Từ năm học 2006 -–2007, Bộ trưởng Bộ GD- ĐT Nguyễn Thiện Nhân chính thức phát động phòng trào “nói không với tiêu cực trong thi cử, chống bệnh thành tích trong toàn ngành”. Ngành GD -–ĐT Phú Yên triển khai và thực hiện cuộc vận động này như thế nào? Trao đổi với Báo Phú Yên, thạc sĩ Nguyễn Văn Tá, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT Phú Yên, cho biết:
Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” là khâu đột phá của năm học 2006 - 2007 để ngành GD – ĐT Phú Yên cùng với cả nước tự khẳng định, đổi mới vì sự phát triển theo tinh thần chỉ đạo tại các Nghị quyết 40 và 41 của Quốc hội khóa X, Nghị quyết 37 của Quốc hội khóa XI, Nghị quyết 14 của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020 và Luật Giáo dục năm 2005. Cuộc vận động này chính là cụ thể hóa yêu cầu “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm” đang được triển khai trong các nhà trường hiện nay. Từ cuộc vận động này sẽ tạo nên những bước phát triển mới đưa giáo dục Phú Yên phát triển lành mạnh, bền vững.
* Thưa ông, vậy ngành giáo dục Phú Yên triển khai vấn đề “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” như thế nào?
- Sở GD - ĐT Phú Yên đã thành lập Ban chỉ đạo cho cuộc vận động này gồm lãnh đạo sở, chuyên viên trong ngành và đại diện các sở, ban, ngành trong tỉnh. Đồng thời, ngành đã tổ chức quán triệt và phát động triển khai cuộc vận động trong toàn thể cán bộ quản lý giáo dục các trường học trên địa bàn phối hợp với Công đoàn ngành tổ chức sinh hoạt trong toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh về thực trạng kỷ luật trong kiểm tra, thi cử và hiệu quả công tác thi đua của từng đơn vị. Mỗi đơn vị ký cam kết không vi phạm quy chế kiểm tra, thi cử và không chấp nhận bệnh thành tích ở đơn vị mình.
* Nói dễ nhưng làm không hề dễ, bởi đây là vấn đề “nhạy cảm”. Vậy ngành GD – ĐT có những giải pháp cũng như chế tài gì để cuộc vận động thực sự đạt hiệu quả?
- Cuộc vận động này nhằm lập lại kỷ cương trong dạy và học, khuyến khích sức sáng tạo của thầy cô giáo, khắc phục các yếu kém trong ngành, nâng cao chất lượng dạy, học và hiệu quả đào tạo. Chúng tôi tập trung chủ yếu các khâu: Tổ chức kiểm tra, thi cử và thi đua trong ngành. Cụ thể sẽ xây dựng mô hình tổ chức thi, kiểm tra phù hợp với thực tế của từng trường, từng cơ sở giáo dục; đổi mới công tác thi, kiểm tra đánh giá học sinh đảm bảo kết quả khách quan, chính xác; xây dựng hệ thống tiêu chí thi đua và xác lập cách đánh giá kết quả thi đua mang tính khoa học, khả thi, phù hợp với tình hình cụ thể từng trường, loại trừ bệnh thành tích, chủ quan; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất. Đặc biệt là lắng nghe ý kiến phản ánh từ địa phương để giải quyết nhanh, nghiêm túc, dứt điểm các vụ việc tiêu cực đã được phát hiện theo thẩm quyền, tránh đùn đẩy. Đồng thời, bảo vệ, biểu dương các cá nhân, tập thể có đóng góp tích cực vào việc chống tiêu cực, bệnh thành tích. Năm học này, ngành kiên quyết tuân thủ phương châm: học sinh nào đạt yêu cầu thì cho lên lớp, không đạt thì ở lại lớp. Chống tiêu cực nhưng phải tìm biện pháp để nâng cao chất lượng dạy – học, đảm bảo tỷ lệ tốt nghiệp tương ứng và thực chất.
* Lâu nay Bộ GD – ĐT đưa chỉ tiêu xuống các Sở, các sở lại giao chỉ tiêu xuống các phòng giáo dục, các trường và cuối cùng người chịu trách nhiệm “sát sườn” nhất chính là giáo viên. Nếu thi cử nghiêm túc sẽ có nhiều học sinh lưu ban, thi rớt. Vậy ngành sẽ làm gì để có sự đồng thuận của xã hội?
- Bệnh thành tích và tiêu cực gây nhiều lãng phí như tuổi thơ các em bị lãng phí vì dù được lên lớp mà không đọc thông viết thạo; thầy cô giáo bỏ công sức ra dạy nhưng thi cử không nghiêm túc sẽ không có sự đánh giá khách quan. Từ đó, sẽ không đánh giá đúng kết quả, không tạo ra được nguồn lực đủ mạnh cho sự phát triển của xã hội. Đây chính là lãng phí lớn nhất. Nhiều người cho rằng tấm bằng tốt nghiệp là cơ sở để các em học sinh bước vào đời. Nhưng nếu chúng ta cấp bằng tốt nghiệp cho những học sinh chưa đủ tiêu chuẩn mà nghĩ rằng đó là công cụ vào đời thì chính là đã làm hại các em. Học sinh có tấm bằng quá dễ dãi sẽ không nỗ lực, cố gắng học tập. Do đó, nếu bàn bạc kỹ trong Hội cha mẹ các trường và các hội, đoàn thể khác cùng với sự tuyên truyền của các cơ quan thông tin đại chúng thì sẽ dần có được sự thống nhất của toàn xã hội.
THÚY HẰNG (Thực hiện)