Thứ Ba, 08/10/2024 19:35 CH
Dạy hai buổi/ngày ở bậc tiểu học:
Các trường gặp nhiều khó khăn
Thứ Ba, 23/11/2010 13:40 CH

Mô hình học hai buổi/ngày ở Phú Yên ngày càng áp dụng rộng rãi và phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, việc mở rộng mô hình này đang gặp không ít khó khăn.

 

hoa-thinh101123.jpg

Một giờ học của học sinh Trường tiểu học số 1 Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa) - Ảnh: M.THÚY

 

Từ thực tế giáo dục tiểu học nhiều năm qua cho thấy, học sinh tiểu học dù ở vùng nào cũng cần phải học thêm mới chắc. Lâu nay, đại đa số các trường ở khu vực thành thị mới có đủ điều kiện tổ chức học hai buổi/ngày hoặc học thêm buổi thứ hai. Các trường thuộc khu vực nông thôn, miền núi, cơ sở vật chất hạn chế nên khó có thể tổ chức dạy hai buổi/ngày. Còn tổ chức học thêm buổi thứ hai (có thu tiền) thì ít có học sinh nào đi học. Chính điều này dẫn đến khoảng cách chất lượng giáo dục tiểu học giữa các vùng miền.

 

Trường tiểu học số 2 Hòa Thịnh là một trong tám trường tiểu học của huyện Tây Hòa được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Để giữ chuẩn quốc gia, nhà trường phải duy trì và phát triển các lớp học hai buổi/ngày theo tiêu chí quy định của Bộ GD-ĐT. Hiệu trưởng Trường tiểu học số 2 Hòa Thịnh Nguyễn Tam cho biết: “Năm học 2010-2011, nhà trường chỉ có thể dạy học hai buổi/ngày đối với học sinh lớp 1. Bên cạnh hạn chế về cơ sở vật chất, một nguyên nhân khác làm ảnh hưởng đến việc tổ chức học hai buổi/ngày là do học sinh không học”. Thầy Tam giải thích, học sinh học hai buổi/ngày thì cha mẹ phải đưa đón 4 lần/ngày vì nhà trường chưa có bán trú. Với phụ huynh vùng nông thôn, việc đưa đón như vậy không phải ai cũng có thể đảm bảo.

 

Trường tiểu học số 1 Hòa Thịnh chuẩn bị đưa vào sử dụng 8 phòng học kiên cố, nâng tổng số phòng học ở trường này lên 16 phòng. Với số phòng học này, Trường tiểu học số 1 Hòa Thịnh có thể tổ chức học hai buổi/ngày cho học sinh. Song thầy Tạ Ngọc Ẩn, Hiệu trưởng nhà trường vẫn lo lắng vì không biết phụ huynh học sinh có đồng ý cho con đi học hay không.

 

Trong khi các trường ở vùng nông thôn gặp khó khăn trong việc huy động học sinh học hai buổi thì các trường ở khu vực thành thị lại “quá tải” trong việc tổ chức học hai buổi. Thầy Lê Minh Sanh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Quý Đôn (TP Tuy Hòa) nói: “Năm học này, nhà trường có hơn 770 học sinh, 22 lớp. Song nhà trường chỉ có 20 phòng học nên chỉ có thể tổ chức được 17 lớp học hai buổi/ngày. Một số học sinh do điều kiện cha mẹ không thể đưa đón được nên nhờ nhân viên tạp vụ của trường nấu ăn bữa trưa và nghỉ tại nhà nhân viên này. Tuy nhiên, cũng chỉ giải quyết được cho hơn 20 học sinh”. Nhờ tổ chức dạy học hai buổi/ngày, chất lượng giáo dục của Trường tiểu học Lê Quý Đôn luôn được đánh giá cao với tỉ lệ 50 – 75% học sinh xếp loại học lực khá, giỏi. Tuy nhiên, do hạn chế về diện tích mặt bằng nên đến nay ngôi trường này vẫn chưa được công nhận đạt chuẩn quốc gia. 

 

Đến thời điểm này, việc tổ chức học hai buổi/ngày ở Phú Yên vẫn tập trung ở những địa phương có điều kiện thuận thuận lợi. Các trường vùng ven, vùng khó khăn chưa thể mở rộng mô hình dạy học này. Trong khi đó, theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, trong năm học 2010-2011, các địa phương trong cả nước phải đẩy mạnh tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học, nhất là ở những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để đảm bảo không xảy ra tình trạng học sinh học quá sức, quá tải khi học hai buổi/ngày, Bộ GD – ĐT yêu cầu tất cả hiệu trưởng các trường cần chủ động xây dựng kế hoạch dạy học hai buổi/ngày trên cơ sở đảm bảo yêu cầu về nội dung, thời lượng. Các trường sẽ dạy học theo kế hoạch giáo dục, thực hiện chương trình, sách quy định cho mỗi lớp, thực hành kiến thức đã học, tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động thực tế tại địa phương nhằm hỗ trợ cho việc học tập, giúp đỡ học sinh yếu vươn lên hoàn thành yêu cầu học tập. Đối với những trường ở vùng khó khăn, việc tổ chức dạy hai buổi/ngày không thêm nội dung dạy học, tập trung phụ đạo học sinh có học lực yếu, kém, bảo đảm chuẩn kiến thức, kỹ năng.

 

 Theo các giáo viên, học sinh tiểu học còn nhỏ, ý thức tự học không cao, do đó, việc tổ chức học buổi thứ hai với sự giúp đỡ của giáo viên sẽ giúp học sinh ôn tập, rèn luyện và nắm vững kiến thức hơn. Tuy nhiên, bên cạnh hạn chế về cơ sở vật chất, chưa thể tổ chức học bán trú cho học sinh, một khó khăn nữa mà Phú Yên đang gặp phải đó là giáo viên. Theo thống kê của Sở GD-ĐT, toàn tỉnh hiện có 172 trường tiểu học, trong đó, có 82 trường tổ chức dạy hai buổi/ngày. Do giáo viên đứng lớp thiếu nên các trường phải thu tiền để bồi dưỡng cho giáo viên giảng dạy ở buổi thứ hai. Đối với vùng thuận lợi, phụ huynh sẵn sàng đóng tiền để con em được học thêm, còn với học sinh vùng khó khăn thì việc vận động xã hội hóa để bồi dưỡng cho giáo viên dạy buổi thứ hai không phải là dễ. Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT Phú Yên Đặng La cho biết: “5 năm qua, giáo dục tiểu học của tỉnh đã có những bước chuyển biến rõ rệt. Cơ sở vật chất được quan tâm hơn, cụ thể số trường, lớp tăng nhiều hơn trước để đáp ứng nhu cầu dạy hai buổi/ngày. So với mặt bằng chung cả nước (khoảng 40%) thì số học sinh học hai buổi/ngày của Phú Yên có tăng hơn, song không đồng đều ở các trường và các địa bàn”.

 

Không thể phủ nhận hiệu quả mô hình học hai buổi/ngày đối với học sinh tiểu học. Song để tạo sự công bằng trong giáo dục khi thực hiện mô hình này, ngành GD-ĐT, các trường và chính quyền địa phương cần có những chính sách phù hợp để giúp học sinh những vùng khó cũng được hưởng thụ điều kiện giáo dục tốt.

 

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek