Thứ Ba, 15/10/2024 11:36 SA
Giám đốc Sở GD-ÐT Phú Yên Nguyễn Văn Tá:
Dạy phụ đạo phải đúng quy định
Chủ Nhật, 12/06/2011 11:00 SA

Dạy phụ đạo cho học sinh yếu, kém là một trong trong những nội dung quan trọng được ngành GD-ÐT triển khai trong hè. Báo Phú Yên đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở GD-ÐT Phú Yên Nguyễn Văn Tá về vấn đề này.

 

on-tap110612.jpg

Học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (TP Tuy Hòa) ôn tập chuẩn bị thi vào lớp 10- Ảnh: M.THÚY

 

* Thời gian qua, dạy phụ đạo được xem là giải pháp để cải thiện tình hình học tập của học sinh yếu, kém. Đồng chí có nhận xét gì về hình thức học tập này?

 

- Những năm qua, ngành GD-ĐT đã gắn trách nhiệm của giáo viên, nhà trường trong việc phụ đạo đối với những học sinh có học lực yếu, kém. Giáo viên phải biết cách vận dụng linh hoạt việc điều chỉnh chương trình, phương pháp dạy học phù hợp theo từng trường, từng lớp để đạt hiệu quả của chuẩn kiến thức, kỹ năng. Giáo viên tự chịu trách nhiệm trong việc giảng dạy ở mỗi tiết học nên chất lượng giáo dục ở các cấp học được nâng lên. Có thể khẳng định rằng dạy phụ đạo cho học sinh yếu, kém là chương trình mang tính thiết thực và hiệu quả cao. Điều đó đã được chứng minh qua thực tế bằng chất lượng học tập của học sinh, số lượng học sinh yếu, kém ngày càng giảm. Đặc biệt có nhiều tấm gương điển hình vươn lên trở thành những học sinh khá, giỏi. Học sinh tham gia phụ đạo do nhà trường tổ chức, tham gia phong trào đôi bạn cùng tiến để cùng nhau học tập. Sự giúp đỡ nhiệt tình của thầy cô, bạn bè và gia đình đã làm cho học sinh nỗ lực phấn đấu học tập.

 

Với những kết quả đạt được và sự cố gắng, nỗ lực của các trường, chương trình dạy phụ đạo sẽ trở thành mũi nhọn trong công tác nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của ngành GD-ĐT.

 

* Có một thực tế hiện nay là các trường đang “lạm dụng” chương trình dạy phụ đạo để dạy thêm - học thêm cho học sinh toàn trường, đồng chí nghĩ sao về vấn đề này?

 

- Phụ đạo cho học sinh yếu là một hoạt động bình thường và không thể thiếu được trong bất kỳ trường học nào. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của người thầy, của nhà trường để góp phần giúp cho các học sinh không theo kịp bạn bè có thể nắm bắt được những kiến thức cơ bản nhằm lấp lỗ hổng kiến thức của bản thân. Trong trường học việc tổ chức các lớp học phụ đạo cho học sinh yếu, kém là việc làm thường xuyên chứ không phải chỉ là phong trào thi đua hoặc để đối phó với một đợt thi hoặc kiểm tra. Việc vận dụng sự đổi mới công tác dạy và phụ đạo học sinh yếu không chỉ là trách nhiệm mà còn là bổn phận, nghĩa vụ của người thầy. Mặt khác, nếu quan tâm đến việc phụ đạo học sinh yếu thì sẽ làm cho các em tự tin hơn khi đến lớp, công tác duy trì sĩ số mới được đảm bảo, góp phần làm nên thắng lợi của công tác phổ cập giáo dục phổ thông ở địa phương. Tuy nhiên, hiện nay không ít trường “lạm dụng” chương trình dạy phụ đạo để biến thành dạy thêm - học thêm, dạy trước chương trình trong hè (mặc dù có sự thỏa thuận của phụ huynh) là không đúng. Sắp tới, Sở GD-ĐT sẽ chỉ đạo và sẽ tổ chức kiểm tra, nếu trường nào vi phạm dạy phụ đạo tràn lan, không đúng đối tượng học sinh trong hè sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

 

* Học sinh chưa đủ điều kiện hoàn thành chương trình tiểu học và chưa đủ điều kiện lên lớp sẽ được các trường tiếp tục phụ đạo trong hè, sau đó kiểm tra để công nhận lần hai. Vấn đề này liệu có khách quan và đảm bảo được chất lượng?

 

- Thời gian qua ngành GD-ĐT đã có nhiều biện pháp tích cực để nâng cao chất lượng dạy và học. Đặc biệt là thực hiện các cuộc vận động lớn như: “Hai không”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương tự học và sáng tạo”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Qua thực hiện các cuộc vận động này đã làm thay đổi khá nhiều về chất lượng giáo dục. Tuy có nhiều tiến bộ nhưng chất lượng thật sự của giáo dục hiện nay ở các vùng miền chưa có sự đồng đều. Yêu cầu đặt ra cho chúng ta là phải tìm những nguyên nhân yếu kém một cách chính xác, phải nhìn thẳng vào sự thật một cách khách quan, từ đó bình tĩnh đưa ra những giải pháp tích cực sát với thực tế để từng bước nâng cao chất lượng.

 

Phụ đạo cho các đối tượng này chủ yếu là bổ sung những gì học sinh còn hạn chế để đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng. Tuy nhiên, có một thực tế đang đặt ra trong quá trình phụ đạo học sinh yếu, kém là học sinh không chịu đến lớp vì mặc cảm, do đó, có không ít trường dù tổ chức phụ đạo cho học sinh nhưng không mang lại hiệu quả.

 

* Nhiều người cho rằng, kinh phí hỗ trợ cho giáo viên dạy phụ đạo chưa có nên giáo viên thiếu mặn mà?

 

- Dạy phụ đạo cho học sinh yếu, kém là việc làm thường xuyên của giáo viên. Tuy nhiên, bình quân mỗi lớp học chỉ có khoảng vài ba học sinh yếu, kém chứ không thể cả lớp yếu, kém cần phải được phụ đạo, bồi dưỡng. Do đó, giáo viên cần phải phân loại đối tượng học sinh để phụ đạo; học sinh yếu môn gì thì phụ đạo môn đó, không nên dạy tràn lan cho tất cả học sinh rồi thu tiền. Sở GD-ĐT nghiêm cấm tất cả các trường tập trung học sinh để dạy thêm trong hè.

 

* Xin cảm ơn đồng chí!

 

THÚY HẰNG (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek