Thứ Hai, 14/10/2024 09:43 SA
Ðổi mới, phát triển dạy nghề:
Góc nhìn của lãnh đạo địa phương
Chủ Nhật, 17/07/2011 07:05 SA

Dạy nghề để phát triển nguồn nhân lực có chất lượng là một trong những khâu đột phá để tăng tốc nền kinh tế, thực hiện thắng lợi mục tiêu CNH, HÐH đất nước.Vì vậy, công tác dạy nghề phải được cấp ủy đảng các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm chỉ đạo.

 

cong-nghe-o-to110717.jpg

Sinh viên ngành Công nghệ ô tô Trường Cao đẳng Nghề thực hành. - Ảnh: T.HẰNG

NHIỆM VỤ CẤP BÁCH, CHIẾN LƯỢC LÂU DÀI

 

Nền kinh tế nước ta xuất phát điểm là nền kinh tế thuần nông. Nông dân, nông thôn chiếm thành phần chủ yếu trong cơ cấu lao động, xã hội. Trong nhiều năm qua, nhờ sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân ra sức thực hiện đường lối đổi mới của Đảng đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, Việt Nam từ chỗ là một quốc gia nghèo, đói đã trở thành quốc gia xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới. Việt Nam đã được thế giới công nhận là quốc gia thoát nghèo.

 

Cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng dần cả giá trị sản lượng và cơ cấu lao động  từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Điển hình như Phú Yên, một tỉnh có dân số khoảng 860.000 người. Cách đây 20 năm, Phú Yên có cơ cấu dân cư và lao động nông nghiệp chiếm 90%. Nay Phú Yên đã có sự thay đổi nhiều: cơ cấu dân cư nông thôn còn 76,7%; cơ cấu lao động khu vực nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 64,9%; lao động trong các ngành công nghiệp - dịch vụ chiếm 35,1%. Trong đó, 38% lực lượng lao động qua đào tạo. Những chuyển dịch đó cho thấy sự đóng góp thành tích của các cơ sở đào tạo, dạy nghề là to lớn, góp phần quan trọng đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả lao động.

 

Thực hiện đường lối Đại hội XI của Đảng, đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp. Mục tiêu, nhiệm vụ quá lớn nhưng quỹ thời gian cho lộ trình thực hiện quá ngắn, điều đó đòi hỏi cần có sự nỗ lực rất cao mới có kết quả thắng lợi. Vì vậy, nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có vai trò của các tổ chức dạy nghề là rất quan trọng và nặng nề. Bởi vì vai trò con người là nhân tố quyết định, nó quan trọng, cấp bách phục vụ cho thời đoạn tăng tốc nền kinh tế đến năm 2020, đồng thời là chiến lược lâu dài cho sự phát triển không ngừng, bền vững.

 

GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY NGHỀ

 

Thành tích của công tác dạy nghề đóng góp cho sự phát triển của đất nước trong thời gian qua là rất lớn, số trường lớp, cơ sở dạy nghề tăng về số lượng, đa dạng ngành nghề, lĩnh vực đào tạo. Đội ngũ giảng dạy cũng phát triển lớn mạnh. Tuy nhiên, công tác dạy nghề cũng còn những mặt yếu như: Nhiều cơ sở dạy nghề thiếu trang thiết bị, học viên, sinh viên học lý thuyết nhiều hơn thực hành nên khi ra trường trình độ tay nghề yếu phải mất nhiều thời gian trải nghiệm ở nơi sản xuất mới thành thục; trình độ ngoại ngữ còn hạn chế. Đây là điểm yếu của công nhân, lao động Việt Nam khi cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế. Cơ sở, lực lượng đào tạo, dạy nghề đông nhưng phân tán, khó quản lý chương trình và chất lượng đào tạo. Thiếu đội ngũ thầy giỏi, chương trình dạy nghề chưa đuổi kịp trình độ quốc tế và khu vực; tình trạng mất cân đối nguồn nhân lực qua đào tạo “thừa thầy thiếu thợ” chậm khắc phục.

 

nghe110717.jpg

Học nghề Điện tại Trường Cao đẳng Nghề Phú Yên. - Ảnh: T.HẰNG

Phát triển mạnh mẽ, chăm lo công tác dạy nghề là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà cấp ủy cần quan tâm chỉ đạo. Nhiệm vụ dạy nghề là tạo ra nguồn nhân lực có nghề, có trình độ ngày càng cao phục vụ công cuộc chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội hướng tới mục tiêu CNH, HĐH đất nước. Kết quả của dạy nghề sẽ làm tăng năng suất lao động và hiệu quả xã hội, đồng thời tăng thu nhập cá nhân lao động. Mục tiêu của dạy nghề là hướng vào nhu cầu thị trường lao động trong nước và cạnh tranh quốc tế. Trên tinh thần đổi mới để phát triển, mỗi trường, cơ sở đào tạo, dạy nghề cần rà soát mục tiêu, nhiệm vụ kiểm tra, đánh giá nguồn lực - kiểm tra đánh giá từ cơ sở vật chất, trang thiết bị đến đội ngũ giảng dạy. Đây là công việc không phải chỉ của cấp trên làm mà từng trường, từng cơ sở đào tạo, dạy nghề tự đánh giá. Kết quả đánh giá là nền tảng, tiền đề cho quy hoạch đầu tư và xây dựng kế hoạch phát triển của đơn vị.

 

Trong cơ chế thị trường cạnh tranh, một cơ sở dạy nghề muốn tồn tại, phát triển tốt phải quan tâm đến chất lượng, thương hiệu của mình. Xây dựng tiêu chuẩn chất lượng, thương hiệu của mỗi đơn vị phải trở thành ý thức, thấm sâu vào máu thịt của từng thành viên. Sự chấp nhận của thị trường lao động là thước đo, sự đánh giá cao nhất uy tín, thương hiệu của các cơ sở đào tạo. Có như vậy, các cơ sở dạy nghề sẽ có trách nhiệm hơn với sản phẩm do mình đào tạo. Các cơ sở dạy nghề cũng cần mở rộng liên danh, liên kết, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dạy nghề để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và  tăng cơ hội hội nhập quốc tế. Đổi mới chính sách tiền lương theo nguyên tắc: làm theo năng lực, trả lương đúng giá trị sản phẩm lao động. Đa dạng các hình thức dạy nghề, chú trọng kiểu dạy nghề theo đơn đặt hàng, đáp ứng nhu cầu xã hội. Mỗi trường nên xây dựng trang thông tin điện tử để quảng bá thương hiệu, tiếp cận thị trường lao động. Tổ chức tốt các kỳ hội chợ việc làm cũng là hình thức giúp người lao động tiếp cận thị trường lao động.

 

Chăm lo phát triển giáo dục cộng đồng là nền tảng cho dạy nghề phát triển, vì vậy, phổ cập văn hóa cộng đồng dân cư ngày càng cao sẽ góp phần rất lớn cho hiệu quả dạy nghề. Mỗi người nên làm theo năng lực, sở trường của mình “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, không có nghề nào cao quý hơn nghề nào.

 

TS Nguyễn Thành Quang

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek