Thứ Ba, 15/10/2024 23:19 CH
Để “hút” học sinh học tiếng Anh
Thứ Ba, 22/03/2011 14:30 CH

Tiếng Anh là một môn học khó đối với đa phần học sinh. Nhận thức được tầm quan trọng của bộ môn này đối với học sinh nên các trường không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng môn học này.

 

nguyen-hue-2110322.jpg

Học tiếng Anh ở Trường THPT Nguyễn Huệ  – Ảnh: T.HẰNG

 

Phong trào học tiếng Anh đang phát triển mạnh mẽ trong xã hội. Trong trường phổ thông, tiếng Anh đã được giảng dạy cho tất cả các học sinh. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở GD-ĐT Phú Yên, do nội dung chương trình sách giáo khoa quá tải, sĩ số học sinh đông trong một lớp học, sức học của học sinh còn hạn chế, một số giáo viên ít chịu khó đầu tư, tìm tòi những phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng học sinh; cơ sở vật chất, trang thiết bị nghèo nàn… nên chất lượng dạy và học môn Tiếng Anh hiện nay còn thấp. Qua thanh tra, kiểm tra của ngành GD-ĐT cho thấy, trong các tiết học tiếng Anh rất nhiều học sinh còn thụ động, giờ học kém sinh động, đặc biệt là các đối tượng học sinh yếu kém chưa được quan tâm nhiều. Về phía học sinh, bên cạnh những học sinh có hứng thú học ngoại ngữ vẫn còn khá nhiều học sinh cảm thấy khó khăn trong quá trình học bộ môn này.

 

Để nâng cao chất lượng dạy - học môn Tiếng Anh, mới đây Sở GD-ĐT Phú Yên tổ chức hội thảo về nội dung này. Tại hội thảo, nhiều đại biểu các trường cho rằng, tiếng Anh là một môn học khó đối với đa phần học sinh. Nhận thức được tầm quan trọng của bộ môn này đối với học sinh, vì đây là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi vào trường chuyên nên các trường đặc biệt chú trọng đến việc dạy và học. Cô Nguyễn Thị Tuyết Lan, tổ trưởng ngoại ngữ Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Tây Hòa) cho biết: “Đầu vào học sinh của trường thấp, chỉ một vài học sinh có học lực trung bình môn Tiếng Anh. Do đó, nhà trường phải dạy phụ đạo cho học sinh. Nhà trường tổ chức cho giáo viên rà soát từng khối lớp để thành lập lớp phụ đạo. Phân công giáo viên phụ trách lớp theo dõi sự tiến bộ của từng học sinh, báo cáo hàng tuần qua giao ban Ban Giám hiệu nhà trường để có kế hoạch chỉ đạo cho việc nâng cao chất lượng”. Theo cô Lan, hạn chế lớn nhất của học sinh khi học bộ môn này đó là thiếu một lượng lớn từ vựng thiết yếu dẫn đến không thích học; chương trình  sách giáo khoa quá dài, trong 45 phút không thể tải hết nội dung của một tiết học dẫn đến tình trạng học sinh chán nản hoặc bỏ hẳn môn học này. Đến giờ học, học sinh thường rất uể oải, ngại phát âm vì sợ sai, không chịu luyện đọc ở nhà. Để khắc phục tình trạng này, năm 1998, trường thành lập Câu lạc bộ Tiếng Anh nhằm khuyến khích học sinh phát huy tính tích cực, nghe, nói, đọc, viết bằng tiếng Anh…

 

Thực tế, đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá được ngành GD-ĐT triển khai hàng năm. Tuy nhiên, nói thì dễ, làm bao giờ cũng khó. Theo giáo viên Lê Thị Thu Sương ở Trường THPT dân lập Duy Tân (TP Tuy Hòa), học sinh yếu kém môn Tiếng Anh có thể chia làm hai loại: học sinh lười học và học sinh có học nhưng khả năng tiếp thu chậm. Với đối tượng thứ nhất, thường là những học sinh ngỗ nghịch, thường xuyên gây mất trật tự trong lớp. Tuy nhiên, đối tượng này vẫn có khả năng tiếp thu bài tốt hơn những học sinh có học nhưng lại không có khả năng tiếp thu. Đối tượng thứ hai, học sinh có vẻ như đang chăm chú lắng nghe bài giảng, ghi chép đầy đủ nhưng kỳ thực lại không hiểu gì. Chính vẻ ngoài “học tập nghiêm túc” của học sinh khiến nhiều giáo viên chủ quan cho rằng học sinh đang tiếp thu bài tốt.

 

Để rèn luyện cho những đối tượng này, theo cô Sương, mỗi tiết học giáo viên chỉ truyền đạt cho học sinh một lượng kiến thức vừa phải để tiếp thu chứ không nên nhồi nhét kiến thức. Đặc biệt, khi giảng dạy, giáo viên không nên đưa những kiến thức ngoài sách giáo khoa để nâng cao cho đối tượng học sinh yếu tiếng Anh khi mà các em chưa đạt được một chuẩn kiến thức nhất định. Ngoài ra, trong quá trình soạn giáo án, giáo viên phải gạn lọc những kiến thức cơ bản nhất, gần gũi nhất với nội dung chương trình để dạy cho học sinh. Có thể nói, giúp cho học sinh nắm được những kiến thức chuẩn trong sách giáo khoa đã là một thành công lớn của giáo viên”.

 

Trong tình hình hiện nay, đổi mới phương pháp dạy học ngoại ngữ ở trường phổ thông là yêu cầu cấp thiết. Theo nhiều giáo viên, để khắc phục tình trạng học sinh yếu kém môn Tiếng Anh và để “hút” học sinh hăng say học tập môn học này đòi hỏi người giáo viên phải có sự kiên trì, linh hoạt trong giảng dạy, phù hợp từng đối tượng học sinh.

 

Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên Nguyễn Văn Tá cho biết: “Hoạt động dạy và học môn Tiếng Anh ở các trường phổ thông hiện nay vẫn còn nặng lý thuyết, giáo viên chưa chú trọng nhiều đến các kỹ năng thực hành cho học sinh. Chất lượng đại trà môn Tiếng Anh của học sinh trên địa bàn tỉnh vẫn còn thấp, học sinh giỏi các cấp còn ít. Để nâng cao chất lượng bộ môn này, Sở GD-ĐT đề nghị các trường tăng cường chỉ đạo hoạt động dạy - học; thường xuyên tổ chức thi học sinh giỏi cấp trường ở các khối lớp từ 6 đến 12 làm cơ sở tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và cấp quốc gia; quan tâm tổ chức các hình thức hoạt động ngoại khóa để tạo điều kiện cho học sinh có cơ hội giao tiếp... Bên cạnh đó, dựa vào hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức kỹ năng Tiếng Anh, các tổ bộ môn rà soát lại sách giáo khoa, thay thế các bài học quá tải, soạn lại nội dung giảng dạy thống nhất trong tổ trước khi đưa vào giảng dạy”.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek