Thứ Sáu, 11/10/2024 09:18 SA
“Xây nhà” cho trẻ khuyết tật
Chủ Nhật, 13/11/2011 11:00 SA

Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật là hình thức đưa trẻ khuyết tật về các cơ sở giáo dục nơi trẻ cư trú. Trẻ khuyết tật được hòa nhập, tạo điều kiện và đối xử công bằng như những trẻ bình thường khác. Đây là hình thức giáo dục ưu việt đã được khẳng định ở các nước phát triển. Tỉnh Phú Yên đang nỗ lực vận dụng hình thức giáo dục này đối với trẻ khuyết tật.

khuyet-tat111113.jpg

Cô giáo Huỳnh Thị Xuân Mai tập viết cho học sinh lớp dự bị A, Trường Niềm Vui (TP Tuy Hòa) - Ảnh: M.THÚY

MÔ HÌNH CẦN THIẾT

Sở GD-ĐT Phú Yên và Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam vừa tổ chức hội thảo thành lập Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập (HTPTGDHN) tỉnh Phú Yên với sự tham dự của các chuyên gia như tiến sĩ Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Phó trưởng ban chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt (Bộ GD-ĐT); Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Văn Tạc, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giáo dục đặc biệt Viện Khoa học giáo dục Việt Nam; thạc sĩ Phạm Dũng, cố vấn Chương trình phục hồi chức năng và giáo dục hòa nhập của Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam.

Tại hội thảo, Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Văn Tạc cho biết, trong những năm qua, cùng với sự phát triển giáo dục nói chung, giáo dục trẻ khuyết tật đã đạt được những thành quả quan trọng về nhiều mặt. Tuy nhiên, thực trạng giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật ở Việt Nam vẫn còn những hạn chế. Cộng đồng chưa nhận thức đầy đủ về vai trò và trách nhiệm của xã hội trong việc giáo dục trẻ khuyết tật và về khả năng phát triển của trẻ khuyết tật khi được giáo dục. Các cơ sở giáo dục trẻ khuyết tật chưa có những trang thiết bị tối thiểu cần thiết để dạy trẻ khuyết tật như sách giáo khoa, đồ dùng dạy học đặc thù cho từng loại trẻ khuyết tật. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy trẻ khuyết tật chưa được đào tạo, bồi dưỡng đủ về số lượng và chất lượng để đáp ứng nhu cầu đi học ngày càng tăng của trẻ khuyết tật. Ngân sách Nhà nước dành cho giáo dục, trẻ khuyết tật chưa chính thức và còn quá ít. Vì vậy đầu tư cho đào tạo, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, đồ dùng dạy học đặc thù, đáp ứng nhu cầu giáo dục trẻ khuyết tật hầu như chưa có. Trong khi, mục tiêu của chiến lược giáo dục trẻ khuyết tật là đến năm 2015 hầu hết trẻ khuyết tật Việt Nam có cơ hội bình đẳng trong tiếp cận một nền giáo dục có chất lượng và được trợ giúp để phát triển tối đa tiềm năng, tham gia và đóng góp tích cực cho xã hội. Để thực hiện được mục tiêu này, giáo dục trẻ khuyết tật cần có những giải pháp lớn, trong đó thành lập Trung tâm HTPTGDHN là rất cần thiết.

Theo tiến sĩ Lê Văn Tạc, việc thành lập Trung tâm HTPTGDHN sẽ giúp cơ quan chủ quản thống nhất trong việc quản lý chỉ đạo giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật; đáp ứng nhu cầu gởi trẻ khuyết tật của phụ huynh, nhu cầu được tư vấn giúp đỡ khi con họ bị khuyết tật; nâng cao chất lượng chuyên môn cho đội ngũ giáo viên làm công tác giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật…

Tiến sĩ Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Phó trưởng ban chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt (Bộ GD-ĐT) cũng thống nhất cao việc thành lập Trung tâm HTPTGDHN ở mỗi tỉnh, thành. Tiến sĩ Lê Tiến Thành, nói: “Hơn 10 năm qua, Bộ GD-ĐT đã có chủ trương mở rộng các khoa Giáo dục đặc biệt ở các trường đại học, cao đẳng sư phạm để đào tạo giáo viên dạy trẻ khuyết tật. Đồng thời, Bộ GD-ĐT cũng đã tổ chức nhiều đợt tập huấn, hội thảo về công tác quản lý, chăm sóc giáo dục trẻ khuyết tật cho cán bộ, giáo viên ở các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, đến nay đội ngũ nhà giáo vẫn chưa đáp ứng nhu cầu công tác giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật. Mặt khác, công tác giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật còn rất nhiều khó khăn nên các cơ sở giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật cần được hỗ trợ thường xuyên. Do vậy, ở mỗi tỉnh cần có một đơn vị chuyên trách là Trung tâm HTPTGDHN trẻ khuyết tật để hỗ trợ công tác này đạt hiệu quả, thu nhận được nhiều trẻ khuyết tật để can thiệp, tư vấn cho phụ huynh khi họ có nhu cầu chăm sóc và giáo dục trẻ.

ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ THÀNH LẬP TRUNG TÂM

Theo Sở GD-ĐT Phú Yên, toàn tỉnh hiện có 13.545 người khuyết tật, riêng trẻ em độ tuổi từ 0-16 tuổi hiện có 2.177 trẻ khuyết tật. Những năm qua, công tác giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật ở Phú Yên đã có sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, số lượng trẻ khuyết tật đi học hòa nhập mới đạt gần 50% tổng số trẻ khuyết tật trong tỉnh. Số trẻ khuyết tật nặng ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa có điều kiện được chăm sóc, hỗ trợ, can thiệp đúng hoặc chưa có cơ hội đến trường; nhiều trẻ khuyết tật chưa được học lên các bậc học cao hơn; nhiều học sinh khuyết tật lớn tuổi chưa được học nghề, ít có cơ hội tìm kiếm việc làm… Do đó, việc thành lập Trung tâm HTPTGDHN Phú Yên là rất cần thiết.

Theo đề án thành lập Trung tâm HTPTGDHN Phú Yên do Sở GD-ĐT dự thảo, Trường Niềm Vui (TP Tuy Hòa) là cơ sở thuận lợi để thành lập Trung tâm HTPTGDHN của tỉnh. Tiến sĩ Phạm Văn Cường, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên cho biết: “Việc thành lập Trung tâm HTPTGDHN trên cơ sở Trường Niềm Vui có nhiều thuận lợi. Đó là, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự đóng góp của các cơ quan, ban ngành trong tỉnh, các nhà hảo tâm… hàng năm, nhà trường được trang bị khá đầy đủ các thiết bị dạy học, các phương tiện đặc thù… tạo điều kiện cho học sinh khuyết tật tiếp thu bài tốt hơn.

Ngoài ra, từ năm 2008, thực hiện dự án “Phát hiện sớm - can thiệp sớm do Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam ký kết với Sở GD-ĐT, Trường Niềm Vui đã làm tốt việc can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật dưới 6 tuổi tại trường, đồng thời hỗ trợ chuyên môn cho một số trường mầm non trên địa bàn tỉnh có trẻ khuyết tật học hòa nhập. Kết quả, 34 trẻ ở Trường Niềm Vui phát triển tốt, 12 trẻ của các trường mầm non được Trường Niềm Vui hỗ trợ có tiến bộ rõ rệt. Trường Niềm Vui đã mở rộng tuyển sinh thêm các đối tượng khuyết tật khác (ngoài trẻ khiếm thính). Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam còn hỗ trợ trên 200 triệu đồng cho Trường Niềm Vui tăng cường thiết bị, kỹ thuật để phục vụ nhu cầu phát hiện sớm – can thiệp sớm tại trường.

Trên cơ sở dự thảo đề án thành lập Trung tâm HTPTGDHN của Sở GD-ĐT Phú Yên, các đại biểu thống nhất cao sự cần thiết thành lập Trung tâm HTPTGDHN Phú Yên. Sở GD-ĐT Phú Yên sẽ hoàn chỉnh đề án này trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek