Thứ Sáu, 11/10/2024 07:27 SA
Dạy nghề phổ thông:
Tăng số lượng, chưa tăng chất lượng
Thứ Tư, 16/11/2011 18:00 CH

Dạy nghề phổ thông đối với học sinh lớp 11 được Bộ GD-ĐT triển khai từ năm học 2007-2008, song đến nay, cho dù số lượng học sinh học nghề tăng nhanh hằng năm nhưng chất lượng vẫn là điều cả thầy, trò và các bậc phụ huynh còn trăn trở.

nghe-tin-hoc111116.jpg

Học sinh Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Tuy Hòa) học Tin học văn phòng tại Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp Phú Yên - Ảnh: M.THÚY

“PHAO CỨU SINH” ĐIỂM TỐT NGHIỆP

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, học sinh lớp 11 học nghề trong chương trình chính khóa với thời lượng 3 tiết/tuần (105 tiết/năm). Có 11 nghề cho học sinh chọn học (mỗi học sinh chọn một nghề) gồm: nấu ăn, cắt may, thêu, nuôi cá, làm vườn, điện dân dụng, điện tử dân dụng, sửa chữa xe máy, gò, trồng rừng, tin học văn phòng. Chương trình học nghề được giao cho các trường tự dạy, môn nào thiếu giáo viên, các trường có thể thỉnh giảng giáo viên từ các Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp. Học sinh có chứng chỉ nghề phổ thông được cộng điểm khuyến khích trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Chính điều này đãdẫn đến tình trạng học sinh tham gia chương trình học nghề chỉ để lấy điểm cộng thêm vào điểm thi tốt nghiệp THPT.

Tại hội nghị triển khai công tác nghề phổ thông năm học 2011-2012 vừa được Sở GD-ĐT Phú Yên tổ chức, đại diện các trường THCS và THPT, THPT trên địa bàn tỉnh cho biết, 100% học sinh lớp 11 được học nghề. Loại hình nghề cũng đa dạng, không tập trung nhiều vào một số nghề như các năm học trước. Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ Đoàn Hữu Phước cho biết: “Năm học 2011-2012, Trường THPT Nguyễn Huệ phối hợp với Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp tỉnh tổ chức 18 lớp dạy nghề với 560 học sinh, gồm các nghề: tin học văn phòng, điện dân dụng, điện tử, nấu ăn, làm bánh, cắt may, thú y, thiết kế thời trang. Năm học này, các nghề học sinh chọn học phong phú hơn so với các năm học trước”.

Đối với các trường thuộc khu vực thành thị, việc chọn nghề của học sinh tương đối thuận lợi vì có thể phối hợp với các Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp. Còn các trường thuộc vùng sâu, vùng xa việc chọn nghề của học sinh còn hạn chế, chủ yếu chỉ học một số nghề như điện dân dụng, nấu ăn do giáo viên tại trường đảm nhận việc giảng dạy. Tuy nhiên, hiện nay, việc bố trí giáo viên chuyên trách dạy nghề trong các trường phổ thông gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết, các giáo viên bộ môn Vật lý, Kỹ thuật, Sinh học, Công nghệ thường được trường phân công “kiêm” luôn việc dạy nghề nên chất lượng giảng dạy còn mang nặng tính lý thuyết.

Dù chất lượng dạy nghề còn nhiều hạn chế, song 100% học sinh lớp 11 đều tham gia học nghề. Một học sinh Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Tuy Hòa) thổ lộ: “Học nghề để có giấy chứng nhận nghề phổ thông là tụi em được cộng điểm khuyến khích vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây thực sự là “phao cứu sinh”, giúp tụi em vượt qua kỳ thi cuối cấp”. Các trường động viên học sinh học nghề phổ thông cũng không ngoài mục đích là sẽ có thêm nhiều học sinh tốt nghiệp nhờ vào việc cộng điểm khuyến khích do có chứng chỉ nghề phổ thông, và nhờ vậy, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp cũng cao hơn.

SIẾT CHẶT HỌC VÀ THI NGHỀ PHỔ THÔNG

Đa số học sinh và phụ huynh quan niệm học nghề phổ thông trong nhà trường chỉ để được cộng điểm thi tốt nghiệp. Do vậy số học sinh dùng chứng chỉ học nghề để nâng bậc trong khóa học nghề tiếp theo rất ít. Đây là thực trạng đáng buồn với dạy nghề, hướng nghiệp. Nhiều ý kiến tại hội nghị triển khai công tác nghề phổ thông vừa được Sở GD-ĐT Phú Yên tổ chức, cho rằng: Hiệu quả dạy nghề còn quá thấp chỉ vì chương trình không được đổi mới, phù hợp các đối tượng học sinh từng khu vực. Bên cạnh đó, hướng nghiệp cho học sinh các bậc học rất cần thì lại chưa được đầu tư thỏa đáng.

Theo nhiều thầy, cô giáo, các bậc phụ huynh và học sinh, đã học nghề thì phải đến trung tâm, đội ngũ giáo viên chuyên trách, học đi đôi với hành, với thiết bị đầy đủ. Thực hiện cuộc vận động “Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục, không để học sinh không đạt chuẩn lên lớp và không vi phạm đạo đức người giáo viên” rõ ràng ngành GD-ĐT cần phải xem lại có nên để giáo viên không chuyên trách dạy nghề? Có nên bỏ cộng điểm học nghề vào kết quả tốt nghiệp THPT? Đồng thời, phải đổi mới công tác dạy nghề hướng nghiệp trong trường phổ thông cho phù hợp xu thế chung cả về nội dung giáo trình và cách thức tổ chức. Chủ trương cho học nghề phổ thông và thi lấy chứng chỉ, cũng như chính sách cho cộng điểm khuyến khích, chỉ đạt được mục tiêu đúng ý nghĩa khi nội dung học nghề thiết thực, phù hợp với đối tượng học sinh trên từng địa bàn cũng như việc tổ chức dạy nghề bảo đảm chất lượng và tổ chức thi nghiêm túc.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên Ngô Ngọc Thư cho biết, trong năm học này, Sở GD-ĐT Phú Yên sẽ đẩy mạnh việc dạy học và tổ chức thi lấy chứng chỉ nghề phổ thông theo hướng ngày càng nghiêm túc, thực chất. Vì vậy, việc dạy học nghề phổ thông ở các trường, các Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp phải thực hiện đầy đủ, đúng quy định. Tỉ lệ học sinh lớp 11 lấy được chứng chỉ nghề phổ thông sẽ là một tiêu chí thi đua quan trọng của các trường THPT trong năm học 2011-2012.

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek