Thứ Hai, 07/10/2024 21:21 CH
Ngăn ngừa tội phạm và bạo lực học đường:
Cần sự kết hợp từ nhiều phía
Thứ Ba, 21/12/2010 13:30 CH

Tình trạng học sinh vi phạm pháp luật trong thời gian gần đây có dấu hiệu gia tăng và diễn biến phức tạp. Bạo lực học đường cũng đang trở thành một vấn đề cấp bách, làm đau đầu không chỉ đối với những người làm công tác quản lý giáo dục, các bậc cha mẹ học sinh, mà thực sự đang là hồi chuông cảnh báo cho toàn xã hội.

 

hoc101221.jpg

Tăng cường trang bị kỹ năng sống cho học sinh là một trong những giải pháp góp phần ngăn chặn bạo lực học đường. - Ảnh: T.HẰNG

 

Kể từ khi Nghị quyết 09/1998/NQ-CP ngày 21/7/1998 của Chính phủ được ban hành nhằm tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, ngành GD-ĐT đã chỉ đạo các trường học phối hợp với công an địa phương xây dựng mô hình liên kết “trường - phường, xã, thị trấn” để triển khai công tác phòng, chống tội phạm trong học sinh, sinh viên, đảm bảo an ninh, trật tự trường học và cơ sở giáo dục; tăng cường giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật trong học sinh, sinh viên, góp phần xây dựng trật tự, kỷ cương trong môi trường học đường và cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, do tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường, các loại tội phạm và những biểu hiện tiêu cực từ bên ngoài đã ảnh hưởng xấu đến một bộ phận học sinh, sinh viên.

 

Để thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống các loại tội phạm và bạo lực xâm nhập trường học, với phương châm lấy “phòng” là chính, các đơn vị đã chủ động xây dựng nội quy, quy chế bảo vệ an ninh, trật tự cơ quan, tổ chức cho học sinh, sinh viên ký cam kết thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, cam kết không thử, không sử dụng ma túy; thành lập đội thanh niên xung kích, đội cờ đỏ, đội quản lý ký túc xá, tổ tự vệ cơ quan, tổ giám thị; xây dựng hộp thư an ninh tố giác tội phạm; ký kết giao ước thi đua giữa các lớp, xây dựng nền nếp học đường; đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện - học sinh tích cực”...

 

Tuy nhiên, công tác phòng chống tội phạm và bạo lực tại các trường học thời gian qua có nơi, có lúc còn những hạn chế. Biểu hiện là công tác triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của cấp trên còn qua loa, chưa nghiêm túc; công tác tuyên truyền giáo dục về phòng chống tội phạm chưa được tổ chức thường xuyên và thiếu kiểm tra; sự phối hợp của mô hình “trường - phường” chưa kịp thời, một số đơn vị còn nặng về hình thức và sợ ảnh hưởng đến công tác thi đua nên có hiện tượng che dấu hoặc báo cáo không trung thực tình hình học sinh vi phạm pháp luật, do đó sự phối hợp để quản lý, giáo dục học sinh không kịp thời. 

 

Bên cạnh đó, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống và ý thức chấp hành pháp luật, nội quy của nhà trường cho học sinh chưa được thường xuyên và đầy đủ; những tiêu cực nảy sinh từ quan niệm sống và lối sống thực dụng đã tác động thường xuyên và ảnh hưởng đến tư tưởng của một bộ phận không nhỏ học sinh; sự phát triển của khoa học công nghệ, những thông tin xấu trên internet, các trò chơi điện tử, băng đĩa không lành mạnh, phim ảnh bạo lực... đã tác động đến một bộ phận học sinh; sự phát triển tâm sinh lý ở tuổi vị thành niên, tính hiếu động, tò mò, thích bắt chước và muốn thể hiện bản thân đã dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài ra, không thể không nhắc đến một bộ phận phụ huynh học sinh vì mãi lo cuộc sống mưu sinh nên không có thời gian để quan tâm giáo dục con cái. Về trách nhiệm của nhà trường, do chưa quan tâm đúng mức đến các đối tượng học sinh cá biệt, học sinh có học lực và đạo đức yếu kém, không thường xuyên nắm bắt và trao đổi thông tin với phụ huynh học sinh của đội ngũ giáo viên chủ nhiệm cũng là một trong những nguyên nhân không kịp thời ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật của học sinh. Công tác bảo vệ an ninh, trật tự của một vài đơn vị còn chủ quan, sơ hở nên kẻ xấu, tội phạm dễ xâm nhập vào trong trường để hành hung học sinh và trộm cắp…

 

Từ những đánh giá trên đây, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm và giải pháp để góp phần ngăn ngừa tội phạm và bạo lực xảy ra trong môi trường học đường trong giai đoạn được xem là cấp bách hiện nay. Thứ nhất, cần bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của cấp ủy, ban giám hiệu và các tổ chức đoàn thể trong nhà trường; nêu cao ý thức trách nhiệm trong công tác chỉ đạo và tạo điều kiện để các tổ chức Đoàn và Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, các tổ giám thị, đội thanh niên xung kích, đội cờ đỏ... trong trường phát huy một cách tích cực vai trò của mình. Thứ hai, phải xây dựng tốt mối quan hệ giữa nhà trường - gia đình - xã hội, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và gia đình học sinh trong công tác quản lý, giáo dục các em. Thứ ba, tổ chức và thực hiện tốt mô hình “trường - phường”, triển khai có hiệu quả các kế hoạch, chương trình liên tịch giữa đơn vị với công an cũng như các tổ chức khác trong công tác giáo dục, phòng chống các loại tội phạm xâm nhập vào trường học. Thứ tư, theo dõi sát diễn biến tư tưởng trong học sinh, phát hiện kịp thời và xử lý các biểu hiện không bình thường có thể dẫn tới các hành động tiêu cực, vi phạm pháp luật của học sinh. Thứ năm, bên cạnh việc học tập tốt, cần tăng cường tổ chức những sân chơi bổ ích, tách học sinh ra khỏi các trò chơi và phim ảnh bạo lực, xây dựng môi trường sư phạm trong lành, thân thiện, trang bị kỹ năng sống cần thiết, hình thành lý tưởng cao đẹp để học sinh vững chắc niềm tin bước vào tương lai.

 

TRẦN KHẮC LỄ

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek