mới mẻ, việc tìm kiếm những mô hình hoạt động cho hội vẫn còn lúng túng. Tuy vậy, học sinh - đặc biệt là học sinh THPT - luôn là một lực lượng có nhiều tiềm năng để hội tập hợp, đưa các em vào những hoạt động xã hội nhân đạo, hướng đến một lẽ sống vì mọi người.

th111213.jpg

Học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh quyên góp ủng hộ nhân dân Nhật Bản - Ảnh: C.T.V

Mấy năm trở lại đây, trên diễn đàn GD-ĐT, trong cả đời sống xã hội, các cụm từ “kỹ năng sống”, “giá trị sống” được nhiều người nhắc đến. Trong nhiều kỹ năng sống, ở đây chỉ đề cập đến kỹ năng sống biết sẻ chia, hợp tác trong thế giới ngày nay. Chúng ta đang sống trong một thế giới có nhiều mâu thuẫn, biến động. Biến đổi khí hậu toàn cầu với nhiều hệ lụy của nó là những thử thách mà con người đang đối mặt. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội CTĐ là hoạt động xã hội, ứng phó, phòng ngừa thảm họa, cứu trợ khẩn cấp đồng bào bị thiên tai. Nếu tổ chức hội trong trường học biết cách tổ chức cho học sinh tham gia vào các hoạt động này, chúng ta sẽ đạt được nhiều mục đích: góp “một miếng khi đói”, góp một hình thức cho giáo dục lòng nhân ái, giáo dục kỹ năng sống biết sẻ chia, góp một viên gạch hồng cho ngôi nhà chung của thế giới thân thiện. Nói “biết cách tổ chức” là nhấn mạnh đến sự đổi mới trong cách làm, sáng tạo những hình thức hoạt động phong trào CTĐ phù hợp với tâm lý học sinh. Vẫn còn đó những hoạt động phong trào mang tính hành chính, những cuộc vận động chỉ quan tâm đến kết quả cụ thể (bao nhiêu tiền, bao nhiêu vật chất được huy động…). Thực tế hoạt động của phong trào CTĐ trong trường học cũng đã chứng minh một điều: Ở đâu hoạt động nhân đạo cứu trợ của hội có sự lồng ghép khéo léo với tuyên truyền, giáo dục; với những hoạt động văn hóa - văn nghệ, thì ở đó phong trào tạo ra được những hiệu ứng tích cực. Tham gia vào phong trào cứu trợ nhân đạo, học sinh của chúng ta nhận ra rằng mình không chỉ “cho” mà còn được “nhận”. Đã có những học sinh khi phát hiện địa chỉ nhân đạo, các em rủ nhau đi vận động bạn bè, người thân tìm đến để chia sẻ và giúp đỡ. Vậy là học sinh của chúng ta đã giàu thêm trong tình cảm và lớn lên về nhân cách - các em đã có được những điều kiện cơ bản, những kỹ năng cần thiết để hoạt động nhân đạo.

Khi tổ chức cho học sinh tham gia vào những hoạt động của CTĐ, chúng ta không chỉ giúp các em tự hình thành những kỹ năng sống, mà còn giúp các em nhận thức những giá trị cuộc sống, hiểu được đâu là điều quý giá, quan trọng, ý nghĩa nhất trong cuộc sống của bản thân và cộng đồng. Kinh tế thị trường đang có những “tác dụng phụ” đáng quan ngại , nó làm lệch lạc việc nhận thức những chân giá trị, con người dễ mắc bệnh “xơ cứng trái tim”. Khi trái tim vô cảm, trống rỗng, con người sẽ mất phương hướng và dễ sai lầm khi tìm kiếm những giá trị. “Luật của cuộc sống ở trong sự tử tế của tâm hồn chúng ta. Nếu con tim của chúng ta trống rỗng thì không có luật nào, tổ chức nào có thể lấp đầy” (Lep Tonstoy). Và nếu được trải nghiệm trong những hoạt động nhân đạo của Hội CTĐ, học sinh có khả năng tự điều chỉnh, tránh được bệnh vô cảm trong cuộc sống. Cuộc sống muôn màu, luôn tồn tại những đối cực: hạnh phúc và khổ đau, nụ cười và tiếng khóc. Do tính chất đặc thù của tổ chức, Hội CTĐ hướng đến cực thứ hai của cuộc đời, nơi có những mảnh đời bất hạnh, những con người dễ bị tổn thương. Hội sẽ có chỗ đứng vững chắc trong tâm hồn của học sinh khi chúng ta cùng các em bắt được nhịp cầu giữa hạnh phúc và khổ đau, giữa may mắn và rủi ro, giữa chốn giàu sang và nơi nghèo khổ. Khi đó, trái tim các em ấm lên niềm vui vì hạnh phúc được sẻ chia, mà hạnh phúc chân chính cũng là giá trị của cuộc sống mà mỗi chúng ta luôn kiếm tìm. Chúng ta tin vào khả năng to lớn này của Hội CTĐ như tin vào những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống.

 

HOÀNG CẢNH

Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek