Thứ Hai, 07/10/2024 09:12 SA
Giáo viên dạy lớp ghép:
Yêu nghề, thương học sinh
Thứ Ba, 11/01/2011 14:00 CH

Hội thi “Giáo viên dạy giỏi lớp ghép cấp tiểu học toàn tỉnh” vừa được Sở GD-ĐT Phú Yên tổ chức tại Trường tiểu học Xuân Lâm (TX Sông Cầu). Đây là cơ hội để các giáo viên trao đổi kinh nghiệm, thống nhất phương pháp giảng dạy, cách soạn bài giảng đối với loại hình dạy lớp ghép.

 

giao-vien-110111.jpg

Cô Nguyễn Thị Thu Hường đang dạy lớp ghép 3+4. - Ảnh: HỒ NHƯ

 

Lớp ghép là lớp học có học sinh ở hai trình độ (lớp) trở lên cùng học và do một giáo viên trực tiếp giảng dạy. Với đặc thù này nên lớp học của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hường đến từ Trường tiểu học Ea Bia (huyện Sông Hinh) diễn ra trong cùng một không gian với hai khối lớp 3 và 4. Hai tấm bảng được dựng vuông góc nhau và học sinh hai khối lớp vì thế được sắp xếp ngồi quay về hai hướng bảng. Khối lớp 3 học môn toán với bài “Các số có bốn chữ số” được cô Hường chuẩn bị khá kỹ lưỡng, nhiều dụng cụ trực quan do cô tự làm để học sinh có thể hình dung được và dễ tiếp thu bài. Sau khi hướng dẫn học sinh lớp 3 tập làm quen với các con số, ra bài tập để học sinh tự làm, cô Hường lại quay sang bên kia hướng dẫn cho học sinh lớp 4 môn tập đọc với bài “Bốn anh tài”. Cô Hường giới thiệu bài học, đọc qua một lần cho cả lớp nghe, rồi đặt câu hỏi để học sinh nắm được nội dung. Ngay sau đó, cô lại phải quay sang học sinh lớp 3 để kiểm tra và giải phần bài tập mà cô ra trước đó. Cứ thế, cô Hường như con thoi giữa hai khối lớp trong cùng một phòng học.

 

Đến với tiết dạy lớp ghép 4 và 5 của cô Triệu Thị Thanh Nhị đến từ Trường tiểu học An Hòa số 2 (huyện Tuy An) thì sự khó khăn của giáo viên cũng không kém các lớp ghép khác là mấy. Trong cùng một phòng học, trong khi học sinh lớp 4 luyện tập, mở rộng vốn từ thì học sinh lớp 5 học toán. Nếu ai đó nhìn vào những lớp học ghép như thế này sẽ phải đặt câu hỏi: Làm sao các cô có thể dạy, điều tiết lớp học với không gian lớp được bố trí như vậy? Cô Nguyễn Thị Thu Hường, giáo viên Trường tiểu học Ea Bia chia sẻ: “Những lớp ghép như thế này rất khó khăn cả về cơ sở vật chất lẫn phương pháp giảng bài. Do đó, khi dạy lớp ghép giáo viên phải đảm bảo giữa hai nhóm lớp lúc nào cũng một bên “động”, một bên “tĩnh”; phân bổ thời gian làm việc của các nhóm lớp thật logic. Giáo viên không để học sinh bị phân tâm, làm mất trật tự lớp học bằng cách đưa ra những quy định lớp học ngay từ lúc đầu. Tôi không được đào tạo chính quy về phương pháp dạy lớp ghép, mà chỉ được tập huấn qua các chuyên đề, sau đó tự rút kinh nghiệm qua từng tiết dạy”. Trong khi đó, theo cô Trần Thị Mễ, giáo viên Trường tiểu học Xuân Lâm (TX Sông Cầu), người có thâm niên trên 20 năm dạy lớp ghép thì để có được một giờ dạy có chất lượng với lớp ghép, giáo viên phải tốn nhiều công sức trong việc soạn giáo án. Vì lớp được ghép giữa hai khối lớp khác nhau về trình độ nên giáo viên phải soạn cùng một lúc hai giáo án cho một tiết dạy. Người dạy không chỉ có nghiệp vụ chuyên môn mà quan trọng hơn hết là phải chịu khó và yêu nghề, thương học sinh. Có những lúc nhà quá xa trường, các em lười không đi học, phụ huynh lại không quan tâm, thầy cô phải đến vận động từng học sinh đến trường.

 

Theo Quyết định số 15/2010/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành, từ 1/1/2010 giáo viên tiểu học trực tiếp dạy lớp ghép có học sinh ở hai trình độ khác nhau trở lên cùng học được hưởng thêm phụ cấp. Các giáo viên thuộc đối tượng được hưởng phụ cấp là những người được phân công giảng dạy lớp ghép trong các cơ sở giáo dục công lập, kể cả những người đang trong thời gian thử việc, hợp đồng đã được xếp lương theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004. Cụ thể, giáo viên dạy lớp ghép hai trình độ, mỗi tháng được hưởng thêm 50% tiền lương của tháng giảng dạy; lớp ghép ba trình độ trở lên, mỗi tháng được hưởng thêm 75% tiền lương của tháng giảng dạy. Chế độ phụ cấp dạy lớp ghép được tính trả theo tháng giảng dạy, chi trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Theo nhiều giáo viên dạy lớp ghép, chính sự hỗ trợ này phần nào tiếp thêm cho họ động lực để giảng dạy tốt hơn.

 

Ông Nguyễn Trọng Thiện, Phó Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT Phú Yên cho biết: “Lớp ghép và cách tổ chức dạy lớp ghép là một thực tế khách quan trong giáo dục tiểu học ở nước ta. Loại hình giáo dục này dành cho những khu vực khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Do không có đủ số lượng học sinh để tổ chức riêng thành một lớp học có cùng trình độ nên phải ghép các khối lớp lại với nhau học trong một phòng, mỗi lớp có khoảng 10 – 20 học sinh. Thời gian qua, ngành GD-ĐT đã cố gắng nâng cao chất lượng giáo viên và cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy học lớp ghép. Hiện 100% lớp học có đủ hai bảng viết và những dụng cụ dạy học thiết yếu. Vì việc dạy lớp ghép rất vất vả nên chúng tôi phải thường xuyên luân chuyển giáo viên để không tạo áp lực cho các thầy cô giáo. Số lượng lớp ghép toàn tỉnh từ 65 lớp đã giảm xuống còn 48 lớp. Sắp tới, Sở GD-ĐT sẽ cố gắng để ngày càng giảm số lượng lớp ghép”.

 

HỒ NHƯ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek