Thứ Hai, 07/10/2024 15:15 CH
Nỗ lực nâng cao chất lượng giảng viên
Thứ Sáu, 31/12/2010 13:30 CH

Chất lượng đội ngũ giảng viên quyết định cơ bản chất lượng đào tạo. Cho dù hệ thống giáo dục và phương thức giáo dục đã thay đổi nhiều so với trước đây thì quy luật thầy giỏi kéo theo trò giỏi vẫn có giá trị đúng trong nhiều trường hợp. Hiện nay, chất lượng giảng viên còn tạo nên thương hiệu, khả năng cạnh tranh cho cơ sở đào tạo; chất lượng đội ngũ giảng viên là một tiêu chí quan trọng trong đánh giá, kiểm định chất lượng trường đại học.

 

co-trang101231.jpg

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, Trường Đại học Phú Yên chụp ảnh lưu niệm với giáo sư Hoàng Như Mai tại buổi bảo vệ luận án tiến sĩ. - Ảnh: C.T.V

 

Trường Đại học Phú Yên là một trường mới được thành lập trên cơ sở hợp nhất từ Trường Cao đẳng sư phạm và Trường Trung cấp Nông nghiệp tại địa phương. Thực trạng thiếu đồng bộ trong đội ngũ giảng viên, thiếu giảng viên trình độ cao đặt ra nhiệm vụ cấp bách phải quy hoạch, xây dựng đội ngũ giảng viên song song với việc nâng cao chất lượng giảng dạy.

 

Trước hết về lý thuyết, đội ngũ giảng viên có chất lượng phải đáp ứng được 3 yêu cầu: cơ cấu, trình độ chuyên môn, hiệu quả giảng dạy.

 

Về cơ cấu, ngoài số lượng giảng viên bảo đảm yêu cầu đào tạo tính theo tỉ lệ với số sinh viên, còn phải tính đến số lượng giảng viên cho mỗi chuyên ngành, số chuyên gia có kiến thức chuyên sâu ở mỗi lĩnh vực chuyên môn, tỉ lệ nam và nữ, trẻ và già..

 

Cơ cấu của đội ngũ giảng viên phải giải quyết được mâu thuẫn hai mặt của một vấn đề chung, đó là tính ổn định bền vững gắn liền với khả năng thích ứng nhanh, nhạy, linh hoạt với việc đa dạng hóa các ngành đào tạo, hình thức đào tạo. Một đội ngũ giảng viên được phân bố, quy hoạch tốt có nghĩa là tổ chức đó, đơn vị đó đảm bảo khai thác được tối đa, hiệu quả chuyên môn sâu của từng người; vừa có thể đáp ứng được yêu cầu thay thế, bổ sung liên tục, phát triển đa dạng hóa các loại hình đào tạo, các hệ đào tạo và các ngành nghề khác nhau.

 

Trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng viên được thể hiện trước hết qua học hàm, học vị. Quy định của Bộ GD-ĐT đối với giảng viên dạy hệ đại học tối thiểu phải tốt nghiệp cao học, trong đó tỉ lệ tiến sĩ là 25%.

 

Chất lượng chuyên môn của đội ngũ giảng viên thực tế không chỉ quyết định bởi bằng cấp mà thể hiện qua nhiệm vụ giảng dạy, vị trí và khả năng chuyên môn sâu của họ. Có hai nhiệm vụ quan trọng đối với giảng viên đại học, đó là giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Đối với giảng viên giảng dạy đại học, việc nghiên cứu khoa học luôn phải tiến hành song song với nhiệm vụ giảng dạy. Nghiên cứu khoa học hỗ trợ và phục vụ việc giảng dạy. Phương pháp và quan điểm giảng dạy hiện nay là phát huy tính chủ động, tự nghiên cứu, tự học của sinh viên nên giảng viên càng phải tích cực nghiên cứu khoa học và sáng tạo nhiều hơn.

 

Hiệu quả giảng dạy được đánh giá qua đối chiếu với mục tiêu đào tạo, được đo bằng định mức chuẩn đầu ra cho các ngành đào tạo. Hiệu quả giảng dạy được đánh giá qua chất lượng bài giảng (chương trình, nội dung kiến thức, phương pháp truyền đạt...) và qua hiệu quả tiếp thu, sử dụng kiến thức của sinh viên.

 

Trong thực tế, đội ngũ giảng viên được đánh giá là có chất lượng còn liên quan đến nhiều yêu cầu khác như phẩm chất đạo đức, hành vi ứng xử văn hóa, khả năng truyền thụ những giá trị tinh thần truyền thống dân tộc, tài năng cá biệt, khả năng cộng tác, tư duy độc lập, tinh thần đoàn kết, quan hệ chính trị - xã hội...

 

Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nên đội ngũ giảng viên của Trường Đại học Phú Yên hiện nay dù đã thay đổi rất nhiều cả về chất lẫn lượng, nhưng vẫn chưa đạt đủ các yêu cầu mà Bộ GD-ĐT đặt ra, nhất là tỉ lệ giảng viên có học vị tiến sĩ còn thấp và các giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư còn thiếu. Làm thế nào để sử dụng nguồn nhân lực của trường hiệu quả, đồng thời nâng cao, cải thiện trình độ chuyên môn cho giảng viên nhanh chóng - đó là vấn đề trăn trở đặt ra cho ban lãnh đạo nhà trường và cũng là thách thức đối với lực lượng giảng viên.

 

Trong suốt 3 năm từ 2007 đến nay, có thể nói Trường Đại học Phú Yên đã đầu tư kinh phí lớn cho việc đào tạo, nâng cao và bồi dưỡng giảng viên, đồng nghĩa với việc số giảng viên đi học sau đại học gia tăng.

 

Kết thúc năm 2010, Trường Đại học Phú Yên có nhiều tín hiệu lạc quan, đó là đã bổ sung 3 tiến sĩ, nâng tổng số tiến sĩ của trường lên thành 9, có 5 giảng viên đang làm nghiên cứu sinh; có 70 thạc sĩ và 20 giảng viên đang học cao học (nhưng lại có 1 tiến sĩ chuyển công tác sang đơn vị khác). Sự gắn kết của các thành viên trong đội ngũ giảng viên cũng ngày càng chặt chẽ, ổn định hơn. Bên cạnh đó, trường còn tích cực tuyển dụng thêm một số cán bộ giảng viên trẻ cho các ngành còn thiếu và để đảm bảo tính kế thừa trong đội ngũ.

 

Giảng viên Trường Đại học Phú Yên có quyền tự hào vì được làm việc trong một môi trường khoa học, có nhiều đồng nghiệp và cộng sự tài năng, tâm huyết. Một số khoa trong trường có đội ngũ giảng viên mạnh, chất lượng chuyên môn cao như khoa Khoa học Tự nhiên, khoa Khoa học Xã hội & Nhân văn. Giảng viên ở các khoa này không chỉ đạt trình độ cao (có nhiều tiến sĩ) mà quan trọng hơn là lực lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học tốt, có khả năng làm việc độc lập, hiệu quả. Điều này làm cho nhiều giảng viên dù gặp nhiều khó khăn vẫn nỗ lực đi học, nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu đào tạo ngày càng cao. Khó có thể tính ra bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, niềm hạnh phúc và nỗi khó nhọc phải trải qua trong mỗi tấm bằng tiến sĩ, thạc sĩ của các giảng viên. Năm 2008, sau khi tiến sĩ Nguyễn Thành Mến chuyển công tác đến TP Đà Lạt, trường vỏn vẹn chỉ có 3 tiến sĩ. Năm 2009 tăng thêm 2 và năm 2010 đã tăng thêm 3. Bề ngoài có thể thấy đây là sự tiến lên dễ dàng nhưng để giữ được tốc độ này và để đạt tới con số 25% tiến sĩ là điều cực kỳ gian nan.

 

Việc hoàn thành luận án tiến sĩ trong điều kiện học tập, nghiên cứu hiện nay với thời hạn 2, 3 năm vừa giảng dạy, mưu sinh vừa đầu tư cho khoa học thường bị kéo dài, gián đoạn. Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường dù rất quan tâm đến người đi học, kể cả vật chất lẫn tinh thần, nhưng con đường khoa học thực sự bao giờ cũng vất vả và không phải chỉ cần nỗ lực là được.

 

Tuy nhiên điều mà các giảng viên đại học nói chung cũng như của Trường Đại học Phú Yên nói riêng mong muốn không phải là sự tôn vinh hay những lời tán dương, ngợi ca. Giảng viên muốn có một môi trường khoa học thuận lợi để làm việc, muốn có nhiều cơ hội để có thể phát huy hết khả năng, muốn được đánh giá đúng năng lực bản thân. Vậy nên vấn đề sử dụng con người cần được coi trọng như việc đào tạo, bồi dưỡng.

 

Hiện nay, bên cạnh việc quy hoạch lại đội ngũ giảng viên để đánh giá chính xác nguồn nhân lực có sẵn và để lập kế hoạch phát triển phù hợp; trường cũng đang có nhiều chính sách chiêu hiền đãi sĩ, kêu gọi những người có trình độ chuyên môn cao, có học vị tiến sĩ về phục vụ.

 

Nhìn lại đoạn đường đã đi qua, từ khi được nâng cấp lên đại học, có nhiều điều cần rút kinh nghiệm, cần chỉnh sửa, bổ sung, thay đổi nhưng có một điều nhà trường đã làm đúng, lựa chọn đúng, đó là ưu tiên cho chiến lược con người, ưu tiên cho việc xây dựng đội ngũ giảng viên có trình độ cao, có chất lượng và hiệu quả.

 

TS NGUYỄN THỊ THU TRANG

Trưởng khoa Khoa KH Xã hội - Nhân văn

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek