Thứ Tư, 09/10/2024 05:22 SA
“Nâng chất” trường chuyên
Thứ Ba, 09/11/2010 13:30 CH

Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020 với tổng kinh phí trên 2.300 tỉ đồng vừa được Bộ GD-ĐT triển khai. Đây là một khâu đột phá của ngành GD-ĐT trong việc phát triển nhân tài. Với đề án này, các trường chuyên sẽ có nhiều cơ hội để phát triển và nâng cấp cơ sở vật chất.

 

lvc-101109.jpg

Học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh thực hành Tin học - Ảnh: M.THÚY

 

NÂNG CAO HIỆU QUẢ ĐÀO TẠO

 

Theo mục tiêu của đề án, đến năm 2015, 100% trường chuyên THPT đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 15 trường trọng điểm, có chất lượng ngang tầm các trường trung học tiên tiến trong khu vực và quốc tế; 100% cán bộ quản lý, giáo viên giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, sử dụng thông thạo tin học và thiết bị dạy học hiện đại. Ngoài ra, ít nhất 50% học sinh được xếp loại học lực giỏi; 70% học sinh giỏi, khá về tin học; 30% học sinh đạt bậc ba về ngoại ngữ theo tiêu chí do Hiệp hội các Tổ chức khảo thí ngoại ngữ châu Âu ban hành. Đặc biệt, trong đề án đã nêu ra một khâu đột phá đó là tạo sự liên thông giữa việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh năng khiếu ở trường THPT chuyên với việc đào tạo ở đại học.

 

Cũng đến năm 2015, có 30% học sinh các lớp chuyên đã tốt nghiệp THPT được đào tạo tại các lớp cử nhân tài năng, kỹ sư chất lượng cao của các trường đại học trong nước và tại các trường đại học có uy tín ở nước ngoài và đạt 50% vào 2020. Đề án sẽ tập trung giải quyết bài toán cơ sở hạ tầng, đội ngũ giáo viên cho các trường chuyên trên cả nước hiện nay, trong đó, ưu tiên mở rộng diện tích mặt bằng tối thiểu đạt 15m2/học sinh. Phát triển hệ thống thư viện điện tử, đầu tư mua sách, tài liệu tham khảo, cập nhật thông tin về giáo dục trong và ngoài nước.

 

Hơn 1.000 giáo viên các trường THPT chuyên trên toàn quốc cũng được tập huấn nội dung chuyên sâu, tiệm cận với chương trình quốc tế. Chương trình phát triển giáo dục trung học cũng có kế hoạch tập huấn tiếng Anh cho 456 giáo viên dạy các môn học ở trường chuyên (dự kiến tiến hành vào hè năm 2011), mục tiêu của chương trình là giáo viên chuyên có thể dạy các môn học của mình cho học sinh bằng tiếng Anh...

 

Bộ GD-ĐT cho biết, trong thời gian tới, 63 trường chuyên trên toàn quốc sẽ được cung cấp trang thiết bị theo các cấp độ khác nhau, tùy vào điều kiện của từng trường và nhu cầu sử dụng, tiến tới xây dựng các trường chuyên theo hướng mô hình trường học ở các nước tiên tiến trên thế giới. Đến năm 2020, mỗi trường THPT chuyên hợp tác được với ít nhất một cơ sở giáo dục có uy tín trong khu vực và quốc tế.

 

CẦN CÓ CHÍNH SÁCH ĐỒNG BỘ

 

Không ai có thể phủ nhận rằng học sinh trường chuyên ngày càng có một mặt bằng kiến thức toàn diện, vững chắc hơn, hầu hết đều đỗ đại học với điểm cao, vào những trường top. Nhưng mỗi năm, trong các kỳ thi Olympic các môn quốc tế, các giải thưởng hay những học sinh được chọn chỉ tập trung ở một số trường nhất định như khối chuyên ĐH Quốc gia Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, chuyên Trần Phú (Hải Phòng), chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định), chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An)… Còn rất nhiều trường chuyên khác, chưa bao giờ hoặc rất hiếm khi có học sinh góp mặt. Điều này không phải do không có học sinh giỏi mà là do chưa đầu tư đúng mức.

 

Tại Phú Yên, “thương hiệu” học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh đã được khẳng định trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Tuy nhiên, đến nay, trường này vẫn chưa hội đủ các điều kiện để được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia. Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh Nguyễn Tấn Hào cho biết: “Điều kiện thiết yếu nhất để dạy hai buổi/ngày trường cũng chưa thể thực hiện được vì thiếu phòng học, thiếu phòng bộ môn thì các điều kiện khác làm sao đáp ứng được!”. Bên cạnh khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, một yếu tố khác làm “khó” các trường chuyên đó là từ khi Bộ GD-ĐT bỏ chính sách tuyển thẳng đối với học sinh đạt giải quốc gia vào đại học, học sinh giỏi không còn mặn mà với trường chuyên, đội tuyển. Bởi mục tiêu của học sinh và gia đình là vào đại học. Theo nhiều người, để thu hút học sinh giỏi vào trường chuyên, Bộ GD-ĐT cần có chính sách đồng bộ hơn. Chính sách tuyển thẳng học sinh đạt giải quốc gia đã được bỏ do có nhiều hạn chế. Nhưng với chính sách như hiện nay cũng khiến nhiều học sinh không mặn mà. Vì dù đủ điều kiện để xét vào trường đại học (đạt trên điểm sàn, tốt nghiệp THPT loại khá, giải ba quốc gia trở lên) nhưng học sinh vẫn không thể vào trường do trường đại học mà học sinh muốn vào không nhận. Do đó, nhiều người cho rằng bộ cần phân bổ chỉ tiêu tuyển học sinh đạt giải quốc gia cho các trường đại học.

 

Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên Nguyễn Văn Tá cho biết: “Tại hội nghị triển khai đề án Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020 vừa được Bộ GD-ĐT triển khai tại Hà Nội, nhiều đại biểu cho rằng với đề án này, các trường chuyên sẽ có nhiều cơ hội để phát triển và nâng cấp cơ sở vật chất. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu như đề án đưa ra là không hề dễ dàng. Đối với Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, việc cần làm đầu tiên đó là cải thiện cơ sở vật chất. Căn cứ vào đề án phát triển của Bộ GD-ĐT, ngành GD-ĐT Phú Yên sẽ xây dựng đề án trình UBND tỉnh và Bộ GD-ĐT về kế hoạch xây dựng Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh ở một địa điểm khác với diện tích khoảng 3ha hoặc tiến hành nâng cấp trường cũ để đảm bảo diện tích mặt bằng tối thiểu; bồi dưỡng đội ngũ giáo viên để từng bước triển khai dạy tiếng Anh ở một số môn học. Bởi theo quy định của Bộ GD-ĐT, những trường nào có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên thì mới triển khai dạy tiếng Anh ở một số môn học”.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek