Thứ Ba, 08/10/2024 17:31 CH
Dạy trẻ tại Trường Niềm Vui (TP Tuy Hòa):
Vừa là thầy, vừa là mẹ
Thứ Ba, 23/11/2010 15:40 CH

Năm học 2010-2011, Trường Niềm Vui (TP Tuy Hòa) có 115 học sinh. Mỗi học sinh một hoàn cảnh khác nhau nhưng các em đều được các thầy, cô giáo tận tình giúp đỡ trong hành trình hòa nhập cộng đồng.

 

niem-tin-1101123.jpg

Cô Lê Thị Thu Hồng đang dạy các em chậm phát triển  - Ảnh: H.NHƯ

 

Cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm, người đã gắn bó với Trường Niềm Vui hơn 15 năm chia sẻ: “Học sinh ở đây đều mang trên mình những khuyết tật rất đáng thương, luôn khát khao tình yêu thương của mọi người. Vì thế, chúng tôi đóng vai trò là người mẹ của các em hơn là một cô giáo”. Vừa dạy chữ (theo chương trình phổ thông ), giáo viên ở đây vừa dạy học trò của mình cách sinh hoạt hàng ngày. “Tôi chỉ các em từ cách cầm viết, cách dùng khẩu hình, dùng tay để ra dấu. Có một học sinh trong lớp tôi bị khiếm thính, không cảm nhận được âm nhạc nhưng lại khát khao được múa. Thương em, tôi phải tự mình học múa rồi dạy em nhớ điệu múa mà không cần nghe nhạc. Bây giờ, học trò này đã biểu diễn được trên sân khấu. Mỗi lần nhìn em múa, tôi không cầm được nước mắt” cô Tâm bộc bạch.

 

Phần lớn, các thầy cô giáo ở Trường Niềm Vui không được đào tạo chính quy chuyên ngành giáo dục đặc biêt. Vì thế, họ phải vừa dạy, vừa học qua từng học sinh của mình để nâng cao nghiệp vụ và để gần gũi học sinh hơn. Mỗi học sinh mỗi hoàn cảnh, mỗi khuyết tật khác nhau nên các thầy cô giáo phải soạn những giáo án riêng mà chỉ những người trực tiếp đứng lớp mới hiểu và làm được. Cô Trần Ngọc Trâm đang dạy lớp trẻ chậm phát triển cho biết: “Những học sinh bị bệnh động kinh, có thói quen tự hủy hoại bản thân nên việc giảng dạy các đối tượng này rất khó khăn. Có em tự đập đầu vào tường, nắm cổ áo cô giáo uy hiếp… là việc thường xuyên xảy ra trong các giờ học. Nhiều lúc các em “đi” ra quần rồi nằm lăn khắp sàn nhà, do đó chúng tôi phải “canh” để giúp các em kịp thời.”

 

“Trâm”, “Lệ”,… là những từ các em gọi người dạy mình chứ không gọi thầy, kêu cô như những học trò khác. Tuy nhiên, đó lại là niềm vui của cả thầy lẫn trò ở đây bởi việc nhớ và gọi được tên đã là một thành công lớn.    

        

Vào những ngày lễ như Nhà giáo Việt Nam 20/11, các nhà giáo ngập tràn hạnh phúc khi được học sinh nói những lời chúc mừng hay tặng những bó hoa tươi thắm. Cô Lê Thị Thu Hồng, người đã gắn bó với trường hơn 10 năm tâm sự: “Hạnh phúc lớn nhất của chúng tôi mỗi ngày đến lớp là khi học trò nhận biết thêm một điều nhỏ bé về kỹ năng sống như có thể gọi tên cô, tự kiểm soát hành vi của bản thân”. Còn cô Trần Thị Trúc Mai, một giáo viên trẻ của trường thì bảo: “Niềm vui của tôi là các em được khỏe mạnh, có thể chơi đùa như một đứa trẻ bình thường”.

 

HỒ NHƯ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek