Chủ Nhật, 13/10/2024 03:20 SA
Chương trình giáo dục mầm non mới:
Nhiều tín hiệu khả quan
Thứ Ba, 13/09/2011 14:00 CH

“Trẻ được trải nghiệm, hứng thú tham gia vào các hoạt động tập thể, mạnh dạn trong giao tiếp, học tập, vui chơi; giáo viên thực sự linh hoạt, chủ động trong lập kế hoạch, điều chỉnh kế hoạch giáo dục, lựa chọn các nội dung giáo dục phù hợp, sáng tạo trong tổ chức các hoạt động giáo dục...” đó là nhận xét của bà Trần Thị Kim Tuyết, Trưởng phòng giáo dục Mầm non (Sở GD-ĐT Phú Yên) về thành công bước đầu của chương trình giáo dục mầm non mới sau hai năm được thực hiện.

 

be-choi110913.jpg

Học sinh Trường mầm non Ong Vàng trong giờ hoạt động góc. - Ảnh: T.HẰNG

Đến Trường mầm non Anh Đào (TP Tuy Hòa), tôi được chứng kiến một không khí học tập thật vui tươi, hấp dẫn và rộn rã tiếng cười trẻ thơ. Tại lớp mẫu giáo nhỡ, các em đang say sưa trong giờ hoạt động góc. Các cô giáo hướng dẫn học trò chia nhau ra thành từng nhóm nhỏ, mỗi nhóm từ 5 đến 7 học sinh có cùng sở thích để cùng thực hành một hoạt động cụ thể. Trong lúc các bé trai đang chăm chú xếp hình thì các bé gái lại sắm vai người nội trợ đảm đang với đầy đủ đồ nghề nấu ăn. Ở một nhóm khác, các em đang say sưa tô vẽ những bức tranh theo ý tưởng cá nhân. Bà Võ Thị Thu Đức, Hiệu trưởng Trường mầm non Anh Đào cho biết: Năm học 2009-2010, Trường mầm non Anh Đào được ngành GD-ĐT chọn triển khai thí điểm song song hai cấp (cấp tỉnh và cấp thành phố) về thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới. Với phương châm vừa thực hiện, vừa đổi mới, rút kinh nghiệm, đến nay, hầu hết giáo viên của trường đã nhận thức và nắm bắt được nội dung, phương pháp giảng dạy của chương trình giáo dục mới, vận dụng sáng tạo vào việc soạn thảo, xây dựng kế hoạch, chủ đề giảng dạy theo từng tuần, tháng. Nhà trường được trang bị thêm một số máy tính, các phần mềm ứng dụng, nhiều đồ dùng học tập phục vụ cho bài giảng thêm sinh động, hấp dẫn. Các giáo viên cũng chủ động tự tìm tòi, học hỏi thêm kiến thức công nghệ thông tin, sáng tạo và tự làm những mô hình đồ chơi phù hợp với từng chủ đề, từng tiết học. Đáng ghi nhận là những tác động tích cực của chương trình tới các em học sinh. Các em được trải nghiệm, hứng thú tham gia vào các hoạt động tập thể, tỏ ra tự tin, mạnh dạn trong giao tiếp, học tập, vui chơi. Đó cũng là mục tiêu quan trọng hàng đầu của chương trình giáo dục mầm non mới.

 

Với những kết quả đạt được từ các trường triển khai thí điểm, năm học 2011-2012, chương trình giáo dục mầm non mới được ngành GD-ĐT Phú Yên nhân rộng trong 80% trường mầm non trên địa bàn toàn tỉnh. Bà Trần Thị Kim Tuyết, Trưởng phòng giáo dục Mầm non (Sở GD-ĐT Phú Yên) nói: “Các trường mầm non hiện nay đang đẩy mạnh đổi mới phương pháp tổ chức các hoạt động cho trẻ mầm non. Thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới, trình độ kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên được nâng cao; giáo viên thực sự linh hoạt chủ động trong lập kế hoạch, điều chỉnh kế hoạch giáo dục, lựa chọn các nội dung giáo dục phù hợp, sáng tạo trong tổ chức các hoạt động giáo dục và sử dụng nguyên vật liệu sẵn có làm đồ dùng, đồ chơi dạy học. Đa số giáo viên có kỹ năng vận dụng phương pháp dạy học tích cực, xây dựng môi trường hoạt động linh hoạt tích cực cho trẻ. Số cán bộ quản lý tích cực tìm hiểu biện pháp sáng tạo trong triển khai thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới ngày càng tăng. Thông qua các chương trình tập huấn do Sở GD-ĐT tổ chức, các cán bộ quản lý, giáo viên nắm bắt được hình thức giáo dục phù hợp với sự phát triển của trẻ, hướng dẫn tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hình thành kỹ năng sống cho trẻ”.

 

hoc-ve110913.jpg

Giờ học vẽ của học sinh Trường mầm non Anh Đào (TP Tuy Hòa). - Ảnh: M.THÚY

Trong những năm qua, phương pháp dạy học tích cực luôn được ngành GD-ĐT quan tâm. Tuy nhiên, việc thực hiện đổi mới phương pháp giáo dục trong tổ chức các hoạt động cho trẻ trong thực tế còn nhiều bất cập. Giải quyết bất cập đó không chỉ vai trò của giáo viên, lực lượng trực tiếp đứng lớp mà vai trò kiểm soát, định hướng của cán bộ quản lý trong nhà trường cũng rất quan trọng. Đứng ở góc nhìn tổng thể có thể thấy việc nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ trong nhà trường có nhiều nguyên nhân: trường lớp, trang thiết bị thiếu đồng bộ, trình độ giáo viên, trình độ quản lý của cán bộ, công tác xã hội hóa, nhận thức của người dân… Theo bà Tuyết, trong các nguyên nhân nêu trên, vấn đề xã hội hóa giáo dục ở bậc học mầm non hiện nay gặp nhiều khó khăn nhất. Đối với các trường ở vùng thuận lợi, việc triển khai chương trình giáo dục mầm non mới không có gì khó khăn, song với các trường ở vùng sâu, vùng xa, miền núi do cơ sở vật chất còn hạn chế nên gặp không ít khó khăn khi triển khai chương trình này. Một giáo viên ở Trường mẫu giáo Krông Pa (huyện Sơn Hòa) cho biết: “Hạn chế lớn nhất của giáo viên miền núi chúng tôi khi thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới đó là lập kế hoạch giáo dục, đánh giá sự phát triển của trẻ, nhất là với các cháu là người dân tộc thiểu số”.

 

Để khắc phục tình trạng này, Sở GD-ĐT Phú Yên yêu cầu các trường mầm non trên địa bàn tỉnh chú ý tập trung vào việc rèn luyện kỹ năng nói tiếng Việt cho học sinh. Hiện nay, Sở GD-ĐT Phú Yên đang trình UBND tỉnh Đề án phổ cập mầm non 5 tuổi và định hướng phát triển mầm non dưới 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 để UBND tỉnh trình HĐND tỉnh. Một khi đề án này được triển khai, chương trình giáo dục mầm non mới sẽ đi vào quy củ, đáp ứng được sự phát triển của trẻ, cũng như đáp ứng được định hướng của chương trình giáo dục mầm non đang triển khai theo lộ trình để tiến tới đại trà trong cả nước vào năm 2013. 

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek