Thứ Bảy, 12/10/2024 11:34 SA
Phụ đạo học sinh yếu, kém:
Góp phần nâng cao chất lượng đào tạo
Thứ Ba, 27/09/2011 14:00 CH

Thời gian qua, bên cạnh công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, chương trình dạy phụ đạo cho học sinh yếu, kém đã phát huy được hiệu quả trong các trường học.

 

thi-tran110927.jpg

Dạy học đúng đối tượng học sinh sẽ giúp học sinh học tập tốt. Trong ảnh: Giờ học của học sinh Trường tiểu học thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa) - Ảnh: T.HẰNG

Thực hiện chủ đề năm học: “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục”, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ chuyên môn giáo dục phổ thông năm học 2011-2012 vừa được Sở GD-ĐT Phú Yên tổ chức, một trong những nội dung được đại biểu các trường phổ thông trên địa bàn Phú Yên quan tâm, đó là công tác phụ đạo học sinh yếu, kém.

 

Lãnh đạo các trường khẳng định về tính hiệu quả của công tác phụ đạo học sinh yếu, kém được ngành GD-ĐT triển khai trong các năm học gần đây. Trưởng phòng GD-ĐT huyện Phú Hòa Trình Ngọc Mẫn cho biết: Thực hiện phụ đạo học sinh yếu, kém ngay từ đầu năm học, phòng GD-ĐT yêu cầu các trường phải có kế hoạch cụ thể, thời khóa biểu, danh sách giáo viên dạy, danh sách học sinh, hồ sơ theo dõi, định kỳ nhà trường phải kiểm tra chất lượng đối với những học sinh này để có kế hoạch chỉ đạo cho phù hợp về nâng cao chất lượng, hạn chế học sinh bỏ học giữa chừng (đưa chỉ tiêu giữ vững sĩ số học sinh, vận động học sinh ra lớp, phụ đạo học sinh yếu, kém có hiệu quả vào xét thi đua cho cả giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn và các ban ngành đoàn thể trong nhà trường). Một số trường khó khăn về phòng học và giáo viên phải tìm kiếm giải pháp, cố gắng thực hiện bằng mọi cách thức có thể. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên tổ chức dạy học phân hóa theo năng lực của học sinh dựa theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình; khắc phục lối dạy học thuần túy đọc - chép; chú trọng việc dạy cho học sinh phương pháp tự học và biết cách dùng sách tham khảo hợp lý.

 

Nhờ tích cực phụ đạo học sinh yếu ngay từ đầu năm học nên tỉ lệ học sinh yếu kém ở huyện Phú Hòa trong năm học 2010-2011giảm rõ rệt: ở cấp tiểu học chất lượng môn Toán tỉ lệ học sinh yếu cuối năm giảm 2,8%, môn Tiếng Việt tỉ lệ học sinh yếu giảm 2,2%; cấp THCS học sinh yếu kém giảm 9,2%. Học sinh khá, giỏi môn Toán ở cấp tiểu học tăng 7,9%, môn Tiếng Việt tăng 6,6%; cấp THCS học sinh khá, giỏi tăng 7,5%. Ở cấp tiểu học không có học sinh bỏ học.

 

Với những kết quả đạt được và sự cố gắng, nỗ lực của các trường, chương trình dạy phụ đạo học sinh yếu, kém đã trở thành mũi nhọn trong công tác nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của ngành GD-ĐT. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ chuyên môn giáo dục phổ thông năm học 2011-2012, lãnh đạo Sở GD-ĐT Phú Yên nhấn mạnh, phụ đạo cho học sinh yếu kém là nhiệm vụ thường xuyên của tất cả các trường. Tùy thuộc vào điều kiện và số lượng học sinh, các trường phân công giáo viên phụ đạo cho học sinh dưới nhiều hình thức như trong giờ chính khóa, mười lăm phút đầu giờ, các tiết nghỉ trong buổi, các ngày nghỉ... Đồng thời huy động các giáo viên bộ môn, cán sự lớp và những học sinh khá, giỏi trong lớp động viên giúp đỡ học sinh yếu kém ôn tập, bổ sung những lỗ hổng về kiến thức, kỹ năng cho học sinh dựa trên chuẩn kiến thức kỹ năng của Bộ GD-ĐT nhằm hạn chế đến mức thấp nhất học sinh lưu ban. Đặc biệt, các liên đội phát huy hiệu quả phong trào “Đôi bạn cùng tiến”, để học sinh vừa học thầy, vừa học bạn, phấn đấu vươn lên.

 

Ông Lê Ngọc Chi, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Sông Hinh cho hay: “Đặc thù của ngành GD-ĐT huyện Sông Hinh là có khá đông học sinh dân tộc thiểu số. Chất lượng đầu vào của các trường không đồng đều, nhất là với các đối tượng học sinh dân tộc thiểu số. Nếu không tổ chức dạy phụ đạo những đối tượng học sinh này thì khó có thể theo kịp bạn bè cùng lớp. Có thể khẳng định rằng, dạy phụ đạo cho học sinh yếu, kém là chương trình mang tính thiết thực và hiệu quả cao. Điều đó đã được chứng minh qua thực tế bằng chất lượng học tập của các em, số lượng học sinh yếu, kém ngày càng giảm. Đặc biệt có nhiều tấm gương điển hình vươn lên trở thành những học sinh khá giỏi”.

 

Để việc giúp đỡ học sinh yếu kém đạt kết quả hơn nữa, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên Nguyễn Văn Tá đề nghị các trường căn cứ vào kết quả học tập của năm học trước, ngay đầu năm học, các trường phải lên kế hoạch phụ đạo học sinh yếu kém trong năm học (thời gian phụ đạo trong năm học; thời khóa biểu phụ đạo trong tuần; môn học; danh sách học sinh; danh sách giáo viên dạy; hồ sơ sổ sách theo dõi việc dạy học). Lãnh đạo nhà trường phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc hoạt động này. Hiệu trưởng nhà trường trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Giám đốc sở GD-ĐT về việc tổ chức phụ đạo học sinh yếu kém của trường mình. Cả gia đình, nhà trường và xã hội phải chia sẻ trách nhiệm trong công tác khắc phục tình trạng học sinh yếu, kém (không nên đổ lỗi hoặc giao hẳn trách nhiệm cho giáo viên). Nếu có sự phối hợp một cách nhịp nhàng và chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường thì dù học sinh có học yếu và không có ý thức trong học tập cỡ nào thì dưới tác động của gia đình và nhà trường nhất định rằng việc học của các em sẽ dần tiến bộ.

 

MẠNH THÚY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek