Thứ Bảy, 12/10/2024 17:19 CH
Xây dựng trường chuẩn quốc gia:
Nhiều vấn đề cần tháo gỡ
Thứ Ba, 20/09/2011 14:00 CH

Từ việc xã hội hóa, huy động các nguồn lực, những năm qua cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học trên địa bàn Phú Yên được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, so với yêu cầu chuẩn hóa, cơ sở vật chất trường học trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn và bất cập.

 

vat-ly-110920.jpg

Thiếu phòng học chức năng làm cho các trường gặp khó khăn trong quá trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh thực hành môn Vật lý - Ảnh: M.THÚY

CƠ SỞ VẬT CHẤT THIẾU, YẾU

 

Theo thống kê của Sở GD-ĐT Phú Yên, đến nay, toàn tỉnh chỉ có 80 trường học đạt chuẩn quốc gia. Trong đó, bậc mầm non có 11/131 trường, đạt tỉ lệ 8,4%; bậc tiểu học có 53/172 trường, đạt tỉ lệ 30,8%; bậc THCS có 15 trường và bậc THPT chỉ có một trường. Theo đánh giá của Sở GD-ĐT Phú Yên, sau 10 năm triển khai phong trào xây dựng trường chuẩn quốc gia, kết quả mà Phú Yên đạt được là quá thấp. Nguyên nhân là do, số phòng học bảo đảm yêu cầu đạt tỉ lệ thấp, số phòng cấp 4 còn khá lớn, không bảo đảm các hạng mục công trình theo quy định cho giảng dạy và học tập. Phòng học chức năng, thư viện, phòng thí nghiệm của nhiều trường còn thiếu và yếu… Chính do cơ sở vật chất trường lớp như vậy nên trong những năm qua, mặc dù có nhiều trường chất lượng giáo dục đạt cao, đội ngũ giáo viên 100% đạt chuẩn và trên chuẩn, công tác quản lý giáo dục đạt hiệu quả tốt, 4/5 tiêu chí xây dựng trường chuẩn quốc gia đều đạt, nhưng tiến độ xây dựng chuẩn vẫn chậm và số lượng các trường đạt chuẩn thấp so với các tỉnh trong khu vực.

 

TP Tuy Hòa là địa phương có nhiều thuận lợi trong thực hiện xã hội hóa giáo dục, tuy nhiên đến nay, toàn thành phố cũng chỉ có 18 trường đạt chuẩn quốc gia. Trong đó, mầm non có 5 trường, đạt tỉ lệ 16,6%, tiểu học 8 trường, đạt tỉ lệ 42,1%, THCS 5 trường, đạt tỉ lệ 33,3%. Ông Phan Văn Đông, Trưởng phòng GD-ĐT TP Tuy Hòa cho biết, số trường chưa đạt chuẩn chủ yếu vẫn do thiếu cơ sở vật chất trường lớp và diện tích khuôn viên nhà trường không bảo đảm theo quy định. Chẳng hạn như Trường tiểu học Lê Quý Đôn, là trường có chất lượng cao, hầu hết các tiêu chí đều đạt chuẩn quốc gia, duy chỉ có tiêu chí về cơ sở vật chất trường, lớp và diện tích khuôn viên nhà trường trên đầu học sinh đạt thấp, nếu không mở rộng diện tích khuôn viên thì Trường tiểu học Lê Quý Đôn khó có thể đạt chuẩn quốc gia.

 

HUY ĐỘNG CÁC NGUỒN NHÂN LỰC ĐỂ ĐẦU TƯ

 

Về nguyên nhân của những bất cập trên, theo ông Nguyễn Văn Tá, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên, điều đáng chú ý nhất là trong nhiều năm qua, việc xây dựng cơ sở vật chất trường học của tỉnh chưa được đầu tư tập trung; tình trạng đầu tư nhỏ lẻ, phân tán vẫn phổ biến; vấn đề quy hoạch, dành đất cho các cơ sở giáo dục thực hiện chậm hoặc chưa đúng mức, diện tích khuôn viên nhà trường nhiều nơi thiếu chưa được bổ sung và quy hoạch lại. Bên cạnh đó, nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường của các địa phương còn rất hạn chế và khó khăn. Ngoài ra, do nguồn hỗ trợ từ trái phiếu Chính phủ có hạn, nhưng yêu cầu xây dựng trường trên địa bàn tỉnh phải kiên cố, hiện đại, không chắp vá..., kinh phí đầu tư cho một phòng học lớn hơn nhiều so với thiết kế mẫu (theo chương trình đầu tư xây dựng trường học bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ từ năm 2008). Hiện nay, hầu hết các địa phương có nhu cầu xây dựng trường đều thiếu vốn, nhiều trường chưa được quy hoạch, diện tích khuôn viên nhà trường khó mở rộng... nên tiến độ xây dựng, thời gian đưa vào sử dụng có thể bị kéo dài và chậm, gây không ít khó khăn cho các địa phương.

 

Mới đây, tại hội nghị chuyên môn giáo dục trung học năm học 2011-2012 do Sở GD-ĐT Phú Yên, nhiều vấn đề khó khăn trong quá trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được các trường đề cập. Ông Nguyễn Huệ, Trưởng phòng GD-ĐT TX Sông Cầu bức xúc, nói: “Qua 10 năm xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, đến nay toàn thị xã chỉ có hai trường mầm non, ba trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia. Tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia chậm là do kinh phí đầu tư cho công trình này chưa tương xứng, nguồn lực xã hội hóa chưa đáp ứng theo yêu cầu; công tác tham mưu của các trường còn hạn chế, lãnh đạo chính quyền ở một số địa phương chưa thực sự quan tâm tới sự nghiệp giáo dục (nhất là việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, quy hoạch đất để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, huy động mọi nguồn nhân lực để phát triển sự nghiệp giáo dục của địa phương)”.

 

Nhằm khắc phục những khó khăn trên, năm học 2011-2012, ngành GD-ĐT Phú Yên đề nghị các trường tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư, trong đó tập trung khai thác nguồn vốn của các địa phương từ quỹ đất, huy động sự đóng góp của xã hội, đóng góp của phụ huynh học sinh thông qua bàn bạc dân chủ; tăng cường hợp tác quốc tế, triển khai có hiệu quả các dự án ODA về GD-ĐT, thu hút các nguồn tài trợ, các dự án vay vốn nước ngoài để phát triển cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Về lâu dài, để giải quyết khó khăn về diện tích khuôn viên cho các trường ở địa bàn thành phố, ngành GD-ĐT sẽ chủ động tham mưu với lãnh đạo địa phương sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp ở một số xã, phường, khu đô thị mới theo quy mô dân số để tránh quá tải cho một số trường.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek