Thứ Năm, 28/11/2024 03:32 SA
Dự án phát triển giáo viên tiểu học
Những đề xuất về đổi mới phương pháp dạy học ở bậc tiểu học
Chủ Nhật, 03/09/2006 08:33 SA

VẬN DỤNG LÝ THUYẾT KIẾN TẠO

 

Tiểu học là bậc học của phương pháp đổi mới phương pháp dạy học là điều kiện tất yếu để giúp học sinh chiếm lĩnh tri thức dễ dàng nhất. Chính vì thế, là giáo viên, chúng tôi tán thành việc vận dụng lý thuyết kiến tạo vào trong từng họat động dạy học (như trong Môđun). Có vận dụng như vậy, thầy cô giáo mới tạo điều kiện cho học sinh chủ động tận dụng những kinh nghiệm đã có để hình thành kiến thức mới. Làm được điều này sẽ kích thích các em năng nổ, tìm tòi trong quá trình giao tiếp và tự học; làm cho bài học thật sự là sản phẩm của chính các em. Đây cũng là tiền đề để các em phát huy tính tích cực, óc sáng tạo trong công việc hôm nay và mãi mãi về sau.

 

060903-co-day.jpg

Tổng hợp ý kiến đúng của học sinh từ đó hình thành kiến thức mới sẽ tạo cho giờ học sinh động hơn - Ảnh: THUÝ HẰNG

 

Lý thuyết kiến tạo được khơi nguồn từ phương pháp tiếp cận chân lý của các nhà đạo học phương Đông. Nếu được vận dụng trong các hoạt động dạy học chủ yếu là ở trong các môn thuộc khoa học xã hội và nhân văn (đạo đức, tự nhiên và xã hội…) chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả cao.

 

Thế nhưng, điều làm chúng tôi rất bất ngờ và ngạc nhiên là trong Môđun này, lý thuyết kiến tạo lại được vận dụng trong môn Toán (thuộc lĩnh vực của khoa học tự nhiên). Đây quả là điều khó cho những vùng miền mà đời sống kinh tế chưa phát triển lắm, vốn tri thức trong phụ huynh và học sinh chưa được nâng cao.

 

Đối với những nơi có điều kiện, vận dụng lý thuyết kiến tạo trong việc dạy học môn toán nên áp dụng từng bước. Theo tôi, cần tiến hành theo quy trình sau:

 

Thầy (cô) giao việc cho nhóm hoặc cho cá nhân học sinh bằng những nội dung thật cụ thể (bài tập, câu hỏi thảo luận…), đặt ra yêu cầu trong mỗi việc và quy định thời gian hoàn thành.

 

Mỗi em hoặc nhóm tự làm, tự thảo luận để tìm ra lời giải. Khi nào chưa hiểu, các em có ý kiến, giáo viên mới can thiệp nhưng cũng chỉ ở mức độ hướng dẫn mà thôi; Giáo viên tổng hợp ý kiến đúng từ ý kiến các em để hình thành kiến thức mới. Nếu thực hiện được quy trình nêu trên, tiết học tuy mất ít thời gian nhưng lại rất sinh động. Các em dễ hiểu bài và nhớ lâu được kiến thức mới.

 

CỤ THỂ VIỆC KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ MÔN NĂNG KHIẾU

 

Qua ý kiến của nhiều đơn vị, việc cho điểm định tính đối với các môn năng khiếu là điều hoàn toàn đúng về mặt lý luận và thực tiễn. Tôi rất thấm thía khi được xem một bức tranh mô tả các con vật (ngựa, khỉ, voi…) cùng tham gia thi. Rõ ràng, nếu là thi chạy chắc chắn con ngựa sẽ thắng cuộc; nếu leo cây thì khỉ sẽ là nhà vô địch; còn nếu quật đổ cây thì ai tranh được phần thắng của bác voi… Mỗi con người, mỗi em học sinh chúng ta đều có sở đoản, sở trường riêng nên khi đánh giá, người giáo viên cần phải ghi nhận xét cụ thể để giúp các em phát triển năng khiếu của mình.

 

Tình huống xảy ra ở việc ghi nhận xét ở môn Mỹ thuật. Theo chỉ đạo, nếu gặp những bài làm không đạt yêu cầu, giáo viên không ghi nhận xét (các em cần sự khuyến khích, động viên hơn). Làm như thế sẽ dẫn đến các hậu quả đó là: Phụ huynh những em học sinh ở vào trường hợp nêu trên sẽ không nắm được chất lượng học tập của con em mình qua từng bài làm, còn giáo viên sẽ rất lười biếng trong việc chấm bài làm của học sinh. Khi có ai hỏi, họ sẽ đổ lỗi cho bài làm không đạt yêu cầu nên không ghi nhận xét.

 

Theo tôi, chúng ta nên ghi nhận xét kể cả những bài làm chưa đạt yêu cầu của học sinh. Bất cứ một sản phẩm nào dù kém đến mấy cũng có một phần tốt nào đó. Người chấm sản phẩm nên tìm ra phần tốt đó để ghi nhận xét. Có thế, mới động viên được tất cả các đối tượng tham gia vào việc chiếm lĩnh kiến thức hoàn thành nhiệm vụ học tập của mình.

 

Phương pháp dạy – học mới yêu cầu người thầy tạo nhiều điều kiện để học sinh được tự học. Thế nhưng, mỗi lần nhìn các em mang khối lượng sách vở đến trường mới biết việc học tập của học sinh bây giờ tùy thuộc vào thầy cô ở lớp biết bao điều. Lẽ đương nhiên, trong quá trình hoạt động dạy-học ở lớp, với sự đổi mới phương pháp, các em sẽ được thầy cô giao việc để việc tự học ngay tại trường được lưu ý hơn. Và khi về nhà, các em cũng tiếp tục được giáo viên tận tình giao tiếp công việc còn đang dang dở ở lớp. Tự học trong hai trường hợp nêu trên theo chúng tôi không có gì là mới mẻ cả. Điều đáng quan tâm ở đây là làm sao thầy cô và bố mẹ các em tạo nhiều điều kiện về mặt thời gian để các em tự tìm tòi trang bị kiến thức theo nhu cầu năng khiếu và sở thích của bản thân mình ngay từ khi ở bậc tiểu học.

 

NGUYỄN ĐẶNG CHUYÊN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek